Sự lãng phí từ các công trình nước sinh hoạt nông thôn

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/6/2022 | 9:27:25 Sáng

Có một thực tế đáng buồn đó là, hiện nay rất nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tới 98%, trong đó 50% hộ dân được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn của Bộ Y tế… Để hướng đến mục tiêu này, trong những năm qua, Lào Cai đã đầu tư được nhiều công trình cấp nước sinh hoạt bằng nhiều nguồn vốn như: Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Chương trình 134, 135, 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới…
Công trình cấp nước thôn Đất Đèn chưa một ngày hoạt động
Công trình cấp nước thôn Đất Đèn chưa một ngày hoạt động

Có một thực tế đáng buồn đó là, hiện nay rất nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó, người dân thì vẫn phải sử dụng các nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, còn các công trình được đầu tư tiền tỷ vẫn nằm phơi sương, phơi nắng gây lãng phí không nhỏ tiền của Nhà nước và Nhân dân.

Thôn Suối Thầu, xã Mường Bo, thị xã Sa Pa được đầu tư xây dựng 2 công trình nước sạch với mục tiêu cung cấp nước hợp vệ sinh cho 137 hộ dân. Tuy nhiên, theo người dân ở đây cho biết, cả 2 công trình này đều bị hư hỏng chỉ sau một thời gian ngắn đi vào vận hành. Công trình thì bỏ hoang, còn người dân thì phải tự mua ống dẫn nước từ khe núi về.

"Khi công trình nước được xây dựng bà con trong thôn ai cũng vui mừng vì không còn phải dùng nước mạch, nước khe nữa. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà công trình chỉ hoạt động thời gian ngắn rồi hỏng hết. Lúc đầu cũng có người về sửa được một hai lần, rồi không thấy ai về nữa. Bà con lại phải dùng nước ở trong khe như trước đây những không biết có bảo đảm vệ sinh không”, ông Phàn Què Chòi, người dân thôn Suối Thầu cho biết.

 

Cả xã Mường Bo có 8 công trình nước sạch, thì có đến 4 công trình không hoạt động. Chẳng còn cách nào khác, những người dân ở đây đành góp tiền, chung nhau kéo đường nước cách nhà 4-5 cây số về để dùng.

"Hầu hết các hộ dân bây giờ dùng nước tự kéo ở khe, suối về. Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị lên các cấp để tu sửa những chưa được. Một vấn đề nữa là, người dân không muốn sử dụng do có có tổ vận hành, thì phải nộp tiền nước theo quy định của Nhà nước”, ông Tẩn Y Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bo cho biết thêm.

Để có nước sinh hoạt người dân thôn Suối Thầu phải mua ống kéo nước từ các khe về dùng
Để có nước sinh hoạt người dân thôn Suối Thầu phải mua ống kéo nước từ các khe về dùng

Công trình cấp nước sinh hoạt tại thôn Đất Đèn, xã Cam Đường, TP. Lào Cai được đầu tư xây dựng từ năm 2014, với kinh phí trên 2,8 tỉ đồng, công suất 72m3/ngày đêm. Công trình do UBND xã Cam Đường làm chủ đầu tư và Công ty TNHH một thành viên Tư vấn và Xây dựng An Phát thi công.

 

Theo kế hoạch, công trình sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho hơn 150 hộ dân sinh sống quanh khu vực. Tuy vậy, thông tin từ người dân nơi đây cho biết họ chưa từng được sử dụng nguồn nước sạch này một ngày nào. Nguyên nhân là việc khảo sát, lấy nguồn nước đầu vào không đảm bảo, dẫn tới việc không đủ nước cung cấp cho sinh hoạt của bà con. Để có nước sinh hoạt, bà con phải đào giếng để lấy nước, những nguồn nước giếng ở đây cũng không bảo đảm, thường xuyên nổi váng.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Lào Cai hiện có hơn 1 nghìn công trình cấp nước sinh hoạt. Trong đó, có 164 công trình bỏ hoang và 243 công trình hoạt động kém hiệu quả; 90 công trình không hoạt động do đã đưa vào sử dụng trên 15 năm đủ điều kiện thanh lý, hư hỏng nặng không còn khả năng khắc phục hoặc do mất nguồn nước.

Trong khi nhiều người dân vùng cao thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, thì những câu chuyện buồn về công trình nước bỏ hoang vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Gây lãng phí không nhỏ tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân.

 

Dư luận đang đặt ra câu hỏi là đơn vị, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này?


Nguồn baodantoc.vn

  •  
Các tin khác

UBND tỉnh Nghệ An vừa công bố Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường cho Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đến năm 2027, với tầm nhìn và mục tiêu định hướng đến năm 2030.

Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên tại Việt Nam được Chính phủ đồng ý thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để hiện thực hóa tham vọng thu về triệu đô từ việc trồng và bảo vệ rừng bền vững.

Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành thả 5 triệu con giống xuống vịnh Bắc Bộ.

Trong nỗ lực bảo tồn loài hoang dã, ngày 7/3, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã bất ngờ ghi nhận sự xuất hiện của 4 cá thể Sếu đầu đỏ quay trở về kiếm ăn tại đây.