HueWACO: Sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất nước sạch

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/5/2016 | 11:49:46 Sáng

Sử dụng năng lượng xanh cho nhà máy nước sạch

Nhà máy nước Lộc Trì là một trong những công trình sử dụng nguồn năng lượng xanh trong sản xuất nước sạch của HueWACO. Tại đây, nước thô từ đập Khe Su (cách nhà máy khoảng 2 km, độ chênh cao trên 50m) theo đường ống dẫn tự động chảy vào bể trộn của nhà máy. Trước khi vào bể trộn, đường ống chia ra 2 đường: chảy trực tiếp vào bể trộn hoặc chảy vào bể trộn qua tuabin thủy điện công suất 4kW. Nguồn nước chảy qua tuabin sẽ tạo ra điện cung cấp đến hệ thống tủ điện. Tủ điện này có lắp đặt các mạch điều áp để điều chỉnh điện áp luôn ở mức ổn định cung cấp cho hoạt động sản xuất nước của nhà máy. Điện năng sản xuất trong quá trình này sẽ được sử dụng cung cấp điện cho các thiết bị sản xuất nước, các thiết bị súc lọc, cào bùn; thiết bị sản xuất hóa chất.

Anh Châu Ngọc Long, Trưởng phòng Kế hoạch- Kỹ thuật công ty cho biết: Thông thường hệ thống thủy điện cực nhỏ chỉ được đầu tư xây dựng ở những vùng núi hẻo lánh, nơi chưa có hệ thống điện lưới do chi phí xây dựng đập nước, đường ống dẫn nước rất tốn kém. Thuận lợi lớn nhất của nhà máy Lộc Trì là có sẵn hệ thống đập nước và đường ống dẫn nước thô từ đập khe Su về đến nhà máy phục vụ công tác sản xuất nước. Chúng tôi đã tận dụng hệ thống sẵn có này để lắp đặt tuabin thủy điện công suất 4kW tại vị trí bể trộn của nhà máy, nước thô có thể chảy trực tiếp vào bể trộn hoặc qua tuabin. Nguồn điện được tạo ra sẽ cung cấp cho toàn bộ hệ thống điện của nhà máy.

 Cũng theo anh Long, trong các chi phí sản xuất nước, chi phí điện năng chiếm một tỷ lệ khá lớn từ 5-7% giá thành nước. Vì vậy, sử dụng nguồn năng lượng xanh sẽ giúp tiết giảm chi phí, góp phần giảm giá thành nước. Chỉ tính riêng việc sử dụng nguồn năng lượng xanh tại 3 nhà máy nước Lộc Trì, Hương Phong, Chân Mây, Phú Bài, Dã Viên trong 10 năm, công ty đã tiết kiệm nguồn kinh phí trên 850 triệu đồng. Nguồn năng lượng xanh còn được tận dụng để sản xuất hóa chất phục vụ công tác sản xuất nước. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ năng lượng xanh trong sản xuất nước cũng góp phần giảm lượng khí thải ra môi trường. Như tại nhà máy Lộc Trì, mỗi năm giảm khoảng 13 tấn khí CO2, gián tiếp góp phần vào công tác bảo vệ môi trường.



Nước sạch có thể uống được tại vòi tại nhà máy nước Phong Thu


Đổi mới thiết bị

Với quy mô quản lý 32 nhà máy nước và trên 40 trạm tăng áp, hơn 3.000 km đường ống cấp nước, hàng năm, HueWACO tiêu thụ trên 10 triệu kWh điện và hơn 25.000 lít dầu. Cùng với sự phát triển của mạng lưới cấp nước và tỷ lệ người dân dùng nước, chi phí sử dụng lượng năng lượng tiêu thụ của HueWACO cũng tăng mạnh. Nhằm tiết giảm năng lượng tiêu thụ, HueWACO đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, giải pháp tiết kiệm năng lượng như: lắp đặt biến tần cho các máy bơm của nhà máy Vạn Niên; nhà máy Dã Viên, Tứ Hạ, Hòa Bình Chương, Lộc An, Phong Thu…; nâng cấp, phục hồi các máy bơm cũ.

Thời gian qua, Công ty tiến hành tiếp nhận các nhà máy nước mới từ chương trình nước sạch nông thôn, tuy nhiên, các nhà máy này đã xuống cấp, các thiết bị sản xuất nước cũ, hiệu suất giảm, tiêu tốn nhiều điện năng; cùng với đó, HueWACO đang triển khai xây dựng nhiều nhà máy mới để mở rộng phạm vi cấp nước toàn tỉnh nên nhu cầu đầu tư công nghệ mới nhằm tiết giảm năng lượng là việc làm rất cần thiết.

Ông Trương Công Hân, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Từ năm 2010, nhu cầu sử dụng nước sạch trên toàn tỉnh tăng mạnh, địa bàn cấp nước được mở rộng đáng kể về vùng nông thôn nên nhiều khu vực cuối mạng đường ống xảy ra tình trạng áp lực yếu. Do khu vực nông thôn có mật độ dân cư thưa thớt, địa bàn rộng nên chúng tôi đã phải xây dựng thêm nhiều trạm tăng áp và các nhà máy công suất vừa và nhỏ ở cuối nguồn nhằm tăng áp lực và lưu lượng cho những khu vực nước yếu. Điều này làm cho lượng năng lượng tiêu thụ của Công ty tăng mạnh. Đồng thời, từ năm 2010 đến năm 2015, giá điện sản xuất tăng 1,5 lần; trung bình tăng 8,5%/năm, các chi phí sản xuất khác cũng tăng ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất nước.

Đứng trước tình hình đó, Công ty đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ để có các giải pháp tiết giảm năng lượng, Trong đó, việc nghiên cứu áp dụng nguồn năng lượng xanh vào sản xuất như: thiết kế, xây dựng nhà máy sử dụng năng lượng xanh tại nhà máy xử lý nước Lộc Trì; Chân Mây, A lưới, Phú Bài, Hương Phong, Dã Viên và các trạm điều áp, bể trung chuyển Hương Phong, Phú Bài; lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời tại bể chứa nhà máy nước Phong Thu. Các sáng kiến này đã giúp tiết giảm lượng điện năng tiêu thụ của HueWACO, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Ông Hân, khẳng định: “Hiện nay, HueWACO đang tiếp tục triển khai nhân rộng giải pháp sử dụng năng lượng xanh trong nhà máy nước theo yêu cầu cho tất cả các tổ chức, địa phương có nhu cầu đặt hàng và chuyển giao công nghệ với giá cả hợp lý nhất”.

  •  
Các tin khác

(capthoatnuocvietnam.vn) - UBND tỉnh Hưng Yên vừa quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước đối với Công ty cổ phần Phương Đông, đóng trên địa bàn xã Tân Quang, huyện Văn Lâm do khai thác nước ngầm trái phép.

(capthoatnuocvietnam.vn) - Sáng ngày 10/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, tổ biên tập Nghị định Quy định về phương pháp tính, mức thu, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Tham dự cuộc họp có Ban soạn thảo, Tổ công tác xây dựng dự thảo Nghị định và đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Tư pháp, Bộ Công thương… và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dự án sân golf Yên Dũng - Bắc Giang

(capthoatnuocvietnam.vn) – Thời gần đây, nhiều hộ dân xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang phản đối việc thu hồi hồ chứa nước Bờ Tân thuộc thôn Bình An, xã Tiền Phong để thực hiện Dự án sân golf Yên Dũng.

Nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nguy cơ cạn kiệt do ảnh hưởng của thời tiết và biến đổi khí hậu.

(capthoatnuocvietnam.vn) - Đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt nguồn nước ngầm do khai thác tràn lan, ô nhiễm nguồn nước mặt do các hoạt động xả thải và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tỉnh Gia Lai đã chủ động tăng cường công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh, nhằm mục đích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên này.