Ô nhiễm môi trường tại các cơ sở tái chế nhựa, giặt bao bì

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/3/2021 | 11:25:45 Sáng

Thời gian qua người dân ở các thôn Thái Yên, Thái Phong, Thái Lâm (xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn) phản ánh các cơ sở tái chế nhựa, giặt bao bì trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được xử lý triệt để.

Ô nhiễm môi trường tại các cơ sở tái chế nhựa, giặt bao bì-1
Nước thải từ các cơ sở tái chế nhựa, giặt bao bì trên địa bàn xả ra môi trường
Ô nhiễm môi trường tại các cơ sở tái chế nhựa, giặt bao bì
Hiện nay trên địa bàn xã Thái Hòa có gần 20 cơ sở, chủ yếu hoạt động theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún, mang tính chất hộ gia đình. Đáng nói, vị trí các cơ sở này đều nằm xen kẽ trong khu dân cư, trang thiết bị sơ sài, thiếu thốn…
Theo ghi nhận, các cở sở hoạt động rất tấp nập, phần lớn các hộ gia đình đều thu gom, chế biến thủ công. Hệ thống nước thải chưa được xử lý triệt để được các chủ cơ sở thải trực tiếp ra môi trường, xuống dòng sông Nhơm chảy qua địa bàn.

Nhiều người dân tại đây cho biết nước thải sau khi giặt bao bì được chủ cơ sở thu gom về bể lắng lẫn với bột giấy có màu trắng đục, chứa nhiều bùn, chất rắn được thải trực tiếp ra môi trường.
Trong khi nguồn nước sử dụng lấy từ dòng sông Nhơm, nguyên liệu đầu vào được các cơ sở tận dụng là các phế phẩm từ vỏ bao xi măng, lưới nhựa, đồ gia dụng bằng nhựa thải… thu mua từ các đại lý trong và ngoài tỉnh về sơ chế, sản xuất.

Nguồn chất thải trong quá trình sản xuất tại các cơ sở này chủ yếu là nước thải, chất thải rắn, trong khi đó rác thải công nghiệp (nilon, dây buộc, sơ sợi bao bì…) thu gom, tập kết trong khuôn viên xưởng sản xuất, nhiều cơ sở còn ngang nhiên đổ ra ven bờ sông Nhơm, gây bồi lấp, ô nhiễm nguồn nước. Một số cơ sở cũng không trang bị đầy đủ các phương tiện phòng cháy chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao trong những đợt nắng nóng...

Hàng ngày khi cơ sở hoạt động đốt nguyên liệu đều thải ra không khí, môi trường xung quanh nhiều khói, nồng nặc mùi khét rất khó chịu. Do nằm trong khu dân cư, mỗi khi các cơ sở này hoạt động, cuộc sống người dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Hệ thống xử lý nước thải được trang bị, thiết kế sơ sài, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 - 40m3 khối nước thải được thải ra.
Ô nhiễm môi trường tại các cơ sở tái chế nhựa, giặt bao bì
Được biết, nghề tái chế nhựa, giặt bao bì tại xã Thái Hòa phát triển mạnh vào những năm 2015 - 2016, thời điểm đó có gần 40 hộ sản xuất.
Ô nhiễm môi trường tại các cơ sở tái chế nhựa, giặt bao bì
Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa Vũ Trọng An cho biết: "Đây là ngành nghề không tránh khỏi ô nhiễm môi trường, hiện các cơ sở cũng xây dựng các bể lọc, nhưng nhìn chung chưa đạt theo quy chuẩn. Năm 2019 cơ quan chức năng đã xử phạt gần 20 hộ, trong năm 2020 một số cơ sở đã dừng hoạt động do không đảm bảo môi trường”.
Theo ông An, xã đang tiến hành quy hoạch, tập trung các cơ sở về một mối, với diện tích khoảng 10 ha tại thôn Thái Yên, Thái Phong nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Trung Lê/Báo Thanh Hóa


  •  
Các tin khác

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.