Chống ngập trong tư duy

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/8/2022 | 4:10:26 Chiều

Những trận mưa “cực đoan” trút xuống các thành phố được xem là hình mẫu phát triển kinh tế của cả nước, chỉ vài giờ đã gây ngập lụt trên diện rộng chưa từng có trong lịch sử vẫn đang là đề tài nóng hổi trong dư luận.

Lụt lội trở thành "đặc sản” của các đô thị và chúng ta đang phải nai lưng để trả nợ tự nhiên bằng các chi phí đắt đỏ chống ngập với con số hàng tỷ, chục tỷ đô la. Nghịch lý của quy hoạch còn nhiều nhưng thách thức "nổi bật” sẽ là lũ lụt đô thị ngày càng tăng cao do biến đổi khí hậu và đặc biệt là sau những bản quy hoạch bê tông hóa đô thị bằng cách xóa bỏ hệ sinh thái nước và vùng ven đô.

Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương đầu tiên của cả nước có cốt cao độ. Tất cả dự án từ nhỏ đến lớn đều phải xin các số liệu, chỉ tiêu kỹ thuật mà cốt cao độ san nền là một nội dung, liên quan hữu cơ đến số liệu cấp, thoát nước. Các số liệu được cấp đều phải tuân thủ khi thiết kế và được các cấp phê duyệt theo quy mô các cấp phê duyệt. Vậy điều gì đã xảy ra ưkhi mưa là ngập trong sự phát triển này?

Ao hồ, hay các dòng sông vốn đều là nơi thoát nước tự nhiên. Lấp bớt ao hồ để phát triển đô thị, cống hóa các kênh mương đương nhiên giảm sức tháo thoát tự nhiên của dòng chảy. Nhưng cao độ các đô thị mới, sức thoát của cống chảy trong các nền đường mới mở xen quanh các khu dân cư hiện hữu có được tuân thủ hay không?

t11.jpg
Ảnh minh họa

Lụt lội ở TP.HCM là điển hình chủ yếu là do mất hệ thống thoát nước, hệ lụy của việc thiếu kiểm soát dân số cơ học đô thị lõi, xây dựng đô thị thiếu tầm quy hoạch. Trước đây, TP.HCM chằng chịt kênh rạch, đầm lầy. Dù triều cường hay nước lũ đều có thể nhanh chóng rút qua hệ thống dòng chảy tự nhiên ấy. Nhưng vài thập kỷ nay, hàng triệu mét khối đất được đổ xuống lấp đầy những ô trũng vốn có chức năng điều hòa nước tự nhiên ấy để xây khu đô thị mới.

 

Thực tế, câu chuyện ngập không phải chỉ ngày một, ngày hai mà nó đã diễn ra trong nhiều năm nay như một điệp khúc đến hẹn lại ngập. Đáng nói, chúng ta nhìn thấy điều đó, nhưng lại thiếu đi sự phản tỉnh, thiếu quan tâm đến thành phố được quy hoạch thế nào, cầu cống ra sao, hàng trăm ngàn tỷ đồng đổ vào các dự án chống ngập nhưng hễ mưa lớn là nước chẳng có lối thoát…

Chúng ta im lặng trước những dự án bất động sản được quảng cáo rầm rộ, lóa mắt trước những khu đô thị đẳng cấp thế giới. Chúng ta tự hào với những công trình mọc lên giữa con đường thoát nước. Chúng ta quen coi lấp sông, ngăn dòng là việc của cỗ máy ủi, máy xúc vô tri vô giác!? Còn mình thì vô can!?

Ngập lụt vốn là bài toán khó của chính quyền thì nay, với sự gia tăng của mực nước biển theo kịch bản của biến đổi khí hậu càng trở nên nan giải. Vốn là tình trạng "cơm bữa” của các đô thị cũ hạ tầng lạc hậu, nay ngập lụt còn là "đặc sản” của các đô thị mới. Ngập lụt cũng không còn "miễn nhiễm” với những đô thị có địa hình thuận tiện cho thoát nước như Đà Lạt.

 

Để "trị” ngập lụt, giải pháp dài hơi phải là quy hoạch. Nguyên tắc của chống ngập là "nước lên thì thuyền lên”, song chúng ta không thể cùng lúc "bưng” đô thị lên khỏi miệng "thủy thần". Dứt khoát phải loại bỏ tư duy khai tử kênh rạch xây dựng công trình tràn lan như vừa qua.

Phố ngập không chỉ vì, bị, tại biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà còn do "tư duy ngập nước”. Có thể những trận lũ lịch sử đã không diễn ra tàn khốc nếu chúng ta đồng thanh lên tiếng, lên án về những công trình xây dựng ngay trên rừng phòng hộ hay đặc dụng, gây tranh cãi; về hệ thống thoát nước ngàn tỷ có mùi lợi ích nhóm; hay một chính sách đô thị hóa sai lầm…


Nguồn TN&MT

  •  
Các tin khác

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.