Xử lý ô nhiễm không khí trong nhà: Không khó?

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/8/2021 | 5:19:05 Chiều

Giãn cách xã hội là thời điểm chất lượng không khí được cải thiện bởi hoạt động giao thông, sản xuất và xây dựng đều giảm mạnh. Tuy nhiên, bầu không khí trong nhà vẫn có thể bị ô nhiễm bởi nhiều nguồn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Ô nhiễm từ nhiều nguồn
Hà Nội đang giãn cách xã hội, gia đình chị Nguyễn Hương Giang ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai cũng như người dân trên địa bàn TP đều thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Chị cũng yêu cầu các thành viên trong gia đình giữ gìn vệ sinh và tuyệt đối không hút thuốc lá.
Dù chưa biết về khái niệm ô nhiễm không khí trong nhà nhưng chị Giang nhận thấy rõ sự tồn tại của bụi bẩn: "Tôi ở chung cư, nói chung rất kín và khá vệ sinh, thế nhưng, vẫn có những lớp bụi mịn màu vàng, bám vào thành tủ, chỉ vài ngày không lau là bụi lại dày đặc”.
Điều tương tự cũng xảy ra tại nơi làm việc của anh Hoàng Anh Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Anh chia sẻ thêm, thời gian trước khi TP chưa thực hiện giãn cách xã hội, dãy phố nơi anh làm việc có đến 5, 6 công trình xây dựng đang hoàn thiện cũng là lúc không khí luôn trong tình trạng bí bách, khó chịu. "Rất ngột ngạt, ở trong phòng đóng kín cửa thì bụi vẫn len lỏi vào được. Các thành viên trong công ty đều hít phải không khí bị ô nhiễm” - Anh Đức cho hay.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí trong nhà là ô nhiễm hóa học, sinh học và vật lý của không khí trong nhà. Nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ở các nước đang phát triển, nguồn ô nhiễm không khí trong nhà chính là khói sinh khối có chứa các chất dạng hạt lơ lửng (5PM), bụi mịn PM 2.5, nitơ đioxit (NO2), lưu huỳnh đioxit (SO2)…
Ngoài ra, nhiều người khi nghĩ đến ô nhiễm không khí là nghĩ ngay đến khói bụi và khí thải ô tô. Đây được gọi là ô nhiễm không khí ngoài trời, nhưng nguy hiểm hơn khi nó trở thành ô nhiễm không khí trong nhà.
Cùng với đó, ngoài tác nhân ô nhiễm từ bên ngoài xâm nhập vào, những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm trong nhà phải kể đến đó là: Nấu ăn bằng các nguyên liệu dầu hỏa, khí gas, nấu các món ăn chiên, nướng, hút thuốc lá, bụi bẩn từ hoạt động hút bụi, dọn vệ sinh nhà ở, hạt bụi từ nguyên liệu tạo nên các vật dụng trong nhà, nấm mốc,… Các hoạt động này đều đang thải ra những hạt bụi và khí thải độc hại, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 - loại hạt siêu nhỏ có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây nên tình trạng khó thở.
Thực tế cho thấy, do đã quen dần với môi trường trong nhà nên chúng ta rất khó cảm nhận được các khí độc hại này. Tuy nhiên theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 4,3 triệu người tử vong sớm do ô nhiễm không khí trong nhà gây ra. Thế nhưng, con người ít quan tâm đến mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe do ô nhiễm không khí trong nhà và thường cho rằng không khí trong nhà "trong lành hơn ngoài trời”, bởi không nhìn thấy cũng như không cảm nhận được.
o-nhiem-khong-khi-trong-nha-can-co-cac-cong-trinh-nghien-cuu-cu-the-1Trồng nhiều cây xanh để điều hòa không khí là một trong những giải pháp giúp cải thiện ô nhiễm không khí trong nhà. (Nguồn: Internet)
Khắc phục không khó
Bác sĩ CKII Nguyễn Ngọc Hồng - Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương cảnh báo nếu hít phải không khí ô nhiễm trong nhà cũng độc hại không kém không khí ngoài trời.
"Tùy tính chất của bụi gây nên những ô nhiễm khác nhau, càng độc hại càng dễ gây bệnh. Đặc biệt những người có hệ miễn dịch kém thì khi mắc bệnh sẽ diễn biến nặng hơn dẫn đến điều trị kéo dài hơn” - BS Nguyễn Ngọc Hồng lý giải.
Ngoài ra các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, môi trường ẩm ướt, không đủ khô thoáng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc… sinh sôi trong nhà gây dị ứng, hen suyễn, sốt virus. Thậm chí, những ngôi nhà có người lớn hút thuốc nguy cơ cao bị viêm phổi, viêm phế quản. Thêm vào đó, thói quen mở cửa sổ cũng khiến cho bụi xâm nhập vào trong nhà. Vì vậy, việc cải thiện chất lượng không khí trong nhà để tự bảo vệ sức khỏe của mình và người thân ngay từ những việc làm nhỏ trong nhà là điều vô cùng cần thiết.
Để khắc phục hoặc hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà, Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng Trần Thị Hương cho rằng không quá khó. Trước hết, ngoài việc giảm ô nhiễm không khí ngoài trời thì mỗi người trong gia đình phải tự nâng cao ý thức, thay đổi thói quen sinh hoạt thường nhật.
Trong đó, cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa như hút bụi, giặt rèm cửa... Hạn chế dùng thảm, tận dụng khí trời để lưu thông các chất ô nhiễm trong nhà. Không nên mở cửa sổ nếu quanh nhà có nguồn khí thải ô nhiễm. Không hút thuốc, không vận hành xe ô-tô hoặc động cơ chạy bằng nhiên liệu ở garage trong nhà. Nếu đun nấu bằng than, củi, dầu lửa, nhà bếp cần có ống khói. Với những đồ nội thất mới hoặc các căn phòng mới sửa chữa, sơn phết lại thường có mùi dung môi phát thải vào không khí, đây là các chất độc hại nên cần mở cửa phòng để bay bớt mùi dung môi và trồng thêm cây xanh để điều hòa không khí.
Theo thống kê về sự phơi nhiễm của con người đối với các chất ô nhiễm trong không khí của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), nồng độ các chất ô nhiễm trong nhà có thể cao gấp tám lần so nồng độ ngoài trời. Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, cấu trúc khép kín của ngôi nhà hoặc những tòa nhà làm dòng không khí trong lành bị hạn chế, chất lượng không khí kém đi, khiến mức độ ô nhiễm càng nghiêm trọng.

Hà Ánh
Nguồn Kinh tế & Đô thị
  •  
Các tin khác

Đi đầu trong việc triển khai áp dụng quy định mới tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Thành phố Hội An đang tiến hành thí điểm cách thức "tính tiền rác hằng tháng bằng thể tích, cân nặng thông qua túi ni-lông" thay cho phương án thu phí rác truyền thống.

Phụ nữ tại Hải Dương đang áp dụng một mô hình sáng tạo trong xử lý chất thải hữu cơ tại nhà, với việc sử dụng men vi sinh IMO (vi sinh vật bản địa). Đây có thể coi là phương pháp “lợi cả đôi đường”, nhiều ưu điểm, giá rẻ, dễ thực hiện. Song để có thể nhân rộng, cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Ngày 7/3, tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị" đã được tổ chức tại Hà Nội.