Lặng thầm làm sạch đường phố

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/5/2023 | 3:09:22 Chiều

Mỗi ngày cứ vào lúc 3 giờ sáng, người dân ở dọc đường Châu Thị Vĩnh Tế, Đỗ Bá (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) lại nghe những âm thanh thu gom rác quen thuộc từ anh Phan Đức Nguyên, công nhân đội 1, Xí nghiệp Môi trường Ngũ Hành Sơn.


tm-img-alt
Anh Phan Đức Nguyên (công nhân đội 1, Xí nghiệp Môi trường Ngũ Hành Sơn) luôn tận tâm với công việc.

Gắn bó với công việc làm sạch đường phố được 7 năm, anh Nguyên kể những ngày đầu vào làm việc, anh chỉ là công nhân tăng cường, làm thay ngày nghỉ cho các công nhân khác trong đội hoặc xí nghiệp. Khi quen với công việc, anh được phân công phụ trách đoạn đường chính tại ngã tư Châu Thị Vĩnh Tế - Đỗ Bá và các đoạn đường nhỏ xung quanh. Đây là khu vực tập trung nhiều cửa hàng, quán ăn phục vụ du khách, vì vậy, yêu cầu về việc giữ cảnh quan đường phố sạch đẹp là rất quan trọng.

Được biết, khối lượng rác anh thu gom trong 8 tiếng làm việc mỗi ngày khoảng 16 thùng rác 660 lít, tương đương một xe tải ép 10 khối rác. Khoảng 2 giờ 30 sáng khi mọi người chìm vào giấc ngủ sâu, thì anh Nguyên bắt đầu rời khỏi nhà, tới xí nghiệp để lái xe đi thu gom rác và cố gắng hoàn thành phần lớn công việc trước 8 giờ sáng. Anh Nguyên cho biết phải đẩy nhanh công việc để khi người dân, du khách rời khỏi nhà buổi sáng là thấy rác được dọn sạch sẽ, bên cạnh đó là tránh nắng mùa hè.

Từ 8 giờ sáng cho tới trưa, anh Nguyên lại đi một vòng thu gom rác buổi sáng. Bước vào cao điểm du lịch như hiện nay, khối lượng rác thu gom mỗi ngày của anh Nguyên tăng lên 18 hoặc 19 thùng 660 lít. Tuy phải đi sớm, về muộn nhưng nhìn thấy đường phố sạch, đẹp, không có rác thải ùn ứ là anh phấn khởi. Kết thúc công việc vào buổi trưa, anh nhanh chóng về phòng trọ để nấu ăn cho 3 đứa con nhỏ vì vợ anh bán rau, củ ở chợ từ sáng tới đầu giờ chiều mới về nhà. "Mấy năm gần đây con lớn rồi đỡ vất vả. Các con chia nhau làm việc nhà phụ cho ba mẹ ngoài giờ học, chứ trước đây hai vợ chồng tôi "xoay như chong chóng” để vừa bảo đảm công việc mà vẫn chăm sóc các con”, anh Nguyên cho hay.

Khối lượng công việc lớn nhưng anh Nguyên được người dân và đồng nghiệp đánh giá là công nhân chăm chỉ và có trách nhiệm. Bà Đặng Thị Hà (Tổ trưởng tổ 15, phường Mỹ An) cho hay, anh Nguyên phụ trách thu gom rác tại tổ 15 cũng như các tổ lân cận vào năm 2017 đến nay chưa có ai phàn nàn về thái độ làm việc của anh. Lúc nào anh Nguyên cũng làm hết việc chứ không hết giờ. Bà Hà kể, nhiều người dân thiếu ý thức vẫn bỏ chung các loại rác thải xây dựng (giá hạ, xà bần) vào rác thải sinh hoạt. Những công nhân trước đây đa phần đều bỏ qua không thu gom, còn anh Nguyên vì muốn dọn sạch rác nên hỗ trợ thu gom và phân loại.

 

"Tinh thần và trách nhiệm làm việc của Nguyên đều được người dân trong các tổ dân ghi nhận, khen ngợi. Cách đây 2 năm, nhiều hộ dân khi nghe tin Nguyên bị tai nạn phải nghỉ việc 2 tuần đã gửi quà để chia sẻ, động viên. Với chúng tôi, Nguyên không chỉ là một công nhân môi trường mà còn là một người bạn, là tấm gương luôn tận tâm với công việc”, bà Hà nói.

Anh Phạm Hùng Thái, Đội trưởng đội 1, Xí nghiệp Môi trường Ngũ Hành Sơn nhận xét, anh Nguyên là một trong những công nhân chăm chỉ nhất của đội. Anh hiếm khi nghỉ làm và khối lượng rác thu gom mỗi ngày cũng gần như nhiều nhất. Ở những khu vực được phân công phụ trách, anh Nguyên luôn hoàn thành tốt công việc được giao, không để xảy ra tình trạng rác ứ đọng. Là công nhân gắn bó nhiều năm với công tác vệ sinh môi trường, anh luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện đúng quy trình công tác, góp phần tạo môi trường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn nói riêng, thành phố nói chung./.



Theo Báo Đà Nẵng

  •  
Các tin khác

Đi đầu trong việc triển khai áp dụng quy định mới tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Thành phố Hội An đang tiến hành thí điểm cách thức "tính tiền rác hằng tháng bằng thể tích, cân nặng thông qua túi ni-lông" thay cho phương án thu phí rác truyền thống.

Phụ nữ tại Hải Dương đang áp dụng một mô hình sáng tạo trong xử lý chất thải hữu cơ tại nhà, với việc sử dụng men vi sinh IMO (vi sinh vật bản địa). Đây có thể coi là phương pháp “lợi cả đôi đường”, nhiều ưu điểm, giá rẻ, dễ thực hiện. Song để có thể nhân rộng, cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Ngày 7/3, tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị" đã được tổ chức tại Hà Nội.