Chất thải, nước mắt là nguyên liệu để xây nhà trên Hỏa tinh

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/9/2021 | 3:21:21 Chiều

Các nhà nghiên cứu gợi ý sự kết hợp giữa chất thải con người và bụi Hỏa tinh có thể là nền móng cho tương lai xây dựng ở hành tinh đỏ.

Tương lai của con người trên các hành tinh thuộc địa luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm của giới khoa học. Gần đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Manchester của Vương quốc Anh đã phát kiến ra giải pháp sản xuất vật liệu xây dựng trên Hỏa tinh.
Trước khi đi vào chi tiết, cần nhớ rằng việc sản xuất bê tông ở một hành tinh khác là rất tốn kém. Con người không thể nhét đầy tàu vũ trụ bằng các bao tải xi măng, sỏi, cát và nước rồi chuyển đến địa điểm tập kết. Thay vào đó, các nhà khoa học gợi ý sử dụng những nguyên liệu có sẵn.
So sánh với bê tông thông thường, các thành phần có khác biệt đôi chút, bao gồm bụi Hỏa tinh, chất thải nước (mồ hôi hoặc nước mắt) và máu của phi hành gia.
chat-thai-nuoc-mat-la-nguyen-lieu-de-xay-nha-tren-hoa-tinh-1
Các hợp chất được tạo ra từ máu phi hành gia và chất thải nước. Ảnh: Viện Công nghệ Sinh học Manchester.
Một công bố trên tờ Materials Today Bio cho hay các nhà thám hiểm không gian có khả năng tạo nên vật liệu gần giống và có độ bền như bê tông trong môi trường Hỏa tinh. Theo đó, tổng hợp sinh học có tên AstroCrete có thể được sinh ra nhờ kết hợp bụi Mặt Trăng hoặc bụi Hỏa tinh cùng một protein trong huyết tương người.
Đọc qua có vẻ kỳ lạ, nhưng ý tưởng sử dụng máu động vật làm chất kết dính cho vữa, hồ đã xuất hiện từ thời trung cổ. Ngoài ra, máu còn là nguồn tài nguyên có thể tái tạo. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng 6 phi hành gia có thể tạo ra khoảng 500 kg AstroCrete trong một sứ mệnh kéo dài 2 năm. Vật liệu này còn có khả năng được in 3D và có thể được tận dụng như một lớp vữa kết dính các nguyên liệu cát, sỏi.
"Các nhà khoa học đã cố gắng phát triển công nghệ khả thi để sản xuất vật liệu giống như bê tông ở trên Hỏa tinh, nhưng chúng tôi luôn tin câu trả lời có thể nằm trong chính chúng ta”, tác giả chính Aled Roberts phát biểu vào ngày 14/9.
chat-thai-nuoc-mat-la-nguyen-lieu-de-xay-nha-tren-hoa-tinh-2
Hợp chất sinh học được in 3D này có thể là vật liệu xây dựng trong tương lai trên hành tinh đỏ. Ảnh: Viện Công nghệ Sinh học Manchester.
Không những máu, một số chất thải nước như nước tiểu, mồ hôi, nước mắt cũng được cho là thành phần giúp hợp chất AstroCrete trở nên cứng hơn bê tông thông thường. Trước đây, một nhóm nghiên cứu khác đã trộn các chất thải này với một thành phần thay thế lớp đất trên bề mặt Mặt Trăng cho mục đích tạo nên bê tông tương tự.
AstroCrete có thể không phải là nền tảng cho môi trường sống rộng lớn, phủ đầy lớp kính trong suốt mà khán giả từng thấy trên phim ảnh. Nhưng đây có thể là đáp án thực tế với chi phí phải chăng cho câu hỏi vật liệu xây dựng ở Hỏa tinh mà con người đang tìm kiếm.

Nguồn Zingnews
  •  
Các tin khác

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase tại Hội nghị Thượng đỉnh Quản lý chất thải và chất thải thành năng lượng châu Á lần thứ 8 năm 2024.

Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã hợp tác với Công ty TNHH Công nghệ Vietdream nghiên cứu phát triển công nghệ CDI ứng dụng trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, từ đó cho ra đời các thế hệ lõi lọc với nhiều ưu điểm nổi trội.

Sự chia sẻ của các đại biểu tại Hội thảo “Từ trang trại đến bàn ăn: Thanh long xanh và bền vững ở Bình Thuận” đã minh chứng cho việc Việt Nam đã, đang và sẽ có thể vận dụng nhiều cách tiếp cận sáng tạo để phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội thảo do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 29/01/2024.

Chi phí thấp cùng độ bền khiến gốm làm mát trở thành ứng viên sáng giá để thương mại hóa cho nhiều ứng dụng, chủ yếu ở ngành xây dựng, trong tương lai gần, khi tình trạng nóng lên toàn cầu ngày một trầm trọng.