Tín hiệu tích cực từ dự án làm sạch kênh tại Đông Triều

  • Cập nhật: Thứ bảy, 8/8/2020 | 10:06:16 Sáng

Cuối tháng 6/2020, Công ty CP Tập đoàn công nghệ Việt Nhật đã triển khai thí điểm Dự án tài trợ miễn phí xử lý mùi, phân hủy váng hữu cơ bằng công nghệ sục khí Nano-Bioreactor Nhật Bản tại kênh Cầu Thuốc (phường Đức Chính, TX Đông Triều). Sau hơn 1 tháng thí điểm, bước đầu dự án đã mang lại hiệu quả tích cực, nước kênh bớt mùi hôi và trong hơn. Được biết, đây là dự án triển khai thí điểm đầu tiên tại Quảng Ninh.


Công nghệ sục khí Nano-Bioreactor Nhật Bản lắp đặt thử tại khu vực thượng lưu kênh Cầu Thuốc.
Kênh Cầu Thuốc có chức năng chính là tiêu thoát nước cho phường Đức Chính. Kênh dài hơn 2km, tiêu thoát nước ra Sông Cầm. Nhiều năm trước đây, kênh Cầu Thuốc từng là "điểm nóng” về ô nhiễm nguồn nước, đáy kênh bị bồi lắng bởi rác thải, bùn đất. Nguyên nhân chủ yếu do hàng ngày nước thải sinh hoạt của các hộ dân sinh sống dọc tuyến kênh xả trực tiếp xuống kênh, lâu ngày tích tụ gây ô nhiễm. Điều đáng nói, vào những ngày hè nắng nóng, nước bẩn dưới kênh bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xung quanh.
Trước thực trạng đó, cuối tháng 6/2020, Công ty CP Tập đoàn công nghệ Việt Nhật đã chính thức khởi động Dự án tài trợ miễn phí xử lý mùi, phân hủy váng hữu cơ bằng công nghệ sục khí Nano-Bioreactor Nhật Bản tại kênh Cầu Thuốc. Công ty đã khảo sát thực tế sau đó đặt máy sục khí Nano-Bioreactor tại 3 vị trí trên kênh Cầu Thuốc, gồm: Thượng lưu cống đầu đình, hạ lưu cống đầu đình và nhánh phụ phía cổng UBND phường Đức Chính. Công suất xử lý 3 máy sục khí Nano-Bioreactor đạt 2.691m3/ngày đêm.
Mục tiêu chính của dự án này nhằm giải quyết được vấn đề ô nhiễm nhiều năm nay tại kênh Cầu Thuốc. Chỉ sau hơn 1 tháng triển khai thí điểm dự án này, tình trạng ô nhiễm môi trường kênh Cầu Thuốc đã được khắc phục cơ bản. Nhiều hộ dân sống gần kênh đều cảm nhận hiệu quả công nghệ xử lý mùi, phân hủy váng hữu cơ bằng công nghệ sục khí Nano-Bioreactor Nhật Bản đã cải thiện môi trường đáng kể cho kênh Cầu Thuốc.
Bà Đào Thị Phượng (khu 4, phường Đức Chính) sinh sống ngay cạnh kênh Cầu Thuốc chia sẻ: Lúc đầu triển khai dự án này chúng tôi cũng hoài nghi về tính khả thi. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 1 tuần khi các thiết bị máy sục hoạt động, thấy nước dưới kênh chuyển dần từ màu đen sang màu bình thường. Đặc biệt, mùi hôi bốc ra từ dòng kênh đã giảm bớt đi rất nhiều. Chúng tôi thấy khá bất ngờ và vui mừng vì dự án đã góp phần giảm tình trạng ô nhiễm tại kênh Cầu Thuốc, qua đó bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đồng thời thông qua dự án còn tuyên truyền giúp các hộ dân nâng cao ý thức, chung tay bảo vệ môi trường.
Qua tìm hiểu được biết, công nghệ sục khí Nano-Bioreactor Nhật Bản hoạt động dựa trên nguyên lý máy tạo ra bọt khí Nano kích thước siêu nhỏ (đường kính <50nm), tồn tại tối thiểu 8 tiếng trong tầng bùn đáy và phân hủy các khí độc như H2S, NH3, CH4 tức thì, do vậy hiệu quả xứ lý mùi rất nhanh (chỉ trong một vài ngày và càng sục càng bớt mùi hôi thối). Các ion điện phân tập trung mạnh xung quanh các bọt khí Nano, phân hủy thành tế bào vi khuẩn bùn bởi quá trình oxy hóa thành CO2 và nước (H2O) làm giảm lượng bùn dưới tầng đáy.

Dự án tài trợ miễn phí xử lý mùi, phân hủy váng hữu cơ bằng công nghệ sục khí Nano-Bioreactor Nhật Bản triển khai thí điểm tại 3 vị trí kênh Cầu Thuốc (TX Đông Triều).
Theo thông tin Công ty CP Tập đoàn công nghệ Việt Nhật, công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản có 4 ưu điểm vượt trội. Cụ thể, công nghệ này tạo ra oxy từ nước, vật liệu thiên nhiên… giúp kích hoạt các vi sinh vật, cuối cùng là các vi sinh vật này tạo ra enzim điện ly lực phân tử nước, giải phóng oxy vô tận trong nước. Công nghệ Nano-Bioreactor phun trực tiếp bọt khí Nano giúp nồng độ oxy hòa tan cao, cá sẽ không bị chết hàng loạt.
Ngoài ra, công nghệ này không bị tái ô nhiễm bởi vật liệu thiên nhiên được làm từ đá núi lửa, không tan trong nước và tồn tại mãi ở khu vực xử lý; tiết kiệm chi phí hơn so với các công nghệ xử lý nước thải khác.
Hiện nay, Công ty CP Tập đoàn công nghệ Việt Nhật đang cập nhật phân tích số liệu để đánh giá hiệu quả chi tiết các tiêu chí thực hiện Dự án tài trợ miễn phí xử lý mùi, phân hủy váng hữu cơ bằng công nghệ sục khí Nano-Bioreactor Nhật Bản tại kênh Cầu Thuốc. Dự kiến giữa tháng 8/2020, Công ty sẽ tổ chức đánh giá tổng kết dự án trước khi triển khai nhân rộng công nghệ này.
Phạm Tăng/Báo Quảng Ninh


  •  
Các tin khác

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase tại Hội nghị Thượng đỉnh Quản lý chất thải và chất thải thành năng lượng châu Á lần thứ 8 năm 2024.

Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã hợp tác với Công ty TNHH Công nghệ Vietdream nghiên cứu phát triển công nghệ CDI ứng dụng trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, từ đó cho ra đời các thế hệ lõi lọc với nhiều ưu điểm nổi trội.

Sự chia sẻ của các đại biểu tại Hội thảo “Từ trang trại đến bàn ăn: Thanh long xanh và bền vững ở Bình Thuận” đã minh chứng cho việc Việt Nam đã, đang và sẽ có thể vận dụng nhiều cách tiếp cận sáng tạo để phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội thảo do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 29/01/2024.

Chi phí thấp cùng độ bền khiến gốm làm mát trở thành ứng viên sáng giá để thương mại hóa cho nhiều ứng dụng, chủ yếu ở ngành xây dựng, trong tương lai gần, khi tình trạng nóng lên toàn cầu ngày một trầm trọng.