Tham vấn trách nhiệm của các bên liên quan đối với ô nhiễm nhựa ở Hội An

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/9/2022 | 10:53:05 Sáng

Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) phối hợp UBND TP.Hội An và Viện Nước quốc tế Stockholm (Thụy Điển) vừa tổ chức cuộc họp tham vấn: “Trách nhiệm của các bên liên quan đối với ô nhiễm nhựa ở Hội An: Phân tích theo cách tiếp cận từ nguồn tới biển”.

Cuộc họp tham vấn nhằm nâng cao hiểu biết về hiện trạng rác thải nhựa tại Hội An và các bước cần thiết để giảm rò rỉ rác nhựa ra môi trường. 

Tham vấn trách nhiệm của các bên liên quan đối với ô nhiễm nhựa ở Hội An
Toàn cảnh cuộc họp tham vấn
Các chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá, Hội An là địa phương thực hiện rất tốt việc phân loại rác; tuy nhiên, áp lực phát triển du lịch đang là thách thức lớn trong công tác hạn chế rác thải nhựa của thành phố.
Theo thống kê, khối lượng rác thải phát sinh tại TP. Hội An gia tăng dần qua các năm: Từ khoảng 65,5 tấn/ngày vào năm 2013 đã tăng lên 100 tấn/ngày ở thời điểm năm 2019. Theo kết quả điều tra thành phần rác thải năm 2021, trung bình một ngày, lượng rác thải nhựa dùng một lần và túi ni lông chiếm từ 15 - 23% tổng lượng rác phát sinh trên địa bàn thành phố. Đến thời điểm này, các sản phẩm nhựa dùng một lần đang là một vấn nạn môi trường và nhiều quốc gia đang tìm mọi cách để loại bỏ.
Bà Ruth Mathews - Giám đốc cao cấp Viện Nước quốc tế Stockholm cho rằng, nếu hạn chế tốt rác thải nhựa thì phải kết nối ở cấp độ quốc gia, bởi ở cấp này mới xây dựng được nhiều cam kết giữa nhà sản xuất và dịch vụ tiêu dùng. Đặc biệt là giải quyết các loại bao bì ni lông và vỏ hộp nhựa dùng một lần tại Hội An vì đây là địa điểm du lịch.
Năm 2021 và 2022, IUCN hợp tác cùng Viện Nước quốc tế Stockholm và các bên liên quan tại Hội An thực hiện thí điểm "Cách tiếp cận từ nguồn tới biển trong quản lý rác thải nhựa tại Hội An” với nguồn vốn tài trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ); tuy vậy, lượng rác thải nhựa vẫn tăng.
Hội An là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất trong nước kể từ khi thành phố được công nhận là Di sản thế giới của UNESCO. Số lượng du khách đã tăng theo cấp số nhân từ 3.400 khách du lịch vào năm 1991 lên gần 5 triệu lượt khách vào năm 2018.
Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng này đã khiến du lịch trở thành hoạt động kinh tế chính của thành phố, nhưng cũng khiến các dịch vụ như thu gom rác thải rắn chịu áp lực ngày càng lớn. Bất chấp những nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa và một số dự án thực hiện phân loại chất thải rắn tại đầu nguồn, lượng nhựa dùng một lần vẫn được sử dụng rộng rãi.
Những khó khăn mà các bên liên quan đang gặp phải hiện nay như: thành phố đang gặp những khó khăn trong xây dựng các chế tài từ các quy định của bộ/tỉnh, thiếu chiến lược tổng thể về giảm nhựa để kết nối nguồn lực từ các bên, sự đầu tư chưa phù hợp với hiện trạng rác thải địa phương, thiếu doanh nghiệp sản xuất và tái chế nhựa tại địa phương. Đặc biệt, TP. Hội An có vị trí cuối nguồn của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn khiến rác trôi theo dòng chảy và ứ đọng ở cuối nguồn. Ngoài ra, hiện cũng chưa có quy định cụ thể về giá thu mua và phúc lợi cho nhóm thu mua ve chai - một trong 5 bên liên quan chính của dòng rác.
Điều này cho thấy ngoài các nguồn lực về tài chính, con người, đầu tư công nghệ để cải thiện việc thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn thì sự phối hợp giữa các bên liên quan, những nhóm chịu ảnh hưởng, được hưởng lợi bởi hệ thống quản lý chất thải rắn là rất quan trọng.


Hải Thanh



Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường
  •  
Các tin khác

Đi đầu trong việc triển khai áp dụng quy định mới tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Thành phố Hội An đang tiến hành thí điểm cách thức "tính tiền rác hằng tháng bằng thể tích, cân nặng thông qua túi ni-lông" thay cho phương án thu phí rác truyền thống.

Phụ nữ tại Hải Dương đang áp dụng một mô hình sáng tạo trong xử lý chất thải hữu cơ tại nhà, với việc sử dụng men vi sinh IMO (vi sinh vật bản địa). Đây có thể coi là phương pháp “lợi cả đôi đường”, nhiều ưu điểm, giá rẻ, dễ thực hiện. Song để có thể nhân rộng, cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Ngày 7/3, tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị" đã được tổ chức tại Hà Nội.