Ngày nước thế giới 2023: “Thúc đẩy sự thay đổi”

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/3/2023 | 2:33:46 Chiều

Hội nghị Nước năm 2023 của Liên hợp quốc, diễn ra ở Mỹ, trùng thời điểm với Ngày Nước thế giới 22/3 là cơ hội để thế giới tăng cường hành động thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.

Với thông điệp "Thúc đẩy sự thay đổi”, Ngày nước thế giới năm nay (22/3/2023) được đưa ra nhằm khuyến khích mọi người thay đổi cách sử dụng, khai thác và quản lý nguồn nước một cách hiệu quả trong cuộc sống của mình, đặc biệt hơn là thúc đẩy thay đổi để giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh môi trường.

Ủng hộ chủ đề Ngày nước thế giới năm 2023, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres chia sẻ trên Twitter: "Thật đáng tiếc, thế giới đang đi chệch hướng để đạt được mục tiêu về nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030. Hiện, hàng tỷ người vẫn chưa có nước sạch và nhà vệ sinh, do đó tất cả chúng ta đều có thể làm điều gì đó để thúc đẩy nhanh sự thay đổi”.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, hàng tỷ người và vô số trường học, doanh nghiệp, trung tâm chăm sóc sức khỏe, trang trại và nhà máy đang bị cản trở bởi sự thiếu hụt nguồn hợp vệ sinh. Dữ liệu mới nhất cho thấy, chính phủ các nước phải làm việc nhanh hơn trung bình gấp 4 lần để đáp ứng Mục tiêu Phát triển Bền vững 6 (SDG 6) đúng hạn, nhưng đây không phải là vấn đề của riêng cá nhân hay bất kỳ một tổ chức đơn lẻ nào cũng có thể giải quyết được. Bởi nước ảnh hưởng đến tất cả mọi người, vì vậy rất cần mọi người hành động. Nhiều chuyên gia cho rằng năm 2023 là một năm đặc biệt cho các cam kết liên quan đến việc sử dụng nước và vệ sinh môi trường.

Lễ kỷ niệm Ngày Nước Thế giới năm nay trùng với thời điểm bắt đầu Hội nghị về Nước năm 2023 của Liên Hợp Quốc được tổ chức từ ngày 22 đến ngày 24/3 tại New York (Mỹ). Hội nghị do Chính phủ Tajikistan và Vương quốc Hà Lan đồng đăng cai tổ chức. Hội nghị là cơ hội ngàn năm có một để các quốc gia trên thế giới đoàn kết giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh đã được quốc tế thông qua giai đoạn 2018-2028. Hội nghị bao gồm một phiên khai mạc và bế mạc, 6 phiên họp toàn thể và 5 phiên đối thoại tương tác cùng các sự kiện bên lề. Kết quả của Hội nghị sẽ được tổng hợp trong một bản báo cáo tóm tắt và sẽ được Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc trình bày trong phiên họp năm 2023 của Diễn đàn Chính trị cấp cao về Phát triển bền vững tại Liên hợp quốc (HLPF).

 
tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Trong Báo cáo về Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2022, ngày nay, khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới không được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn và khoảng một nửa dân số thế giới đang gặp phải tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng trong ít nhất một phần của năm. Con số này dự kiến sẽ tăng lên càng làm vấn đề thiếu nước thêm trầm trọng hơn do sự biến đổi khí hậu và gia tăng dân số.

Chỉ 0,5% nước trên Trái đất là nước ngọt sẵn có và có thể sử dụng được, song sự biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nguy hiểm đến nguồn cung cấp đó. Trong 20 năm qua, lượng nước dự trữ trên mặt đất, bao gồm độ ẩm của đất, tuyết và băng đã giảm với tốc độ 1 cm mỗi năm, gây ra những tác động lớn đối với an ninh nước. Nguồn cung cấp nước được lưu trữ trong các sông băng và tuyết phủ được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong suốt thế kỷ, do đó làm giảm lượng nước cung cấp trong thời kỳ khô và ấm ở các khu vực được cung cấp bởi nước tan chảy từ các dãy núi lớn, nơi có hơn 1/6 dân số thế giới hiện đang sống. Mực nước biển dâng được dự báo sẽ mở rộng quá trình nhiễm mặn của nước ngầm, làm giảm khả năng cung cấp nước ngọt cho con người và hệ sinh thái ở các khu vực ven biển.

Do vậy, hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C đến 2°C sẽ làm giảm khoảng một nửa tỷ lệ dân số thế giới bị khan hiếm nước, mặc dù có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực. Cụ thể, chất lượng nước cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, do nhiệt độ nước cao hơn, lũ lụt và hạn hán thường xuyên làm nguồn nước thêm ô nhiễm trầm trọng do các lớp trầm tích đến mầm bệnh và thuốc trừ sâu. Biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và tình trạng khan hiếm nước ngày càng gia tăng sẽ gây áp lực lên nguồn cung cấp lương thực vì phần lớn lượng nước ngọt được sử dụng, trung bình khoảng 70%, được sử dụng cho nông nghiệp.

 

Kể từ năm 2000, các thảm họa liên quan đến lũ lụt đã tăng 134% so với hai thập kỷ trước. Hầu hết các trường hợp tử vong và thiệt hại kinh tế liên quan đến lũ lụt được ghi nhận ở châu Á. Số lượng và thời gian hạn hán cũng tăng 29% so với cùng kỳ. Hầu hết các ca tử vong liên quan đến hạn hán xảy ra ở Châu Phi.

Hệ sinh thái thủy sinh khỏe mạnh và việc quản lý nước được cải thiện có thể giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ chống lại các hiểm họa khí hậu. Các vùng đất ngập nước như rừng ngập mặn, cỏ biển và đầm lầy là những bể hấp thụ và lưu trữ carbon hiệu quả cao, giúp giảm phát thải khí nhà kính. Đây là những vùng đóng vai trò là vùng đệm chống lại các hiện tượng thời tiết cực đoan. Chúng cung cấp một lá chắn tự nhiên chống lại nguồn nước dâng do bão, hấp thụ nước và lượng mưa dư thừa. Thông qua các loài thực vật và vi sinh vật mà chúng cư trú, vùng đất ngập nước cũng cung cấp khả năng lưu trữ và lọc nước. Các hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt, hạn hán và các mối nguy hiểm khác liên quan đến nước mang lại lợi tức đầu tư hơn 10 lần và có thể giảm đáng kể rủi ro thiên tai, như cảnh báo 24 giờ về một cơn bão sắp tới có thể giảm 30% thiệt hại sau đó. Hệ thống cấp nước và vệ sinh có thể chịu được biến đổi khí hậu có thể cứu sống hơn 360.000 trẻ sơ sinh mỗi năm (báo cáo Kinh tế khí hậu mới). Nông nghiệp thông minh với khí hậu sử dụng tưới nhỏ giọt và các phương tiện khác sử dụng nước hiệu quả hơn có thể giúp giảm nhu cầu về nguồn cung cấp nước ngọt.

Theo thống kê sơ bộ trên toàn quốc, nguồn nước ở Việt Nam hiện đang được khai thác phục vụ cho các mục đích sử dụng khoảng 84 tỷ m3/năm, trong đó nước dưới đất khoảng 3,8 tỷ m3/năm (tương đương 10,5 triệu m3/ngày), nước mặt khai thác sử dụng khoảng 80,6 tỷ m3/năm (221 triệu m3/ngày). Việc khai thác, sử dụng tập trung chủ yếu vào 7 - 9 tháng mùa khô; trong đó trên 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm) và cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thủy sản và sinh hoạt. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu nước khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so với hiện nay, tình trạng thiếu nước diễn ra nghiêm trọng nếu không được kiểm soát.

 

Hiện nay, một số địa phương vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn. Theo dự báo, có 11/16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước, đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam như lưu vực sông Hồng - Thái Bình, lưu vực sông Cửu Long, lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Đông Nam Bộ. Trong những năm qua, quá trình thực thi Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được nhiều kết quả. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành gần 70 văn bản và địa phương đã ban hành gần 500 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam là nước có hiệu quả sử dụng nước thấp. Cụ thể các ngành như: Nông nghiệp là ngành sử dụng nước lớn nhất, tuy nhiên hiệu quả sử dụng nước cũng thấp nhất. Nhân Ngày nước thế giới năm 2023 với chủ đề "Thúc đẩy sự thay đổi”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tuyên truyền hưởng ứng thông điệp này qua các khẩu hiệu tuyên truyền nhằm tiết kiệm nước để bảo vệ hành tinh của chúng ta cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và sự tiến bộ xã hội.

Năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro (Brazil), Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 22-3 hằng năm là ngày Nước thế giới và ngày 22-3-1993 là ngày Nước thế giới đầu tiên. Từ đó đến nay ngày này được tổ chức hằng năm. Mỗi năm, Ngày Nước Thế giới có một chủ đề. Ngày nước thế giới ra đời với mục tiêu hướng người dân trên toàn thế giới đến việc tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước, khuyến khích người dân nâng cao nhận thức về giá trị của nước trong cuộc sống hàng ngày của con người cũng như bảo vệ môi trường sống quý giá của nhiều loài sinh vật cùng chung sống trên hành tinh Trái Đất. Vì vậy, Chính phủ các quốc gia và các bên liên quan từ mọi tầng lớp xã hội cần nhanh chóng hợp tác để đưa ra các cam kết tự nguyện nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện SDG 6 cũng như các mục tiêu và chỉ tiêu khác liên quan đến nước đã được quốc tế thống nhất. Những cam kết tự nguyện này sẽ hình thành Chương trình hành động vì nước, được thiết kế để mang lại sự thay đổi nhanh chóng, mang tính biến đổi trong phần còn lại của thập kỷ này.


An Đông (T/h)



Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Đi đầu trong việc triển khai áp dụng quy định mới tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Thành phố Hội An đang tiến hành thí điểm cách thức "tính tiền rác hằng tháng bằng thể tích, cân nặng thông qua túi ni-lông" thay cho phương án thu phí rác truyền thống.

Phụ nữ tại Hải Dương đang áp dụng một mô hình sáng tạo trong xử lý chất thải hữu cơ tại nhà, với việc sử dụng men vi sinh IMO (vi sinh vật bản địa). Đây có thể coi là phương pháp “lợi cả đôi đường”, nhiều ưu điểm, giá rẻ, dễ thực hiện. Song để có thể nhân rộng, cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Ngày 7/3, tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị" đã được tổ chức tại Hà Nội.