Bộ TN-MT nói về quản lý, bảo tồn các khu dự trữ sinh quyển

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/7/2020 | 3:30:39 Chiều

Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng nay (20/7), Bộ Tài nguyên Môi trường (TN-MT) cho biết, hiện chưa có sự thống nhất về tổ chức, chính sách quản lý các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam.

Theo Bộ TN-MT, Việt Nam hiện có 9 khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) được Chương trình con người và sinh quyển thế giới (MAB - UNESCO) công nhận, thuộc cả vùng đồng bằng, miền núi, ven biển và hải đảo.

9 Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam gồm: Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ; quần đảo Cát Bà; DTSQ châu thổ sông Hồng; DTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang; khu DTSQ miền Tây Nghệ An; DTSQ Mũi Cà Mau; DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An; khu DTSQ Đồng Nai; khu DTSQ Lang Biang.

Tổng diện tích của 9 khu DTSQ của Việt Nam là hơn 4 triệu ha, chiếm 12,1% diện tích tự nhiên của cả nước. Đây cũng là nơi sinh sống của khoảng 1,78 triệu người. Diện tích vùng lõi chiếm 11% tổng diện tích của các khu DTSQ (khoảng 450.000 ha), là nơi tập trung đa dạng sinh học cao, gồm nhiều dịch vụ hệ sinh thái.

Theo Bộ TN-MT, khu DTSQ của Việt Nam chịu sự quản lý của rất nhiều cơ quan khác nhau. Vùng lõi (Vườn quốc gia, Khu bảo tồn) được quản lý trực tiếp theo ngạch dọc của các Bộ chuyên ngành.

Ngoài ra, các khu DTSQ thành lập các BQL và các bộ phận hỗ trợ, đối với khu DTSQ nằm trong ranh giới 1 tỉnh sẽ do tỉnh phê duyệt quyết định thành lập Ban quản lý (BQL); nếu liên tỉnh sẽ do Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam thành lập. BQL thực hiện nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh/thành phố quản lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam và theo hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chuyên sâu.

Bộ TN-MT cho biết về cơ cấu tổ chức, các BQL khu DTSQ hiện chưa có mô hình tổ chức thống nhất. Mỗi địa phương hình thành bộ máy tổ chức quản lý khu DTSQ tùy thuộc tiếp cận của mình. Về mặt chính sách, theo Bộ TN-MT, hiện nay vẫn chưa đề cập "khu DTSQ" trong những chính sách quan trọng như là một thể thống chất và vì thế chưa được quản lý một cách chính thống, chỉ được đề cập như là một hợp phần của khu DTSQ vùng lõi.

Hiện tại, khái niệm khu DTSQ còn chưa có trong hệ thống quy phạm pháp luật quản lý của quốc gia hiện hành; chưa có chính sách quản lý thống nhất đối với khu DTSQ từ cấp trung ương đến địa phương. Thậm chí, các hướng dẫn về các quy định chung đối với quản lý khu DTSQ vẫn còn đang rất thiếu.

Hiện Bộ đang xây dựng và hoàn thiện Luật BVMT trong đó chú trọng nội dung về công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các khu DTSQ. Theo đó, những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, tác động đến cảnh quan và môi trường của khu DTSQ sẽ được thẩm định, đánh giá chặt chẽ hơn, sẽ có chương trình đánh giá tác động đến cảnh quan và hệ sinh thái.

P.V (tổng hợp)

 

  •  
Các tin khác

UBND tỉnh Nghệ An vừa công bố Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường cho Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đến năm 2027, với tầm nhìn và mục tiêu định hướng đến năm 2030.

Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên tại Việt Nam được Chính phủ đồng ý thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để hiện thực hóa tham vọng thu về triệu đô từ việc trồng và bảo vệ rừng bền vững.

Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành thả 5 triệu con giống xuống vịnh Bắc Bộ.

Trong nỗ lực bảo tồn loài hoang dã, ngày 7/3, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã bất ngờ ghi nhận sự xuất hiện của 4 cá thể Sếu đầu đỏ quay trở về kiếm ăn tại đây.