Hạ Long hướng tới mục tiêu hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/11/2021 | 2:43:45 Chiều

Hạ Long có thể đánh giá những tiềm năng và động lực phát triển, các ngành kinh tế mũi nhọn và sức hấp dẫn của thành phố để xác định các động lực phát triển đô thị cấp vùng, cấp quốc gia và vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 19/11/2021, tại Quyết định số 1959/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 mục tiêu trọng tâm là hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I.
tm-img-alt
Thành phố Hạ Long. Ảnh: ITN

Theo Quyết định, phạm vi khu vực lập quy hoạch là toàn bộ đơn vị hành chính thành phố Hạ Long theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm 21 phường với tổng diện tích tự nhiên khoảng 112.132 ha. Dân số thường trú năm 2020 khoảng 327.400 người. Thời gian quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030 và dài hạn đến năm 2040.

Trong đó, Quy hoạch có 4 mục tiêu chính. Một là xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện; là trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ, gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững di sản vịnh Hạ Long; khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Hai là phát triển thành phố Hạ Long theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao vai trò, vị thế của thành phố Hạ Long, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh.

 

Ba là khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đô thị Hạ Long; khai thác tốt hệ thống hạ tầng giao thông để mở rộng không gian phát triển du lịch; phát triển mạnh các loại hỉnh vận tải công cộng, dịch vụ cảng biển, logistics; phát triển công nghiệp xanh, sạch, thông minh, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bảo vệ phát triển rừng và cảnh quan thiên nhiên.

Bốn là hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, đồng bộ; phát huy vai trò là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng kết nối trong nước và quốc tế.

Để thực hiện các mục tiêu trên, thành phố Hạ Long cần phát triển dân số đến năm 2030 đạt khoảng 620.000 – 650.000 người và khoảng 800.000 – 830.000 người vào năm 2040.

 

Về tính chất, thành phố Hạ Long sẽ là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, y tế và giáo dục của tỉnh Quảng Ninh; trung tâm dịch vụ, du lịch quốc gia, có tầm quốc tế; thành phố cấp vùng để tạo tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; thành phố phát triển theo mô hình đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững thích ứng với biến đối khí hậu.

Theo Quyết định, Quy hoạch chung thành phố Hạ Long cần phân tích vai trò, vị thế thành phố Hạ Long trong mối quan hệ với vùng tỉnh Quảng Ninh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ, vùng duyên hải Bắc Bộ, kết nối vùng quốc tế. Từ đó, Hạ Long có thể đánh giá những tiềm năng và động lực phát triển, các ngành kinh tế mũi nhọn và sức hấp dẫn của thành phố để xác định các động lực phát triển đô thị cấp vùng, cấp quốc gia và vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng phải đánh giá đầy đủ hiện trạng của những yếu tố có ảnh hưởng đến định hướng phát triển thành phố Hạ Long, bao gồm: Các đặc điểm tự nhiên về địa hình, khí hậu, thủy văn, địa chất, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch; tình hình phát triển kinh tế - xã hội; dân cư, lao động, việc làm; hiện trạng sử dụng đất và không gian cảnh quan; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường…

 

Ngoài ra, Quy hoạch còn phải có nội dung về mô hình phát triển, định hướng không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị của thành phố Hạ Long trong giai đoạn quy hoạch đến năm 2040; quy hoạch sử dụng đất theo các giai đoạn, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và môi trường; đánh giá môi trường chiến lược; xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư đảm bảo phù hợp với nguồn lực dự báo.

Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hạ Long tổ chức lập quy hoạch, giao UND tỉnh Quảng Ninh trình duyệt và giao Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng sau khi nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.

Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam (T/h)

  •  
Các tin khác

Công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp xanh, bảo đảm quá trình thực hiện có thể tối ưu hóa hiệu quả lợi ích từ cấp địa phương đến toàn bộ nền kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững.

Để du lịch phát triển và bền vững trong tương lai thì xu hướng chuyển đổi Xanh được cho là giải pháp hữu hiệu và cấp thiết trong thời gian tới. Đây cũng là xu thế tất yếu của du lịch thế giới.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tự nhiên và hữu cơ đang ngày càng tăng, sáng ngày 30/3, UBND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị nhằm kết nối và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành - một sản phẩm quý hiếm có nguồn gốc bản địa.

Khoảng 95% nông dân trồng lúa và cây ăn quả ở Việt Nam đều lạm dụng thuốc trừ sâu. Điều này làm nảy sinh nhiều lo ngại về an toàn thực phẩm và tác động tiêu cực đến môi trường.