Cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu và Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia

  • Cập nhật: Thứ bảy, 15/1/2022 | 11:25:33 Sáng

Sáng 14/1/2021, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn & Biến đổi khí hậu (KHKTTV&BĐKH) đã tổ chức Hội thảo giới thiệu Kịch bản biến đổi khí hậu và Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia.

Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật 2020 và Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia được kỳ vọng là tài liệu hữu ích để các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học tại các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, tham khảo, lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào quá trình xây dựng, cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cơ quan, địa phương trong giai đoạn tới. 
Kịch bản biến đổi khí hậu
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nêu rõ: Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xây dựng, công bố vào các năm 2009, 2012, và 2016. Đến nay, Bộ tiếp tục hoàn thành cập nhập Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng phiên bản 2020 dựa trên cơ sở các công bố mới nhất của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), với kết quả mới nhất của các mô hình khí hậu toàn cầu, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn, số liệu mực nước biển đo đạc từ vệ tinh và số liệu địa hình.
Kịch bản cũng sử dụng số liệu quan trắc và số liệu mô hình số độ cao của Việt Nam cập nhật đến năm 2020, bổ sung 10 phương án mô hình toàn cầu và 6 mô hình khu vực để dự tính các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nguy cơ ngập do nước biển dâng chỉ tiết đến các đơn vị hành chính cấp huyện, các đảo và quần đảo của Việt Nam.
Kịch bản gồm 7 chương: Khoa học về BĐKH, xu thế và kịch bản BĐKH toàn cầu; Số liệu và phương pháp cập nhật số Kịch bản BĐKH cho Việt Nam; Biểu hiện của BĐKH ở Việt Nam; Kịch bản nước biển dâng cho Việt Nam và nguy cơ ngập lụt; Đánh giá kịch bản kỳ trước và những điểm mới nổi bật của kịch bản cập nhật 2020; Hướng dẫn khai thác và sử dụng kịch bản.
Kịch bản được ban hành để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể khai thác và sử dụng cho những mục đích khác nhau, bao gồm: Tra cứu thông tin, nghiên cứu, đánh giá tác động, quản lý rủi ro và lập kế hoạch, quy hoạch trong các hoạt động thích ứng với BĐKH.
Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia
Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia là báo cáo đầu tiên, được xây dựng nhằm hỗ trợ các nhà quản lý và người dân hiểu rõ hơn về đặc điểm, hiện trạng và mức độ thay đổi của khí hậu, trong đó, phân tích những tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam ở hiện tại và trong tương lai, qua đấy có thể thấy Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biển đối khí hậu. Báo cáo cũng đã nhận định về những nỗ lực, thành quả và thiếu hụt trong ứng phó với biến đối khí hậu của Việt Nam trong thời gian qua.
Báo cáo gồm 4 chương: Dao động khí hậu và biến đổi của khí hậu Việt Nam; Mức độ phù hợp của kịch bản biến đổi khí hậu và việc sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; Tác động của biến đổi khí hậu; Kết quả của hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia đã đánh giá khí hậu cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam bao gồm khí hậu trên đất liền và khí hậu vùng biển. Các phương pháp thống kê, mô hình toán, tổng hợp, kế thừa được sử dụng để xây dựng báo cáo.
Số liệu sử dụng trong Báo cáo được kế thừa từ dự án "Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam” thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020. Các số liệu về nhiệt độ, lượng mưa tại 150 trạm khí tượng và số liệu mực nước biển tại 15 trạm hải văn được thu thập từ 1958 (đối với số liệu tháng) và từ năm 1961 (đối với số liệu ngày) đến năm 2018, một số số liệu liên quan đến hiện tượng thời tiết cực đoan được cập nhật đến năm 2020.
Báo cáo sẽ là tài liệu cung cấp thông tin hữu ích cho việc xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ cho việc lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Bộ, ngành và địa phương.

Hải Thanh (T/H)

Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường
  •  
Các tin khác

UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản 1576/UBND-XD về việc dừng sử dụng xe ba bánh chạy bằng động cơ điện thu gom, vận chuyển rác thải tại Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị tỉnh Lào Cai.

Danh mục này là một phần quan trọng trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, nhằm phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030.

Các nhà quản lý đã chỉ ra một trong những nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng không khí tại Hà Nội chính là ô nhiễm bụi PM2.5, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân đang sinh sống và làm việc tại thủ đô.

Bãi chôn lấp rác lộ thiên không chỉ là nơi xử lý rác thải mà còn là nguồn gốc của các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến ô nhiễm môi trường, đặc biệt là phát thải methane. Methane, một loại khí thải mạnh mẽ, góp phần tăng cường hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu toàn cầu.