Cần ứng xử với ĐBSCL như một thực thể sống

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/1/2022 | 4:24:03 Chiều

TS Laurent Umans-Bí Thư thứ Nhất của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam khuyến nghị cần ứng xử với ĐBSCL như một thực thể sống để có các giải pháp phát triển bền vững khu vực này.

Tọa đàm "Giải pháp cho sụt lún và xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Từ nghiên cứu tới chính sách” do Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) phối hợp cùng Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam thực hiện đã có nhiều nội dung trao đổi liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

TS Laurent Umans nhìn nhận khu vực ĐBSCL từ góc nhìn của người dân địa phương, từ đó đưa ra 2 cách ứng xử. Thứ nhất, coi ĐBSCL là khu vực sản xuất tạo ra các nguồn lợi tài nguyên có thể khai thác được như khai thác nước ngầm, cát, tài nguyên khác; thứ hai, coi ĐBSCL như một thực thể sống, là khu vực mang lại nguồn sống, sức khỏe, các loại cây trái, sản vật của địa phương.

Với cách nhìn này, ĐBSCL được quan tâm, chăm sóc không chỉ dựa trên mối quan hệ chỉ khai thác nguồn lợi mà được coi là một thực thể sống và có giải pháp để duy trì sự phát triển bền vững.

TS Laurent Umans cho biết, kinh nghiệm ở Hà Lan cho thấy, đã có nhiều giải pháp để ứng phó với BĐKH, như trước đây Hà Lan thường xây dựng đê biển. Tuy nhiên, qua nhiều thời gian cũng cho thấy, đó không phải là giải pháp lúc nào cũng phù hợp và về lâu dài cũng không phải là giải pháp mang tính bền vững.

 
Cần ứng xử với ĐBSCL như một thực thể sống
Cần sự chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển hệ thống rừng ngập mặn.

Nhưng Việt Nam khác Hà Lan, Việt Nam có hệ thống rừng ngập mặn rất phong phú dọc ven biển chính là thuận lợi rất lớn để thích ứng với BĐKH. Rừng ngập mặn đóng vai trò rất quan trọng trong bảo vệ và giữ bùn đáy ven biển. Nếu rừng ngập mặn được duy trì bền vững, duy trì đủ thì có thể giữ lượng bùn đáy ở ven biển. Khi mực nước biển dâng cao, lượng bùn đáy cũng dâng lên giúp tránh những hiện tượng sụt lún hoặc nước biển xâm lấn vào trong đất liền.

Chính ví thế, việc xây dựng, bảo vệ và phát triển hệ thống rừng ngập mặn dọc theo vùng duyên hải của Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính chiến lược, dài hạn giúp Việt Nam ứng phó với mực nước biển dâng.

Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp duy nhất, Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, vẫn cần xây đê biển để bảo vệ những vùng duyên hải, có biện pháp tích trữ và giữ nước trên đất liền, xây dựng nhiều hơn những công trình hạ tầng xanh...

 

TS Laurent Umans đánh giá cao những nỗ lực và bước đi của Việt Nam để thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH khu vực ĐBSCL, đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP trong đó khẳng định việc sống, phát triển thuận thiên thay vì ứng phó với thiên nhiên như trước đây, là một cách tiếp cận phù hợp, hoàn toàn chính xác.

Tuy nhiên, để sống thuận thiên như thế nào cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Chính phủ Việt Nam đang dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển khu vực ĐBSCL, hi vọng sau khi quy hoạch phê duyệt sẽ có những chương trình, dự án cụ thể triển khai. Cộng đồng quốc tế đã cam kết có những hỗ trợ cho Việt Nam cả về tài chính, kỹ thuật và tri thức để triển khai quy hoạch này.

Đặc biệt, sau khi kết thúc Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), các quốc gia trên thế giới cũng cam kết có nguồn tài trợ nhiều hơn cho ứng phó với BĐKH. Tôi hi vọng phía Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này để tìm kiếm những nguồn hỗ trợ quốc tế cho thực thi các hoạt động ứng phó với BĐKH nói chung và triển khai quy hoạch tổng thể phát triển khu vực ĐBSCL nói riêng.

 

Tại Việt Nam thời gian qua có một số địa phương triển khai các biện pháp mang tính tạm thời nhưng lại gây ra những tác hại lớn với môi trường như giải pháp đóng cửa sông, kênh đào để tìm cách tích trữ nước. Việc này có thể tạo ra ô nhiễm nước do nước không được luân chuyển, làm cho chất lượng nước suy giảm dẫn tới không thể sử dụng để sinh hoạt. Ngoài ra, những con kênh, sông khi bị đóng cửa sẽ làm ngăn cản dòng chảy khiến các loài thủy sản không thể di cư và di chuyển.

TS Laurent Umans khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần phải tìm ra được những chiến lược dài hạn hơn giúp thích ứng với xâm nhập mặn, tác động của BĐKH, chứ không phải là những giải pháp mang tính tạm thời.


Nguồn: tapchixaydung.vn

  •  
Các tin khác

UBND tỉnh Nghệ An vừa công bố Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường cho Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đến năm 2027, với tầm nhìn và mục tiêu định hướng đến năm 2030.

Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên tại Việt Nam được Chính phủ đồng ý thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để hiện thực hóa tham vọng thu về triệu đô từ việc trồng và bảo vệ rừng bền vững.

Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành thả 5 triệu con giống xuống vịnh Bắc Bộ.

Trong nỗ lực bảo tồn loài hoang dã, ngày 7/3, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã bất ngờ ghi nhận sự xuất hiện của 4 cá thể Sếu đầu đỏ quay trở về kiếm ăn tại đây.