Australia dự kiến ban hành tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm tự phân hủy

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/5/2022 | 4:25:35 Chiều

Việc ban hành một tiêu chuẩn chung sẽ là cơ sở để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, giúp các nhóm bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm cả Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia, có thể căn cứ để kiểm tra các sản phẩm.

Australia dự kiến ban hành một bộ tiêu chuẩn quốc gia mới để buộc các nhà sản xuất gắn mác sản phẩm "có thể phân hủy được" phải thực sự phân hủy được.

Sự ra đời của tiêu chuẩn này được cho là sẽ góp phần giải quyết vấn đề tắc nghẽn các đường ống nước do chất thải từ các loại khăn ướt, giấy lau và các loại sản phẩm lau chùi, vệ sinh, được quảng cáo là có khả năng tự phân hủy. Tiêu chuẩn mới bao gồm những yêu cầu như sản phẩm không được chứa hạt nhựa và có khả năng tự phân hủy sinh học thành các mảnh nhỏ tương đối nhanh chóng.

Các sản phẩm này cũng phải vượt qua "bài kiểm tra" về độ cứng, nghĩa là chúng sẽ không bám vào các đường ống, máy bơm hút nước, chảy đến các nhà máy xử lý chất thải hay nhà máy nước.

Các sản phẩm đủ tiêu chuẩn sẽ được "gắn mác" bằng một biểu tượng chung đồng nhất và dễ hiểu, giúp người tiêu dùng biết được chính xác rằng sản phẩm đó có thể được xử lý an toàn khi xả chúng vào các đường ống thoát nước, bồn rửa bát, chậu giặt, vệ sinh… mà không gây tích tụ, bám dầu mỡ hay tạo thành các loại rác thải gây tắc đường ống nước.

 
Australia sẽ có tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm tự phân hủy
Ảnh minh hoạ

Ông Greg Ryan thuộc Hiệp hội Dịch vụ nước của Australia, người đứng đầu ủy ban xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia nói trên, cho biết việc tham gia đăng ký "gắn mác" sản phẩm là hoàn toàn tự nguyện, nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả. Ông nêu rõ trên thực tế hiện có nhiều sản phẩm lau chùi, vệ sinh đang được quảng cáo là có khả năng tự phân hủy. Chúng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và trực tiếp trở thành nguồn rác thải khó xử lý.

Việc ban hành một tiêu chuẩn chung sẽ là cơ sở để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, giúp các nhóm bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm cả Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia, có thể căn cứ để kiểm tra các sản phẩm. Các nhà sản xuất cũng sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc nếu họ quảng cáo sai sự thật hay gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Rác thải từ các loại khăn giấy, giấy lau, các sản phẩm vệ sinh được quảng cáo là có khả năng tự phân hủy đang ngày càng trở thành một vấn đề nóng trên toàn cầu, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Ước tính mỗi năm các công ty cấp thoát nước của Australia phải chi hơn 20 triệu AUD (khoảng 14 triệu USD) để loại bỏ rác thải, giúp các đường ống nước hoạt động bình thường.


Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam (T/h)

 
  •  
Các tin khác

UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản 1576/UBND-XD về việc dừng sử dụng xe ba bánh chạy bằng động cơ điện thu gom, vận chuyển rác thải tại Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị tỉnh Lào Cai.

Danh mục này là một phần quan trọng trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, nhằm phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030.

Các nhà quản lý đã chỉ ra một trong những nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng không khí tại Hà Nội chính là ô nhiễm bụi PM2.5, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân đang sinh sống và làm việc tại thủ đô.

Bãi chôn lấp rác lộ thiên không chỉ là nơi xử lý rác thải mà còn là nguồn gốc của các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến ô nhiễm môi trường, đặc biệt là phát thải methane. Methane, một loại khí thải mạnh mẽ, góp phần tăng cường hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu toàn cầu.