Bảo vệ môi trường: Nhiệm vụ nặng nề của COP27 tại Ai Cập

  • Cập nhật: Thứ bảy, 18/6/2022 | 9:18:20 Sáng

Tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra đang ngày một gia tăng và sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu các biện pháp hạn chế phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch không được thúc đẩy mạnh mẽ.

Bao ve moi truong: Nhiem vu nang ne cua COP27 tai Ai Cap hinh anh 1
Các nhà bảo vệ môi trường lắp ráp các loại rác thải nhựa làm viện bảo tàng tại Gresik ở phía Đông đảo Java của Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc các nhà đàm phán tham dự hội nghị khí hậu giữa năm của Liên hợp quốc, diễn ra tại thành phố Bonn của Đức từ ngày 6-16/6, không thu được tiến bộ thực chất nhằm khống chế sự ấm lên của Trái Đất, khiến nhiều vấn đề chưa được giải quyết trong bối cảnh chỉ còn 5 tháng nữa Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP27) dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Sharm el-Sheikh của Ai Cập.

Tại phiên bế mạc ngày 16/6, các nước đang phát triển đã bày tỏ thất vọng khi hội nghị khí hậu giữa năm của Liên hợp quốc chỉ đạt được tiến bộ ít ỏi về các vấn đề chính, đặc biệt là việc thiết lập cơ sở tài chính để đối phó với những tổn thất ngày một gia tăng do thời tiết cực đoan và nước biển dâng.

Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS) cho biết 39 thành viên của liên minh này đã không nhận được đảm bảo nào về việc cung cấp tài chính nhanh và lớn đối với vấn đề khí hậu.

Đại sứ Antigua và Barbuda tại Liên hợp quốc Conrod Hunte khẳng định tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang nhanh chóng trở thành một thảm họa. Tuy nhiên, tiến trình ngăn chặn thảm họa này vẫn "lạc bước."

 

Ông Alex Scott thuộc tổ chức tư vấn chính sách khí hậu E3G khẳng định việc hội nghị khí hậu giữa năm của Liên hợp quốc tại Bonn không đạt được bước tiến lớn nào hướng tới việc cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính hoặc hướng tới mục tiêu toàn cầu nhằm thúc đẩy thích ứng, để lại cho các nhà ngoại giao một "núi công việc" trước COP27, dự kiến diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11 tới.

Trên thực tế, các cuộc đàm phán tại Bonn đã chứng kiến căng thẳng lâu nay bùng phát giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, trong đó có việc ai sẽ phải chịu nhiều trách nhiệm hơn trong việc giảm thiểu lượng khí gây biến đổi khí hậu, cũng như cách thức để khôi phục cũng như tránh thiệt hại và mất mát do biến đổi khí hậu.

Chính do đó, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa đã phải kêu gọi các nước đưa ra "các quyết định chính trị lớn" tại COP27 đối với vấn đề tài chính nhằm giảm thiệt hại và tổn thất.

 

Theo bà, điều này cùng với việc tăng cường tài trợ cho thích ứng và năng lượng sạch "là yếu tố quan trọng để xây dựng tương lai bền vững hơn."

Bao ve moi truong: Nhiem vu nang ne cua COP27 tai Ai Cap hinh anh 2
(Ảnh minh họa: Business Korea/TTXVN)

Trong khi đó, cố vấn cấp cao của Mạng lưới Hành động khí hậu quốc tế, ông Harjeet Singh, cho biết lần đầu tiên nhiều nước phát triển đã thừa nhận khoảng trống trong việc cung cấp tài chính cho các nước dễ bị tổn thương để giúp các nước này phục hồi sau tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, các nước giàu, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Thụy Sĩ, sau đó đã ngăn các cuộc thảo luận về cơ sở tài chính mới, thậm chí không cho phép các nước đang phát triển thêm điều này vào chương trình nghị sự của COP27.

 

Do đó, chuyên gia này cho rằng "các nước giàu cần thể hiện tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế, thay vì sử dụng những từ ngữ sáo rỗng."

Có thể nói lâu nay các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu vẫn chịu ảnh hưởng do tiến triển đạt được trong các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc khá chậm chạp, với những yêu cầu chính, trong đó có tăng thêm nguồn tài chính, hầu như không được đáp ứng.

Báo cáo của nhóm 20 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu toàn cầu (V20) tháng này cho thấy trong 2 thập niên qua, nhóm này đã thiệt hại khoảng 525 tỷ USD, tương đương với 20% tài sản, do tác động của hiện tượng ấm lên của Trái Đất.

Theo giới chuyên gia, tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra đang ngày một gia tăng và sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu các biện pháp hạn chế phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch không được thúc đẩy mạnh mẽ./.


Nguồn TTXVN

  •  
Các tin khác

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.