Lũ kỷ lục, đập Tam Hiệp mở 7 cửa xả nước suốt ngày đêm

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/7/2020 | 3:11:24 Chiều

Trận lũ thứ 2 trong năm trên sông Dương Tử khiến mực nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp tăng lên mức 164,18 m.

Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi con đập lớn thế giới được xây dựng. Mực nước cao nhất trước đó được ghi nhận là 163,11 m.

Vào 20h tối 19/7, lượng nước đổ về hồ chứa Tam Hiệp đạt mức 46.000 m³/ giây, giảm đi đáng kể so với mức 61.000 m³/s ghi nhận 12 giờ trước đó. Tuy nhiên, đập Tam Hiệp đã phải mở 7 cửa xả nước nhằm giảm nhẹ tác động của lũ lụt.

Tập đoàn Tam Hiệp, đơn vị vận hành đập cho biết, tính tới 14h ngày 19/7, công trình trên đã trữ được 14 tỷ mét khối nước trong mùa lũ chính diễn ra vào năm nay.

Theo Thời báo Hoàn cầu, thủy điện Tam Hiệp đã và đang vận hành hết công suất với năng lực phát điện 22,5 triệu KW.


Đập Tam Hiệp xả nước. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Hồ chứa đập Tam Hiệp từng ghi nhận dòng chảy vào cực đại 50.000 mét khối mỗi giây lúc 10h sáng 17/7 và 55.000 mét khối mỗi giây lúc 20h cùng ngày. Lúc 14h chiều 2/7, dòng chảy cực đại vào hồ chứa đập Tam Hiệp trong đỉnh lũ đầu tiên năm 2020 của sông Dương Tử (hay Trường Giang) ghi nhận được là 53.000 mét khối mỗi giây.

Dự án Tam Hiệp là hệ thống kiểm soát thủy lợi đa chức năng, gồm một đập cao 185m và dài 2.309m chắn ngang sông Dương Tử ở Hồ Bắc. Khởi công từ 1994 và vận hành toàn phần từ 7/2012, đến nay công trình vẫn là đập thủy điện lớn nhất thế giới với 34 tổ máy phát điện.

Bản tin khác của Tân Hoa Xã cập nhật mới nhất về lũ lụt Trung Quốc cho biết, khoảng 23,86 triệu cư dân ở 24 khu vực cấp tỉnh trên khắp Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt kể từ đầu tháng 7 năm nay.

Thông tin do Bộ Quản lý Khẩn cấp (MEM) Trung Quốc công bố ngày 19/7 trong đó cho biết, lũ lụt ở các tỉnh Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc và Hồ Nam khiến 31 người chết hoặc mất tích, buộc 2,04 triệu người phải sơ tán.

Bởi mưa lũ nặng nề, khoảng 151.000 ngôi nhà bị hư hại và tổn thất kinh tế trực tiếp lên tới 64,39 tỉ nhân dân tệ (khoảng 9,19 tỉ USD).

Theo MEM, số người chết hoặc mất tích do lũ lụt thấp hơn 82% so với mức trung bình trong cùng kỳ 5 năm qua, trong khi thiệt hại kinh tế trực tiếp giảm 5,9%.

Phần lớn miền nam Trung Quốc liên tục chịu tác động mạnh từ những trận mưa lớn kể từ tháng 6 và nước nhiều con sông ở những khu vực này đã vượt quá mức báo động.

P.V (tổng hợp)

 

  •  
Các tin khác

Mặc dù mùa đông vừa qua chứng kiến sự tăng nhanh của băng biển ở Bắc Cực, nhưng vẫn không đạt được mức trung bình và băng vẫn mỏng hơn so với những năm trước.

Càng ngày, việc duy trì nhiệt độ cao nhất trong những ngày nóng cũng trở nên phổ biến hơn, nhiều ngày hơn so với trước đây.

Vừa qua, trang Live Science đã chia sẻ một thông tin đầy kinh ngạc về những sự kiện động đất ở vùng ngoài khơi Canada, thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học môi trường. Đây không chỉ là một hiện tượng thông thường, mà còn là dấu hiệu của một quá trình đặc biệt: hình thành một lớp vỏ đại dương mới.

Theo các chuyên gia từ Đại học Washington, đường nứt đang mở rộng với tốc độ chưa từng thấy trước đây, tạo thành một kỷ lục mới về chiều dài và tốc độ.