Đẩy mạnh công tác bảo vệ nước ngầm

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/5/2022 | 3:13:35 Chiều

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác bảo vệ nước ngầm.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sụt lún đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất hiện nay là bởi hầu hết các hoạt động khoan, đào, thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xây dựng công trình ngầm chưa được các cấp quan tâm, quản lý đúng mức.

Đáng chú ý, trong quá trình thi công đã xảy ra tình trạng sụt, lún đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất ở một số nơi mà chưa được xử lý, khắc phục kịp thời, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Để tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, đôn đốc các chủ giếng thực hiện xử lý, trám lấp các loại giếng khoan không sử dụng trên địa bàn theo quy định của Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT.

Trong đó, các tỉnh tập trung rà soát các giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, đánh giá nước dưới đất, dự án nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò địa chất và khoáng sản, khảo sát địa chất công trình đã thực hiện xong trên địa bàn tỉnh mà không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác hoặc bị hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng, đồng thời yêu cầu các chủ giếng (chủ dự án) thực hiện việc xử lý, trám lấp theo quy định.

 

Đồng thời, các tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát (đến cấp xã, phường, thị trấn) các hoạt động khoan, đào, nhất là đối với hoạt động khoan, đào, thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công trình ngầm, tháo khô mỏ theo quy định nhằm sớm phát hiện, xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố sụt, lún đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để bảo vệ nước dưới đất, Luật Tài nguyên nước (Điều 35) quy định tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác nước dưới đất; hành nghề khoan nước dưới đất; khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất, trám lấp giếng sau khi đã sử dụng xong hoặc bị hỏng.

Đồng thời, quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, xây dựng công trình ngầm phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất và ở những vùng nước dưới đất bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng, cơ quan quản lý tài nguyên nước khoanh định các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bảo vệ nước dưới đất. 

Ngọc Anh (T/h)


Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

 
  •  
Các tin khác

UBND tỉnh Nghệ An vừa công bố Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường cho Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đến năm 2027, với tầm nhìn và mục tiêu định hướng đến năm 2030.

Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên tại Việt Nam được Chính phủ đồng ý thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để hiện thực hóa tham vọng thu về triệu đô từ việc trồng và bảo vệ rừng bền vững.

Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành thả 5 triệu con giống xuống vịnh Bắc Bộ.

Trong nỗ lực bảo tồn loài hoang dã, ngày 7/3, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã bất ngờ ghi nhận sự xuất hiện của 4 cá thể Sếu đầu đỏ quay trở về kiếm ăn tại đây.