Thói quen sử dụng đồ nhựa sẽ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng khí hậu

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/12/2022 | 11:37:51 Sáng

Ô nhiễm nhựa cùng với biến đổi khí hậu, hiện đang là mối đe dọa môi trường lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt

Hậu quả khó lường của ô nhiễm nhựa

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), ô nhiễm nhựa và biến đổi khí hậu mặc dù là hai vấn đề riêng biệt nhưng cần phải được giải quyết đồng thời. Tình trạng ô nhiễm nhựa đại dương đang ngày càng trầm trọng cũng góp phần thúc đẩy tốc độ của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Còn theo nghiên cứu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), thói quen sử dụng đồ nhựa, đặc biệt nhựa dùng một lần, trên toàn cầu đang thúc đẩy nhu cầu ngày càng gia tăng đối với nhiên liệu hóa thạch bởi có khoảng 99% nhựa sử dụng ngày nay có nguồn gốc từ dầu, khí đốt hoặc than đá.

Các nhà khoa học ước tính rằng từ năm 1950 đến 2017, thế giới đã sản xuất 9,2 tỷ tấn nhựa. Ngày nay, chúng ta sản xuất khoảng 438 triệu tấn nhựa mới mỗi năm. Nếu không có dấu hiệu chậm lại, con số này dự kiến sẽ tăng lên 34 tỷ tấn vào năm 2050.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Theo ước tính của Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), năm 2019, việc sản xuất và xử lý nhựa thải ra khoảng 850 triệu tấn khí thải nhà kính vào bầu khí quyển của Trái đất, tương đương với lượng khí thải từ 189 năm nhà máy điện than công suất hàng trăm MW.

 

Nếu quá trình sản xuất và sử dụng nhựa tăng trưởng với tốc độ dự đoán, thì đến năm 2030, lượng khí thải này có thể lên tới 1,34 tỉ tấn mỗi năm, tương đương với lượng khí thải do hơn 295 nhà máy nhiệt điện than 500 MW mới thải ra. Như vậy, ngành công nghiệp nhựa thực sự là nguồn phát thải khí nhà kính công nghiệp phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Trung tâm Luật môi trường quốc tế (CIEL), với tốc độ sản xuất nhựa hiện tại, ngành nhựa sẽ chiếm 20% lượng dầu tiêu thụ vào năm 2050. Trong khi các quốc gia trên thế giới đang cố gắng hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp nặng, nông nghiệp,…, xu hướng này có thể khiến các nỗ lực trên trở nên vô nghĩa.

Nói cách khác, khí thải từ vòng đời nhựa đe dọa khả năng đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách cuối cùng trôi ra biển, gây ô nhiễm nhựa đại dương. Trong quá trình phân hủy, chúng cũng phát thải ra khí nhà kính.

 

Không dừng ở đó, nhựa dẫn đến phát thải khí nhà kính ở mọi giai đoạn trong vòng đời của chúng, từ quá trình khai thác, vận chuyển nhiên liệu hóa thạch, quy trình tinh chế, sản xuất thành phẩm đến quá trình quản lý, xử lý hoặc rò rỉ chất thải nhựa ra môi trường.

Ước tính, lượng khí thải nhà kính từ sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa có thể chiếm 19% tổng ngân sách carbon toàn cầu vào năm 2040.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, nhựa là nhiên liệu hóa thạch ở một dạng khác và kêu gọi các quốc gia giải quyết vấn đề ô nhiễm và sản xuất nhựa. Ông cũng thúc giục các nước nhìn xa hơn về vấn đề lãng phí và dừng sử dụng nhựa.

 

Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Pew Charitable Trusts, các cam kết hiện tại trên toàn thế giới sẽ chỉ giảm 7% lượng nhựa thải ra đại dương hàng năm vào năm 2040. Chính vì vậy, các quốc gia nhận thấy cần có một hiệp ước toàn cầu nhằm ràng buộc nghĩa vụ đối với các quốc gia trong việc giảm tác động ô nhiễm trong toàn bộ vòng đời của nhựa, giảm tiêu thụ nhựa, tái sử dụng các sản phẩm nhựa và cải thiện hệ thống quản lý rác thải nhựa.

Thiết lập nền kinh tế tuần hoàn giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa

Về mặt lý thuyết, hầu hết các vật liệu nhựa có thể được tái chế, nhưng thực tế lại khác. Trong số tất cả rác thải nhựa mà chúng ta tạo ra trên toàn cầu, các nhà khoa học ước tính rằng chưa đến 10% được tái chế. Khoảng 79% chất thải nhựa kết thúc tại các bãi chôn lấp hoặc tự nhiên và khoảng 12% được đốt.

Những nguyên nhân hàng đầu khiến nhựa khó thể tái chế bao gồm: ô nhiễm chất thải nhựa (ví dụ: nhãn mác hoặc thức ăn thừa), các chất phụ gia hóa học độc hại có trong một số loại nhựa (ví dụ: chất chống cháy), thiếu động lực kinh tế và lợi nhuận, có nhiều rào cản đối với việc tái chế hiệu quả… Do vậy, phần lớn hoạt động tái chế ngày nay chỉ đơn thuần là trì hoãn việc xử lý cuối cùng tại các bãi chôn lấp hoặc lò đốt chứ không thực chất là ngăn chặn rác thải nhựa.

Theo đánh giá của các chuyên gia trên thế giới, chìa khóa để giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm nhựa là phải thiết lập một nền kinh tế tuần hoàn. Nhựa không thể bị loại bỏ khỏi hệ thống mà cần phải được tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy đúng cách. Điều này đòi hỏi các quốc gia đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng thu gom và tái chế.

Tuy nhiên, về hiệu quả lâu dài, Quỹ Ellen MacArthur (Anh) ước tính, một nền kinh tế tuần hoàn có thể cắt giảm 80% lượng nhựa thải ra đại dương của chúng ta mỗi năm so với hoạt động kinh doanh thông thường. Nó cũng có thể tạo ra khoản tiết kiệm hàng năm là 200 tỷ đô la, giảm 25% lượng khí thải nhà kính và tạo thêm 700.000 việc làm ròng vào năm 2040.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm 2022 (COP27), Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các chính phủ hành động mạnh mẽ hơn để giải quyết tác động của nhựa đối với khí hậu. Nói đơn giản hơn, vấn nạn ô nhiễm nhựa đại dương đang đẩy nhanh tốc độ nóng lên toàn cầu, hệ quả cuối cùng là một cuộc khủng hoảng khí hậu.

Có thể thấy hệ lụy đáng lo ngại về chất thải nhựa. Đó là có khoảng 75% tổng số nhựa được sản xuất trên thế giới cuối cùng trở thành chất thải và thường bị đốt trái phép để xử lý. Giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa đại dương là nhiệm vụ mang tính toàn cầu chứ không chỉ riêng một quốc gia nào.

Ông Gustavo Manrique, Bộ trưởng môi trường Ecuador, dẫn chứng mặc dù Ecuador đã thiết lập thành công luật kinh tế tuần hoàn quốc gia, nhưng 83% rác thải nhựa đến bờ biển của họ đến từ các quốc gia khác. "Các vấn đề địa phương chỉ có thể được giải quyết bằng cách thực hiện các thỏa thuận toàn cầu.”

Ông đề cập đến các hành động của 56 quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung để chống ô nhiễm nhựa, bao gồm cả thông qua Liên minh đại dương sạch Khối thịnh vượng chung, giải quyết rác thải nhựa trong các hệ sinh thái biển. Ông khẳng định khi nền kinh tế tuần hoàn được thiết lập thành công trên toàn thế giới, "tương lai là không có rác thải nhựa”.

Susan Gardner, Giám đốc hệ sinh thái của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cũng khẳng định "việc xử lý ô nhiễm nhựa là cơ hội để các xã hội chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, qua đó giải quyết cả ba cuộc khủng hoảng toàn cầu: biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học”.

Hiệp ước toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa

Một Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu đang là mục tiêu, cũng là yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay, nhằm thúc đẩy các cam kết mạnh mẽ của các Chính phủ trong vấn đề này.

Tháng 3/2022, tại Hội đồng môi trường Liên Hợp Quốc lần thứ năm, 175 quốc gia đã đồng ý bắt đầu đàm phán về một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý về việc quản lý toàn bộ vòng đời của nhựa nhằm đối phó với thảm họa rác thải nhựa hiện tại.

Đầu tháng 12, hơn 2.000 đại biểu đến từ 160 nước đã họp tại Uruguay trong vòng đầu tiên của 5 vòng đàm phán về ô nhiễm nhựa, đã được lên kế hoạch của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) thuộc Liên Hợp Quốc về ô nhiễm nhựa nhằm hướng đến việc thiết lập một hiệp ước ràng buộc pháp lý đầu tiên về ô nhiễm nhựa vào cuối năm 2024.

Có hơn 40 nước tham gia liên minh tham vọng cao, bao gồm các nước thành viên Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ, Ghana và nước chủ nhà Uruguay kỳ vọng, hiệp ước này được xây dựng dựa trên các biện pháp bắt buộc trên thế giới, bao gồm hạn chế sản xuất nhựa. Theo đó, nếu không có khung pháp lý quốc tế chung, các quốc gia sẽ không thể chung tay giải quyết thách thức toàn cầu ngày càng tăng về ô nhiễm nhựa.

Nếu được thông qua, thỏa thuận lịch sử này có thể giúp tạo ra trách nhiệm giải trình và tính minh bạch cần thiết để thay đổi cách chúng ta sản xuất, tiêu thụ và xử lý nhựa, góp phần quan trọng trong việc đảo ngược cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa đại dương toàn cầu.


Đại Phong



Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Ngày 19/1/2024, tại Nhà hát Âu Cơ, Thủ đô Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải “Cây chổi vàng” – Tôn vinh những công nhân vệ sinh môi trường – Lần thứ 4 – Năm 2023.

Thành lập ngày 14/8/1998, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam ngày hôm nay đã trưởng thành và có nhiều bước tiến quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung cho ngành Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam

Sáng 5/5, Chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2023” đã chính thức được khởi động nhằm kêu gọi cộng đồng cùng tham gia bảo vệ sức khỏe và môi trường sống, cũng như cổ vũ lối sống lành mạnh, xanh-sạch-đẹp hơn.

Mực nước ở vùng duyên hải của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong năm thứ hai liên tiếp, tăng nhanh hơn mức trung bình của thế giới và đe dọa nghiêm trọng cho các thành phố biển như Thượng Hải.