Lai Châu: Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/9/2021 | 8:41:02 Sáng

Sở TN&MT Lai Châu thống kê, toàn tỉnh hiện có 75% diện tích tự nhiên được Bộ TN&MT điều tra, đánh giá trữ lượng và phát hiện có các loại khoáng sản chính như: đất hiếm, barit, fluorit, vàng, đồng, chì, kẽm, đá phiến lợp, đá xi-măng.

Hiện nay, UBND tỉnh Lai Châu đã cấp 78 giấy phép, trong đó 53 giấy phép khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp và 25 giấy phép khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Hiện có 27 giấy phép còn hiệu lực gồm: 2 giấy phép khoáng sản kim loại và khoáng chất công nghiệp như: mỏ đất hiếm Đông Pao (huyện Tam Đường) và mỏ chì kẽm Si-Phay (huyện Phong Thổ); 25 giấy phép khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (20 mỏ đá và 5 mỏ cát).
Với nguồn khoáng sản phong phú, đa dạng, nên việc quản lí và khai thác, sử dụng tài nguyên của Lai Châu cũng là một trong những vấn đề cấp thiết của địa phương này. 
lai-chau-tang-cuong-quan-ly-tai-nguyen-khoang-san-1
Sử dụng tài nguyên của Lai Châu cũng là một trong những vấn đề cấp thiết của địa phương này. Ảnh minh họa
Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát sỏi lòng sông, suối tại khu vực giáp ranh với các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Điện Biên. Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, UBND các cấp thực hiện quản lý, bảo vệ khoáng sản kịp thời khi có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, UBND các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Nếu để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Đại diện lãnh đạo Sở TN&MT cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, sở chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, phối hợp các đơn vị chức năng, huyện, thành phố rà soát, kiểm tra các khu vực có khả năng xảy ra khai thác trái phép; quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ năm 2020 đến hết tháng 8/2021, sở đã kiểm tra 76 tổ chức liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Qua kiểm tra phát hiện xử phạt vi phạm hành chính với 5 tổ chức và 1 cá nhân với tổng số tiền hơn 170 triệu đồng. Đối với các doanh nghiệp được cấp phép, hàng năm Sở TN&MT phối hợp các huyện, thành phố kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản; thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm và kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp xử lý.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại như: một số chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã chưa chủ động thực hiện hết trách nhiệm theo phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được UBND tỉnh phê duyệt. Các điểm khai thác trái phép chủ yếu ở vùng sâu, địa hình phức tạp núi dốc, hiểm trở nên khó phát hiện xử lý tịch thu phương tiện vi phạm. Công tác thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản chưa được thường xuyên. Văn bản quy định của pháp luật chưa đồng bộ và chưa đủ sức răn đe, nhất là quy định về xử lý hình sự trong khai thác khoáng sản trái phép. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính còn bất cập. Tiêu biểu như vừa qua UBND xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ) đã lập biên bản 7 đối tượng khai thác vàng trái phép, song chỉ có 5 đối tượng có chứng minh Nhân dân nên chỉ ra quyết định xử phạt 5 đối tượng, 2 đối tượng còn lại không bị xử phạt dẫn đến một số cá nhân lợi dụng bất cập của pháp luật tiếp tục thực hiện khai thác trái phép.
Trong thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Lai Châu tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra trách nhiệm UBND các xã trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ khoáng sản đến tổ chức, cá nhân; đặc biệt là bà con sinh sống tại khu vực có các loại khoáng sản như: vàng, đồng, kẽm… Cùng với đó, chủ động phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Điện Biên triển khai thực hiện các quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản tại các khu vực giáp ranh đã ký kết./.

Bình Minh
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
  •  
Các tin khác

Trong nỗ lực bảo tồn loài hoang dã, ngày 7/3, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã bất ngờ ghi nhận sự xuất hiện của 4 cá thể Sếu đầu đỏ quay trở về kiếm ăn tại đây.

Tài nguyên khoáng sản (TNKS) là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn), là một trong những khu vực có độ đa dạng sinh học cao và chứa đựng nhiều loài thực vật quý, hiếm và nguy cấp.

EDP gia nhập thị trường năng lượng Việt Nam từ 2019, đầu tư 500 triệu USD vào các dự án điện gió và mặt trời ở miền Nam, đạt tổng công suất 500 MW. Đây là đóng góp quan trọng của EDP vào sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam.