Châu Âu đứng trước nguy cơ khủng hoảng khí đốt toàn diện

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/7/2022 | 2:55:02 Chiều

Theo CNN, châu Âu đang đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng khí đốt toàn diện ngay trong tuần này, khi đợt nắng nóng kỷ lục đẩy cao nhu cầu khí đốt để chạy máy lạnh tại nhà dân và cơ sở kinh doanh trong khắp khu vực.


tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Ngày 11/7, đường ống Nord Stream 1 dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức đã tạm ngừng hoạt động để bảo trì định kỳ trong 10 ngày. Câu hỏi lớn nhất đặt ra với châu Âu lúc này là liệu đường ống có vận hành trở lại đúng thời hạn, hay Nga sẽ nhân cơ hội này cắt luôn khí đốt?

Theo kế hoạch, đường ống Nord Stream 1 - huyết mạch quan trọng đưa khí đốt từ Nga đến châu Âu - sẽ được mở lại vào ngày 21/7 sau khoảng thời gian bảo trì kéo dài 10 ngày. Tuy nhiên, nguy cơ Nga kéo dài thời gian bảo trì hoặc dừng hoạt động của đường ống dẫn khí đang tăng lên. Moscow có thể đáp trả các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) kể từ cuối tháng 2.

Nord Stream 1 cung cấp 55 tỷ m3 khí đốt/năm cho châu Âu, chiếm khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. Giới quan sát không loại trừ khả năng Moscow cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới châu Âu.

Trên thực tế, Nga đã giảm xuất khẩu khí đốt sang một số nước châu Âu. Tháng trước, Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực - đã công bố một cuộc "khủng hoảng khí đốt” sau khi tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom cắt giảm 60% lượng khí đốt xuất khẩu qua ống dẫn. Lý do được Gazprom đưa ra là phương Tây chậm trả các tuabin họ gửi đi vì lệnh trừng phạt.

 

Theo CNN, cuộc khủng hoảng khí đốt có thể xảy ra vào thời điểm tồi tệ nhất của châu Âu khi nắng nóng kỷ lục đang bao trùm châu lục. Nhiều khu vực tại Pháp và Tây Ban Nha đối mặt với các vụ cháy rừng khi nhiệt độ dự kiến tăng vượt 40 độ C.

Nhiệt độ tăng cao kéo theo nhu cầu sử dụng điện để chạy điều hoà không khí. Tuần trước, Enagas - nhà vận hành hệ thống khí đốt của Tây Ban Nha - nói rằng, nhu cầu sử dụng khí đốt để phát điện ở nước này đã lập kỷ lục mới ở mức 800 Gigawatt giờ.

Một số nhà phân tích lạc quan hơn nhờ các nguồn năng lượng thay thế của châu Âu. Ngoài ra, đợt nắng nóng có thể kết thúc vào giữa tuần. "Mức tiêu thụ điện ở châu Âu sẽ tăng nhẹ trong tuần này. Người tiêu dùng sử dụng nhiều điều hòa không khí hơn trong đợt nắng nóng. Tuy nhiên, nhu cầu này sẽ được bù đắp bởi nguồn cung điện mặt trời kỷ lục", ông Henning Gloystein - Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group nhận xét.

 

Trong khi đó, các nước châu Âu vẫn đang chạy đua để làm đầy dự trữ khí đốt nhằm tránh tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng trong mùa đông.

Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, những tháng tới sẽ là "giai đoạn rất quan trọng" để gia tăng nguồn cung của khối. "Nếu Nga quyết định cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tự nhiên trước khi châu Âu có thể nâng mức dự trữ lên 90%, tình hình sẽ còn nghiêm trọng và thách thức hơn nữa", ông Fatih Birol cho biết.

Theo Cơ quan Hạ tầng Khí đốt Châu Âu, mức dự trữ khí đốt của EU hiện đạt khoảng 64%. Khu vực này đang vội vã tìm kiếm nguồn cung khí đốt từ các quốc gia khác trong bối cảnh bắt buộc phải giảm nhập khẩu từ Nga.

 

Cuộc tìm kiếm nguồn cung thay thế khí đốt Nga của các nước châu Âu đang diễn ra, nhưng đương đầu với sức ép lớn. Đức và các nước vùng Baltic đã đặt hy vọng vào khí hoá lỏng nhập khẩu từ Trung Đông hoặc Mỹ, có thể tích trữ một phần số khí hoá lỏng này trong các kho chứa nổi trên biển thậm chí còn chưa được xây dựng. Italy đang mua khí đốt từ Algeria và Azerbaijan. Nguồn khí đốt bổ sung từ Na Uy, Anh, Algeria và Hà Lan đang được gom mua, nhưng giá cả ngày càng đắt đỏ hơn.

EC ước tính rằng tất cả những nguồn cung này sẽ không đủ để thay thế ngay khí đốt từ Nga. Vì vậy, EC hối thúc việc tiết kiệm năng lượng và tiêu thụ ít khí đốt hơn tại một số nơi công cộng nhất định. Ông Habeck gần đây có ý nói rằng trong những tình huống khẩn cấp cực đoan, sẽ không phải là khôn ngoan nếu ưu tiên cung cấp khí đốt cho hộ gia đình thay vì doanh nghiệp./.

Khánh Dung


Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Trong nỗ lực bảo tồn loài hoang dã, ngày 7/3, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã bất ngờ ghi nhận sự xuất hiện của 4 cá thể Sếu đầu đỏ quay trở về kiếm ăn tại đây.

Tài nguyên khoáng sản (TNKS) là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn), là một trong những khu vực có độ đa dạng sinh học cao và chứa đựng nhiều loài thực vật quý, hiếm và nguy cấp.

EDP gia nhập thị trường năng lượng Việt Nam từ 2019, đầu tư 500 triệu USD vào các dự án điện gió và mặt trời ở miền Nam, đạt tổng công suất 500 MW. Đây là đóng góp quan trọng của EDP vào sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam.