Hội thảo “Một số vấn đề về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)”

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/4/2023 | 4:38:45 Chiều

Sáng 27.4, tại Vĩnh Phúc, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)”.

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin tham khảo khách quan, đa chiều phục vụ các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Bà Trịnh Giáng Hương, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội và ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trịnh Giáng Hương, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội cho biết, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Bởi vậy, việc tổ chức hội thảo để tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội về tài nguyên nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là Dự thảo lần thứ 5, qua đó cho thấy, Chính phủ, đặc biệt là cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất cầu thị, lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý.

Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, các cơ quan hữu quan tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo để thu thập thêm các ý kiến đa chiều. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng Hội thảo lần này với sự hỗ trợ kỹ thuật tích cực của Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam chắc chắn mang lại kết quả tích cực, cung cấp thêm nhiều thông tin phục vụ hoạt động thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng như cung cấp thông tin, tài liệu tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp tới.

 
z4298798816273_b7bd6f26b70d83b99258d5e1b9972392.jpg
Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 9 chuyên gia trình các bài tham luận về một số vấn đề về việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước trong bối cảnh hiện nay; Khuôn khổ pháp luật về tài nguyên nước ở Việt Nam hiện nay; Một số mô hình cải tiến phục vụ đánh giá, lượng giá kinh tế và quản lý an ninh nguồn nước; Thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước và một số kiến nghị; Các thách thức và giải pháp phòng chống và khắc phục tác hại do nước gây ra, hướng tới mục tiêu quản lý tài nguyên nước bền vững ở Việt Nam; Giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước và một số nhận xét, kiến nghị với dự thảo sửa đổi Luật Tài nguyên nước; Quản lý tài nguyên nước trong nền kinh tế tuần hoàn; Một số vấn đề về an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và Mô hình quản trị nước thông minh một số quốc gia trên thế giới.

Đan xen quá trình trình bày tham luận, các đại biểu tham gia thảo luận về 9 vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; Rà soát chỉnh sửa một số từ ngữ, khái niệm; Áp dụng Luật tài nguyên nước và các luật có liên quan; Về vai trò cộng đồng dân cư; Về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; Về quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; Về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho Tài nguyên nước; Về các quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, thanh tra, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước và nội dung về sử dụng nước tuần hoàn.

Góp ý tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, quá trình đô thị nhanh chóng là nguyên nhân gây gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Nước thải công nghiệp và đô thị là nguồn gây ô nhiễm nguồn nước lớn nhất. Tuy nhiên, các hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ xử lý được khoảng 71% lượng nước thải công nghiệp và chỉ khoảng 12,5% nước thải đô thị. Vì vậy, các đại biểu kiến nghị, cần xây dựng một chiến lược tổng hợp thực hiện quản lý hệ thống nước bền vững với đa mục tiêu: bảo đảm cấp nước bền vững, bảo vệ môi trường và vòng tuần hoàn nước tự nhiên, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Bên cạnh đó, tại nhiều khu vực của Việt Nam Việt Nam nguồn nước ngọt có giới hạn nên việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý là hợp lý và nên được xem xét áp dụng để đảm bảo cấp nước bền vững và bảo vệ hệ sinh thái nước. Cụ thể, việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Việc bảo đảm an ninh nguồn nước, tuần hoàn tái sử dụng nước thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn, quản lý và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là một nội dung quan trọng cần được xác định trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đồng thời, cần có cơ chế, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các giải pháp tuần hoàn nước, công nghệ tái chế nước thải cho các mục đích sử dụng khác nhau.


Minh Anh



Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

UBND tỉnh Nghệ An vừa công bố Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường cho Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đến năm 2027, với tầm nhìn và mục tiêu định hướng đến năm 2030.

Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên tại Việt Nam được Chính phủ đồng ý thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để hiện thực hóa tham vọng thu về triệu đô từ việc trồng và bảo vệ rừng bền vững.

Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành thả 5 triệu con giống xuống vịnh Bắc Bộ.

Trong nỗ lực bảo tồn loài hoang dã, ngày 7/3, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã bất ngờ ghi nhận sự xuất hiện của 4 cá thể Sếu đầu đỏ quay trở về kiếm ăn tại đây.