i-Tree - Công nghệ hữu ích trong quản lý rừng và cây xanh đô thị

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/6/2022 | 4:44:50 Chiều

Ngày 11/6/2022, Đại học Lâm nghiệp đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (Trung tâm Green Việt) tổ chức Hội thảo tập huấn sử dụng chương trình I-Tree trong giám sát cây xanh đô thị ở Việt Nam.

i-Tree - Công nghệ hữu ích trong quản lý rừng và cây xanh đô thị- Ảnh 1
Đại biểu tham dự hội thảo
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo trường Đại học Lâm nghiệp, Trung tâm Green Việt, UBND huyện Lương Sơn, các sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, sở TN và MT Hà Nội, Đại học Văn Lang, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai, Công viên cây xanh Đà Nẵng...
Mục tiêu của hội thảo nhằm xây dựng cộng đồng, kết nối những người trồng, quản lý, sử dụng phần mền quản lý cây xanh; Sau hội thảo tập huấn, các đơn vị có thể cùng nhau đồng hành, học tập kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các chiến lược quản lý và phát triển cây xanh...; Giúp các công ty cây xanh có một kế hoạch truyền thông một cách hiệu quả đến cộng đồng, góp phần kêu gọi người dân chung tay bảo vệ, phát triển cây xanh.
i-Tree - Công nghệ hữu ích trong quản lý rừng và cây xanh đô thị- Ảnh 2
PGS.TS Phùng Văn Khoa - Phó Hiệu trưởng Đại học Lâm Nghiệp
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phùng Văn Khoa - Phó Hiệu trưởng Đại học Lâm Nghiệp cho biết, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh đang góp phần cải thiện diện tích cây xanh đô thị. Vệc quản lý cây xanh đô thị thực sự rất cần thiết và ứng dụng i-Tree là một công cụ tiên tiến có thể đen lại hiệu quả cao cho công tác nói trên. 
Theo TS.Hà Thăng Long, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Green Việt: Trong bối cảnh cây xanh có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống, văn hoá của người Việt Nam, hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025, Trung tâm Green Việt đã đưa ứng dụng i-Tree, một công cụ được phát triển bởi Cục Lâm nghiệp Mỹ (USFS) về ứng dụng tại Việt Nam.
i-Tree - Công nghệ hữu ích trong quản lý rừng và cây xanh đô thị- Ảnh 3
TS Hà Thăng Long, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Green Việt phát biểu tại hội thảo
I-Tree được phát triển từ năm 2006 với sự phối hợp của nhiều viện nghiên cứu, đặc biệt phần mền này đang được phân phối miễn phí và dễ dàng sử dụng. Ứng dụng này có nhiều công cụ khác nhau, hiện tại có 3 công cụ được dùng ngoài nước Mỹ đó là i-Tree Eco, i-Tree Canopy và i-Tree Database. Tại Việt Nam, Green Việt là đơn vị hướng dẫn kỹ thuật của ứng dụng. Trong khuôn khổ hội thảo lần này, nhà tổ chức đã tập huấn cho các đại biểu tham gia cách thức sử dụng công cụ i-Tree Eco.
I-Tree Eco có thể được sử dụng để đánh giá cấu trúc cây, rừng; chức năng cây và rừng trong lưu trữ và hấp thụ CO2 hằng năm, giảm ô nhiễm không khí, hiệu ứng thủy văn, hiệu ứng năng lượng, sản xuất ôxy, bóng râm hiệu ứng tia cực tím, đặc điểm cảm quan thực phẩm; giá trị kinh tế; thông tin quản lý; nghiên cứu dự báo và phân tích phí lợi ích.
Người sử dụng chỉ cần tải ứng dụng về máy tính hoặc thiết bị di động thông minh, khai thác và nhập các dữ liệu thực địa về cây xanh (tên loài cây, đường kính ngang ngực, tổng chiều cao cây, chiều rộng tán, phần trăm tán bị mất, số mặt tiếp xúc với ánh sáng, tình trạng sử dụng đất) vào ứng dụng, máy chủ i-Tree Eco sẽ tiến hành phân tích và trả về kết quả phân tích các thông số carbon, không khí, thủy văn, năng lượng, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, cấu trúc và giá trị của cây. Từ đó đưa ra các dự báo trong tương lai.
Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu cho biết, qua thử nghiệm tại một số địa phương cho thấy I-Tree là một công cụ phù hợp với Việt Nam. Vì hiện tại Việt Nam đang thiếu bộ dữ liệu tổng quan và một công cụ quản lý có thể kết nối được các cơ quan quản lý, vận hành, chưa có cơ sở đánh giá chính xác giá trị của cây xanh nên chưa xây dựng được các kế hoạch truyền thông về vài trò, ý nghĩa của cây xanh cũng như huy động sự tham gia bảo vệ, phát triển cây xanh của cộng đồng một cách hiệu quả.
Theo TS. Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Đại học Văn Lang: Tính năng của i-Tree sẽ giúp cho đội ngũ nghiên cứu dễ dàng có được bộ phân tích dữ liệu về khả năng hấp thụ CO2, bụi mịn và các loại khí độc khác của hệ thống cây xanh đô thị, cũng như khả năng cung cấp ô xy của cây xanh ra môi trường. Dữ liệu quan trọng này là kiến thức sẽ được cập nhật vào chương trình đào tạo, giúp sinh viên nắm bắt được kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn.
Bởi vậy, i-Tree sẽ giúp nhà quản lý đánh giá một cách cụ thể giá trị của từng cây như diện tích lá, sinh khối lá, sinh khối cây, sức khoẻ thân cây, khả năng lưu trữ và hấp thụ C02, loại bỏ ô nhiễm không khí, điều tiết nước ngầm cũng như giá trị tiền tệ dựa trên các phương pháp kinh tế khác nhau. Phần mền có thể được sử dụng để đánh giá ở các quy mô từ vài hecta đến hàng nghìn hecta, tương đương với quy mô một công viên, khu vườn, khuôn viên hoặc một thành phố.
PGS.TS Nguyễn Minh Thanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp và Biến đổi khí hậu - Khoa Lâm học (ĐH Lâm nghiệp) cho biết: "Nhà trường đã phối hợp cùng Green Việt tham gia Dự án một triệu cây xanh đô thị Việt Nam trong 3 năm (2020-2022). Hằng năm, nhà trường huy động 500-600 sinh viên tham gia các hoạt động trồng cây, thu hút 1.300 lượt người ở các địa phương tham gia và đã có hơn 15.000 cây xanh được trồng tại các trường liên thôn, xã, trường học.
i-Tree - Công nghệ hữu ích trong quản lý rừng và cây xanh đô thị- Ảnh 4
Một trong những hoạt động trồng cây được Trường Đại học Lâm Nghiệp tổ chức
"Khi ứng dụng công nghệ phần mềm i-Tree trong việc xác định trọng điểm kế hoạch, quản lý, giám sát cây xanh trong quá trình sinh trưởng, chúng tôi thấy rất hiệu quả. 90% cây xanh được trồng tại các địa điểm đều phát triển tốt tại các điểm trồng. Chương trình còn có ý nghĩa tác động, thay đổi nhận thức của người dân về lợi ích trồng cây xanh đối với môi trường, cải tạo môi trường trở nên trong sạch hơn. Thực tế có những nơi trước đây là bãi rác tự phát, nhưng sau khi được trồng cây xanh sau 2 năm trở lại, nơi đây đã không còn bãi rác và phủ một màu xanh mát, rợp bóng cây. Chúng tôi hy vọng, việc ứng dụng phần mềm i-Tree sẽ trở nên phổ biến, giúp các nhà xây dựng, quản lý môi trường, người dân hưởng ứng tích cực trồng cây xanh và bảo vệ môi trường” - PGS.TS Nguyễn Minh Thanh chia sẻ.
Tính đến tháng 12/2019, đã có khoảng 12.000 người với 130 quốc gia sử dụng i-Tree, nhiều nhất là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines... 
Với những tính năng ưu việt, i-Tree được kỳ vọng sẽ giúp các cơ quan chức năng như Bộ Xây dựng, sở Xây dựng lập kế hoạch trồng, xác định đúng loài, vị trí, giám sát nỗ lực trồng cây theo không gian và thời gian trong Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025; Giúp cho đơn quản lý nghiên cứu, lập kế vị hoạch và quản lý tài nguyên cây xanh đô thị một cách chiến lược và góp phần tăng cường hiệu quả của công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng.

Bạn đọc có thể chung tay cùng Trung tâm Green Việt bảo tồn đa dạng sinh học qua link:  𝗵𝘁𝘁𝗽𝘀://𝗴𝗿𝗲𝗲𝗻𝘃𝗶𝗲𝘁.𝗼𝗿𝗴/𝗴𝗮𝘆-𝗾𝘂𝘆/

Hà Thắm


Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường

  •  
Các tin khác

Tác động môi trường lớn nhất của việc sản xuất giấy vệ sinh xuất phát từ lượng điện khổng lồ mà các cơ sở sản xuất cần để làm nóng bột giấy, nước và hóa chất, sau đó làm khô cuộn giấy.

Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc lần đầu thông qua nghị quyết về suy thoái đất, kêu gọi các nỗ lực quốc tế nhằm chống sa mạc hóa và suy thoái đất đai, thúc đẩy bảo tồn và quản lý đất đai bền vững.

Ngày 9/2, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia do tình trạng mất điện nghiêm trọng trên toàn quốc và nhấn mạnh việc thiếu điện đang gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với nền kinh tế và cơ cấu xã hội.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La vừa tổ chức thành công Gian hàng Trái tim xanh, kết hợp thu gom chai nhựa giấy vụn để đổi lấy cây xanh.