Biển lấn làng, hàng ngàn hộ dân sống trong bất an

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/12/2020 | 3:50:22 Chiều

Tình trạng biển xâm thực đất liền tại Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Mỗi năm, đến mùa mưa bão, hàng ngàn hộ dân lại sống trong nỗi lo mất làng.

Rừng phòng hộ bị tàn phá, bờ biển sạt lở uy hiếp đường đê làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân, đó là tình trạng đang xảy ra tại các xã ven biển ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Đặc biệt, trong năm nay, tình trạng biển xâm thực đất liền tại huyện này diễn ra nghiêm trọng hơn, nhất là sau cơn bão số 13.
Ghi nhận tại xã Xuân Thành, Xuân Trường, Xuân Hội…, hàng ngàn mét bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều dãy phi lao bảo vệ làng nay bị tàn phá, sóng cuốn mất để lại bãi đất cát trơ trọi. Mỗi năm, sau khi bão đi qua khoảng cách giữa mặt nước biển và làng lại thu hẹp thêm vài mét. "Vết thương” này càng khoét sâu, tăng thêm nỗi lo cho người dân.

Dọc bờ biển Nghi Xuân sạt lở nghiêm trọng.
Chỉ tay ra biển, bà Phan Thị Thảo (66 tuổi, thôn Ninh Châu, xã Xuân Hội) bồi hồi nói, khoảng 30 năm trước, khu vực này là cánh đồng. Mỗi khi đi đánh cá thì dân phải đi bộ chừng hơn 1 tiếng mới tới biển. Nhưng thời gian qua, sau mỗi trận bão, biển lại lấn vào làng thêm một đoạn. Nhất là năm nay, lấn sâu vào ít nhất khoảng 3m, giờ bước ra ngoài đã thấy biển.
"Trước ra biển xa lắm mà giờ đây biển chỉ cách nhà chưa đến trăm mét, bước ra là đã thấy biển. Thời gian qua, biển lấn vào đất liền nhanh đến không thể tưởng tượng, không biết đến đời con cháu mình còn giữ lại được ngôi nhà, mảnh đất này nữa hay là không”, bà Thảo nói.

Tình trạng sạt lở bờ biển khiến người dân sống trong cảnh bất an.
Vốn là người đã gắn bó với mảnh đất Xuân Hội này hơn 60 năm cuộc đời nên bà Thảo cũng chẳng lạ gì chuyện bão về làng chài. Mỗi lần hay tin bão, dân làng lại cập rập thu dọn đồ đạc, bỏ lại nhà cửa để đi vùng khác tránh bão. Có những năm bão tàn phá khủng khiếp, sóng ập vào nhà gây hư hỏng nhà cửa, tài sản.
"Có những trận bão sóng đánh vào nhà dân. Vì thế nên mỗi mùa lũ đến dân lại chung nỗi lo, giờ dân nơi đây chỉ mong xây bờ kè biển để có thể an tâm sinh sống, bám biển mưu sinh”, bà Thảo nói. 
Dọc bờ biển tại tại thôn Ninh Châu, xã Xuân Hội, hàng trăm mét bờ biển bị sạt lở. Nước biển lấn sát, chỉ còn cách đường đê chừng khoảng 25m, một số góc cây bị sóng đánh để lộ phần rễ, cây cối ngã đổ.

Trong năm nay, tình trạng bờ biển sạt lở nghiêm trọng hơn.
Anh Võ Văn Sơn (SN 1978, trú thôn Trường Vịnh, xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân) cho hay, mỗi mùa mưa lũ đến dân lại chuẩn bị tâm thế để di dời đồ đạc, người đến vị trí an toàn do sợ sóng biển ập vào nhà. Bởi hiện tại tình trạng sạt biển đang lấn sát vào khu vực dân sinh sống.
"Chúng tôi lo mỗi mùa mưa lũ đến lại sạt lở thêm. Một năm không biết có bao nhiêu lần phải bỏ lại nhà cửa để đi tránh trú bão, giờ muốn đi cũng không được, ở lại thì lo sợ. Dân thì vẫn mong sẽ được cấp đất nơi khác để dân di dời vì ở đây về mặt lâu dài cũng lo”, anh Sơn nói.
Theo tìm hiểu, huyện Nghi Xuân có gần 4km bờ biển bị xâm thực, mỗi năm biển lấn vào đất liên từ 2 đến 3m.  

Nhiều góc cây bị sóng đánh trôi ra bờ biển.
Ông Trịnh Quang Luật – Chủ tịch UBND xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân cho biết, tại địa bàn có 7 thôn gồm 1.200 hộ dân nằm dọc bờ biển bị ảnh hưởng do tình trạng sạt lở bờ biển. Mỗi mùa bão đến, chính quyền địa phương phải hướng dẫn di dời những hộ ở gần bờ biển đến vị trí khác để lánh nạn.
"Tình trạng sạt lở bờ biển xảy ra từ nhiều năm nay, hiện tại tuy chưa bị ảnh hưởng nặng nhưng về mặt lâu dài thì phải tính phương án để đảm bảo an toàn cho người dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng”, ông Luật cho hay.
Nguồn: Hoài Nam/TPO

  •  
Các tin khác

UBND tỉnh Nghệ An vừa công bố Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường cho Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đến năm 2027, với tầm nhìn và mục tiêu định hướng đến năm 2030.

Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên tại Việt Nam được Chính phủ đồng ý thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để hiện thực hóa tham vọng thu về triệu đô từ việc trồng và bảo vệ rừng bền vững.

Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành thả 5 triệu con giống xuống vịnh Bắc Bộ.

Trong nỗ lực bảo tồn loài hoang dã, ngày 7/3, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã bất ngờ ghi nhận sự xuất hiện của 4 cá thể Sếu đầu đỏ quay trở về kiếm ăn tại đây.