Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống thiên tai lần 2 - Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/9/2021 | 10:20:49 Sáng

Ngày 20/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản gửi các cơ quan thông tấn, báo chí về việc phối hợp tuyên truyền và tham gia Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống thiên tai lần thứ 2.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Giải lần thứ 2 với chủ đề "Vì một xã hội an toàn trước thiên tai - Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” từ tháng 6 năm 2021.
Giải Báo chí nhằm ghi nhận, tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp thiết thực đối với công tác thông tin tuyên truyền về phòng chống thiên tai.
Để Giải báo chí thành công, góp phần nâng cao nhận thức toàn xã hội về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp phổ biến tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về Giải báo chí tới các chi hội nhà báo, các phóng viên, biên tập viên tích cực tham gia; khuyến khích, định hướng nội dung các tác phẩm tham dự; tăng cường tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai (như Nghị định 66/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Nghị định 78/2021/NĐ-CP về Quỹ phòng, chống thiên tai; Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai; Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng...).
Đối tượng tham dự là tất cả công dân Việt Nam, bao gồm những nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên có tác phẩm báo chí phù hợp với tiêu chí của giải.
Giải có 5 loại hình báo chí được xét trao giải là báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và ảnh báo chí. 
Tác phẩm dự thi là những tác phẩm bằng tiếng Việt được đăng/phát trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2021.
Thời gian nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 31/12/2021; Lễ công bố và trao Giải thưởng dự kiến tổ chức vào tháng 5/2022 nhân dịp Tuần lễ Quốc gia về Phòng chống thiên tai.

Mưa lớn trong cơn bão số 5 (bão Côn Sơn) đã làm các tuyến đường tại Thành phố Đà Nẵng bị ngập lụt.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức giải cũng khuyến khích các tác phẩm báo chí tham dự giải tuyên truyền về những tác động, giải pháp ứng phó với thách thức kép thiên tai và dịch bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; vấn đề xây dựng, củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực cho lực lượng phòng, chống thiên tai, đặc biệt ở cấp cơ sở; kỹ năng, kinh nghiệm cộng đồng trong phòng, chống thiên tai; những tấm gương điển hình, các giải pháp hiệu quả, sáng kiến hay, mô hình tốt trong phòng, chống thiên tai; phản ánh tình hình thực tế, phát hiện những bất cập, vướng mắc và cách tháo gỡ trong phòng chống thiên tai...
Năm 2019, giải Báo chí Phòng chống thiên tai lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề "Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai - Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu bắt đầu từ cộng đồng”.
Theo đó, đã có 896 tác phẩm ở 5 loại hình báo chí dự thi. Trong đó, Báo in 347 tác phẩm, Báo điện tử 302 tác phẩm, Truyền hình 112 tác phẩm, Phát thanh 59 tác phẩm, Ảnh báo chí 52 tác phẩm, ngoài ra có 24 tác phẩm không đúng thể lệ. Giải đã thu hút được 602 tác giả là những nhà báo, phóng viên, cộng tác viên đến từ hơn 120 cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương tham gia.
Giải báo chí Phòng chống thiên tai lần thứ nhất đã tổ chức Lễ trao giải vào ngày 13/10/2020.

Mai Chi
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.