Kinh tế biển xanh: Chiến lược quan trọng trong phát triển của Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ bảy, 6/11/2021 | 9:41:19 Sáng

Dư địa phát triển cho từng lĩnh vực kinh tế biển còn khá rộng mở, song cũng chứa nhiều nguy cơ ô nhiễm. Do đó, Việt Nam cần đổi mới công tác quản lý, hướng tới kinh tế biển xanh bền vững.


tm-img-alt
Quần đảo Cát bà góc nhìn từ trên cao. (Ảnh: TTXVN)

Khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế về biển, song nhiều chuyên gia cũng lưu ý rằng nước ta đang trong giai đoạn phát triển, do đó cần phải "đi bằng 2 chân” - tức là vừa chú trọng vào các hoạt động kinh tế song cũng cần hết sức lưu ý đến vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế biển xanh một cách bền vững.

Kinh tế biển rộng mở

Chia sẻ tại Hội thảo "lấy ý kiến Báo cáo đánh giá tiềm năng kinh tế biển xanh” do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức chiều 5/11, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam nhấn mạnh kinh tế biển là mối tổng hòa của các ngành kinh tế.

Trên một môi trường biển, các ngành có sự gắn kết chặt chẽ, ít ranh giới. Do đó, sự phát triển của một ngành kinh tế có thể sẽ tác động tích cực hoặc tiêu cực đến các ngành kinh tế khác.

 

Vì vậy, bên cạnh việc đánh giá từng ngành, Báo cáo đánh giá tiềm năng kinh tế biển xanh đang xây dựng hướng đến việc đánh giá tương tác giữa các ngành để có cái nhìn tổng hợp, qua đó đưa ra những phân tích, đánh giá tổng hợp, đưa ra các đề xuất và kiến nghị.

Ông Bùi Tất Thắng, Viện Nghiên cứu phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định phát triển kinh tế biển là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam.

Tính đến nay, báo cáo là một trong những nghiên cứu đầu tiên về phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam với cách tiếp cận mới. Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng báo cáo đã bước đầu giúp hình dung được quy mô và vai trò của từng ngành trong định hướng phát triển kinh tế biển xanh.

 

Thực tế cho thấy dư địa phát triển cho từng lĩnh vực kinh tế biển của Việt Nam còn khá rộng mở, chưa dẫn đến xung đột lớn giữa các ngành, phát triển chưa đến mức xung đột lợi ích lớn để giải quyết. Do đó, trong 10-15 năm tới, các kịch bản tăng trưởng kinh tế đều theo hướng nhanh hơn nhờ các yếu tố khoa học công nghệ, nâng cao năng suất kết hợp bảo tồn hệ sinh thái và duy trì đa dạng sinh học.

Trong khi đó, phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường cho rằng môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển là nền tảng, cơ sở tiền đề cho các hoạt động kinh tế.

"Mặc dù các hoạt động kinh tế trên biển rất đa dạng, bao gồm khai thác dầu khí, du lịch, nuôi trồng thủy hải sản, giao thông vận tải, năng lượng... Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế này đều chứa các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển,” ông Chinh nhấn mạnh.

 

Sớm hoàn thiện quy hoạch không gian biển

Từ thực tế trên, ông Chinh cho rằng Việt Nam cần sớm hoàn thiện quy hoạch không gian biển và phân định rõ các khu chức năng, nhất là các khu bảo tồn biển; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; lượng hóa được các giá trị kinh tế biển (vốn tự nhiên biển) để làm căn cứ cho việc thực hiện kinh tế biển xanh.

Bên cạnh đó, ông Chinh cũng đề xuất đổi mới công tác quản lý tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển phù hợp với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tăng cường khoa học và công nghệ trong điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển.

Ông Bùi Tất Thắng cho rằng về trung hạn và dài hạn, Việt Nam cần xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo quản lý tốt tài nguyên biển đồng thời khuyến khích các hoạt động kinh tế biển dựa trên công nghệ thân thiện với môi trường; mở rộng thêm các ngành như dược phẩm biển, năng lượng biển; mở rộng hợp tác kinh tế trên biển.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tổ chức tốt việc lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng ven biển; xác định một số dự án đầu tư trọng điểm, ưu tiên đầu tư từ các nguồn đầu tư công, khuyến khích tư nhân đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ xanh, năng lượng sạch…

Góp thêm ý kiến, ông Lưu Anh Đức, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết để hướng tới kinh tế biển xanh, báo cáo đặt mục tiêu sẽ chỉ ra các tiềm năng của nền kinh tế biển Việt Nam hướng đến phát triển bền vững.

Theo đó, một số kịch bản trong tương lai đến năm 2030 đã được phát triển cho từng lĩnh vực này dựa trên các biện pháp can thiệp và cải cách dựa trên từng lĩnh vực. Các kịch bản bao gồm kịch bản kinh doanh như bình thường và kịch bản phát triển bền vững hay còn gọi là "xanh lam” phù hợp chặt chẽ với khái niệm nền kinh tế xanh.

Đến nay, một kịch bản xanh được xây dựng cho các hệ sinh thái đã chứng minh rằng giá trị hệ sinh thái, và đôi khi là diện tích của các sinh cảnh chính (rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô và đầm phá) có thể được tăng lên. Vì vậy, mở rộng kinh tế biển cần phải đi kèm với việc chú trọng duy trì hoặc nâng cao chất lượng môi trường.

Theo kế hoạch, đánh giá tiềm năng kinh tế biển xanh sẽ được công bố tại Hội nghị quốc tế về "Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu 2021” với sự tham dự của các nhà quản lý và giới chuyên gia đến từ 60 quốc gia trên trế giới, dự kiến sẽ được tổ chức trong hai ngày 13-14/12 tới tại Hà Nội./.

Nguồn Vietnam+

  •  
Các tin khác

Trong nỗ lực bảo tồn loài hoang dã, ngày 7/3, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã bất ngờ ghi nhận sự xuất hiện của 4 cá thể Sếu đầu đỏ quay trở về kiếm ăn tại đây.

Tài nguyên khoáng sản (TNKS) là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn), là một trong những khu vực có độ đa dạng sinh học cao và chứa đựng nhiều loài thực vật quý, hiếm và nguy cấp.

EDP gia nhập thị trường năng lượng Việt Nam từ 2019, đầu tư 500 triệu USD vào các dự án điện gió và mặt trời ở miền Nam, đạt tổng công suất 500 MW. Đây là đóng góp quan trọng của EDP vào sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam.