Báo động cuộc ‘đại tuyệt chủng lần thứ 6’ vì ô nhiễm nhựa

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/2/2022 | 4:37:56 Chiều

Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF công bố một báo cáo cho thấy nếu không có hành động ngay bây giờ để cắt giảm sản xuất và sử dụng nhựa trên toàn cầu thì ô nhiễm nhựa sẽ đe doạ sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái, rất nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.


Ảnh minh hoạ. ITN
Báo cáo của WWF với chủ đề  "Tác động của ô nhiễm nhựa đại dương đối với các loài sinh vật biển, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái” cho thấy, 88% các loài sinh vật biển mà tổ chức này nghiên cứu bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi sự ô nhiễm nhựa. Ít nhất có 2.144 loài phải sống trong môi trường ô nhiễm nhựa. Báo cáo cũng dự đoán sản lượng nhựa sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, khiến lượng rác thải nhựa trên đại dương tăng gấp 4 lần. Hiện mỗi năm có khoảng 14 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra đại dương.
Đến cuối thế kỷ này, các khu vực đại dương có diện tích gấp 2,5 lần khu vực Greenland (Đan Mạch) có thể vượt quá ngưỡng nguy hiểm về mặt sinh thái của nồng độ hạt vi nhựa, vì lượng hạt vi nhựa trong đại dương có thể tăng gấp 50 lần vào thời điểm đó. Điều này dựa trên dự đoán rằng sản lượng nhựa dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2040, dẫn đến các mảnh rác vụn nhựa trong đại dương sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2050.
Nhựa là một loại polymer hữu cơ tổng hợp được làm từ dầu mỏ với các đặc tính lý tưởng phù hợp cho nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau, như: Bao bì đóng gói, thiết bị gia dụng, thể thao, xe cộ, điện tử, nông nghiệp, xây dựng... Khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hằng năm, một nửa trong số đó là các sản phẩm sử dụng một lần như túi nylon, cốc nhựa, ống hút... Tuy nhiên, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần rất khó bị phân hủy và có tuổi thọ lên tới hàng trăm năm và thật đáng lo vì phần lớn rác thải nhựa đang bị cuốn trôi ra các đại dương. 
Ô nhiễm nhựa và tác động của nó đối với các loài sinh vật biển và hệ sinh thái theo nhiều cách khác nhau: Sinh vật chết vì ăn phải các mảnh nhựa, nhiễm độc hoá chất, hay bị mắc kẹt trong các loại nilong, ngư cụ đánh cá cũ thải bỏ ngay trên biển… sự sinh trưởng và phát triển của các khu rừng ngập mặn, rạn san hô cũng bị ảnh hưởng của nhựa.
Con số thống kê trong báo cáo của WWF cho thấy, nồng độ hạt vi nhựa ước tính ở một số khu vực trên thế giới hiện đã trên ngưỡng 1,21 x 105 hạt /m3. Đây là ngưỡng mà từ đó các rủi ro đáng kể đến hệ sinh thái có thể xảy ra và đã bị vượt quá ở một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường biển như Địa Trung Hải, Biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải và biển băng ở Bắc Cực. Trong kịch bản xấu nhất, việc vượt quá ngưỡng nguy hiểm của ô nhiễm hạt vi nhựa trong hệ sinh thái có thể dẫn đến những tác động tiêu cực không chỉ đến các loài mà còn đến cả hệ sinh thái, bao gồm việc suy giảm quần thể.
Bà Heike Vesper - Giám đốc Chương trình Đại dương, WWF - Đức cho biết, tất cả các bằng chứng đều cho thấy việc ô nhiễm nhựa trong đại dương là không thể phục hồi được. Khi chất thải nhựa đã vào đại dương, nó gần như không thể được thu hồi lại. Tuy nhiên, nếu các chính phủ, ngành công nghiệp và xã hội cùng hành động ngay bây giờ, chúng ta vẫn còn có thể hạn chế được cuộc khủng hoảng nhựa.
Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cũng cảnh báo nếu các quốc gia và doanh nghiệp không hành động quyết liệt nhằm giảm mạnh việc sản xuất nhựa, ước tính lượng rác thải dạng này đổ ra biển sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2040, với 23-37 triệu tấn/năm. Ngành sản xuất nhựa được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Thậm chí đến giữa thế kỷ này, rác thải nhựa có thể nhiều hơn cá trong đại dương.

Hải Thanh


Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường

  •  
Các tin khác

Đi đầu trong việc triển khai áp dụng quy định mới tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Thành phố Hội An đang tiến hành thí điểm cách thức "tính tiền rác hằng tháng bằng thể tích, cân nặng thông qua túi ni-lông" thay cho phương án thu phí rác truyền thống.

Phụ nữ tại Hải Dương đang áp dụng một mô hình sáng tạo trong xử lý chất thải hữu cơ tại nhà, với việc sử dụng men vi sinh IMO (vi sinh vật bản địa). Đây có thể coi là phương pháp “lợi cả đôi đường”, nhiều ưu điểm, giá rẻ, dễ thực hiện. Song để có thể nhân rộng, cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Ngày 7/3, tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị" đã được tổ chức tại Hà Nội.