Đà Nẵng sẽ trồng hơn 5 triệu cây xanh trong 5 năm tới

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/12/2021 | 6:11:19 Chiều

UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 524 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh toàn quốc giai đoạn 2021-2025”.

Theo đó, mục tiêu đến hết năm 2025, Thành phố đầu tư 143,1 tỷ đồng từ ngân sách và huy động 59,6 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa để trồng 5,017 triệu cây xanh tập trung và phân tán các loại.
tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Kế hoạch đặt chỉ tiêu trồng 163.000 cây xanh (tương đương 260,8 ha) sẽ được trồng trên các vỉa hè đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, vườn nhà, đất rẻo và các công trình công cộng...ở khu vực đô thị. 1,85 triệu cây xanh được trồng ở vườn nhà, hành lang giao thông, ven sông, kênh, mương, bờ thửa, nương rẫy, khuôn viên bệnh viện, trường học... ở khu vực nông thôn; 3 triệu cây xanh (tương đương 2.140 ha, không bao gồm diện tích trồng rừng thay thế) được trồng ở các cánh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất tập trung mới.

UBND TP. Đà Nẵng giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất bố trí diện tích đất trong rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất phù hợp với quy hoạch; bố trí diện tích đất trồng cây xanh đô thị khu dân cư, công sở, dọc các tuyến đường giao thông; đất trồng cây nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị. Đảm bảo diện tích đất đai, trồng cây phân tán phải có chủ quản lý, diện tích đất thuộc các tổ chức, hộ gia đình thì các tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm quản lý chăm sóc, bảo vệ hằng năm.

Đối với diện tích đất công cộng đường giao thông, khu vực đất trống, ven sông, bãi bồi ở nông thôn đề nghị chính quyền địa phương giao cho tổ chức, đoàn thể, hiệp hội, nhân dân trồng chăm sóc và quản lý bảo vệ cây phân tán nhân dịp Tết trồng cây hằng năm.

 

UBND Thành phố cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên (Hội nông dân, phụ nữ, đoàn thành niên, cựu chiến bỉnh...) tích cực tham gia vào việc thực hiện kế hoạch với phương châm trồng cây, trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển đất nước bền vững.

Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Đi đầu trong việc triển khai áp dụng quy định mới tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Thành phố Hội An đang tiến hành thí điểm cách thức "tính tiền rác hằng tháng bằng thể tích, cân nặng thông qua túi ni-lông" thay cho phương án thu phí rác truyền thống.

Phụ nữ tại Hải Dương đang áp dụng một mô hình sáng tạo trong xử lý chất thải hữu cơ tại nhà, với việc sử dụng men vi sinh IMO (vi sinh vật bản địa). Đây có thể coi là phương pháp “lợi cả đôi đường”, nhiều ưu điểm, giá rẻ, dễ thực hiện. Song để có thể nhân rộng, cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Ngày 7/3, tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị" đã được tổ chức tại Hà Nội.