Sở TN&MT tỉnh Bến Tre tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường biển

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/9/2021 | 10:31:13 Sáng

Tăng cường bảo vệ môi trường biển vì sự sống và sinh kế của người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bến Tre đã đề ra nhiều mục tiêu và kế hoạch thực hiện.

Bến Tre có đường bờ biển dài trên 65km. Đó là tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện, trong đó có nuôi trồng, đánh bắt hải sản, dịch vụ, cảng cá, phát triển du lịch biển… đóng góp giá trị khá lớn trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Bến Tre.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã nghiên cứu, ban hành một số chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế biển. Nhằm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sở TN&MT sẽ là cơ quan đầu mối, chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chương trình hành động thực hiện chiến lược biển, đồng thời lồng ghép các mục tiêu, chương trình, dự án thúc đẩy phát triển kinh tế biển vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
Việc tăng cường năng lực ứng phó trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được Sở TN&MT tỉnh Bến Tre chú trọng với việc thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với bảo vệ môi trường, nuôi trồng thủy sản. Ngành TN&MT xác định nhiệm vụ kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đề xuất kế hoạch và dự án ưu tiên ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2025.

Rừng ngập mặn của tỉnh Bến TreRừng ngập mặn của tỉnh Bến Tre
Được biết, đến nay tỉnh Bến Tre đã hoàn thành dự án "Phân vùng chức năng đới bờ tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” trên địa bàn 3 huyện ven biển và đang tiếp tục thực hiện để sớm hoàn thành dự án "Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bến Tre” làm cơ sở trong việc bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên của vùng bờ, giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với BĐKH, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển.
Để các kế hoạch được triển khai hiệu quả, Sở TN&MT tỉnh Bến Tre đã triển khai đồng thời các hoạt động tuyên truyền về biển đảo, phối hợp tuyên truyền về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển theo luật pháp quốc tế; quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển đảo, về khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế kinh tế gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển; bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển…
Trong thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên biển và hải đảo, tỉnh còn tích cực triển khai nhiều giải pháp thực hiện công tác bảo vệ môi trường biển, xử lý nghiêm mọi hoạt động, hành vi thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường biển, xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên.
Sở TN&MT tỉnh Bến Tre đã phối hợp với các ngành và UBND các huyện ven biển tăng cường công tác quan trắc, kiểm soát môi trường vùng ven biển để theo dõi phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu tổn thất do thiên tai và ứng phó BĐKH, nước biển dâng và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển. Kế hoạch xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển đã được tỉnh Bến Tre triển khai, phục vụ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các vùng nuôi trồng thủy sản, xây dựng bản đồ nhạy cảm vùng bờ để ứng phó sự cố tràn dầu, bảo vệ các vùng nuôi trồng thủy sản và bảo tồn hệ sinh thái, rừng ngập mặn vùng ven biển.
Các dự án bảo vệ đa dạng sinh học vùng biển, cửa sông, ven biển đã và đang được tỉnh Bến Tre triển khai thông qua việc tiến hành khảo sát, thống kê thành phần loài động, thực vật cũng như đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường nước, đề ra các giải pháp quản lý và sử dụng hợp lý. Bên cạnh đó, ngành TN&MT tỉnh Bến Tre cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động trồng cây xanh, thu gom, xử lý rác thải khu vực ven biển… Qua đó, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân địa phương trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn mỹ quan, môi trường sống xanh - sạch - đẹp, chung tay phục hồi hệ sinh thái, góp phần xây dựng tỉnh "Bến Tre xanh”.

Tùng Lâm
Theo Quản lý Môi trường

  •  
Các tin khác

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Ngày 7/3, tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị" đã được tổ chức tại Hà Nội.

Sáng ngày 8/3, tại chợ nông thôn Vị Thanh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Lễ ra mắt thực hiện mô hình "Phụ nữ xách giỏ đi chợ" nhằm vận động tuyên truyền bảo vệ môi trường và hạn chế sử dụng túi nilon.

Thời gian gần đây, kinh tế tuần hoàn được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông. Nó được xem là một giải pháp góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, tái chế nhựa được quan tâm hàng đầu nhưng lại không đơn giản.