Hướng dẫn hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/9/2021 | 10:14:31 Sáng

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa ký công văn gửi các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021.

Huong_dan_huong_ung_Chien_dich_Lam_cho_the_gioi_sach_hon_nam_2021_1
Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cả nước đang tập trung tối đa các nguồn lực vào công tác phòng, chống để đẩy lùi dịch bệnh. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021 phải đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, tập trung tuyên truyền, truyền thông trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng được thiết thực, hiệu quả, qua đó thực hiện tốt mục tiêu vừa ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19 vừa bảo vệ môi trường.
Các hoạt động cụ thể đó là: Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn theo đúng quy định; tập trung giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế người dân. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý chất thải và bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh, cải thiện chất lượng môi trường khu vực đô thị và nông thôn nhằm hỗ trợ một cách tích cực và hiệu quả cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền các hoạt động phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi no-lông khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường; đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021 trên toàn quốc.
Hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với các siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm, hàng hoá, các chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất, dịch vụ, cửa hàng tạp hoá trong các hoạt động mua sắm, giao đồ ăn, thực phẩm, đồ uống trên địa bàn phải giảm thiểu, hạn chế sử dụng túi, bao bì nhựa và các sản phẩm nhựa khó phân huỷ sử dụng một lần (ống hút nhựa, hộp xốp, cốc nhựa…) để chứa, bao gói, sử dụng các sản phẩm, hàng hoá; tăng cường thay thế, sử dụng bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bằng các hình thức phù hợp đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn để hiểu rõ và thực hiện. Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tại công văn hướng dẫn, Bộ TN&MT cũng đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí, các đài phát thanh, truyền hình tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, sản phẩm truyền thông đa phương tiện về các hoạt động bảo vệ môi trường để người dân dễ dàng tiếp cận và thực hiện.
Yêu cầu các hoạt động truyền thông chú ý giới thiệu các hoạt động nổi bật, phổ biến các mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả. Qua đó kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng những tập thể, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, quản lý, giải pháp, sáng kiến thiết thực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.

Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan căn cứ điều kiện thực tế tổ chức các hoạt động, và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 15/10/2021.

Ngọc Anh
Nguồn Quản lý Môi trường

  •  
Các tin khác

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.