Bộ Công Thương chủ động, tích cực phối hợp trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

  • Cập nhật: Thứ bảy, 27/11/2021 | 10:01:23 Sáng

Nhờ thực hiện tốt việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, chủ động ứng phó nên hậu quả của thiên tai đã được giảm nhẹ rất nhiều. Trong thành quả đó cũng có sự đóng góp tích cực, chủ động của Bộ Công Thương.

Thiệt hại 2.100 tỷ đồng do thiên tai, bão lũ

Chiều 26/11, tại TP. Đà Nẵng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị công tác phòng chống thiên tai năm 2021 tại các tỉnh miền Trung.

Bộ Công Thương chủ động, tích cực phối hợp trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Thiên tai, bão lũ gây thiệt hại cho các tỉnh miền Trung 2.100 đồng (Ảnh: Ngập lụt tại Hội An (Quảng Nam) hồi cuối tháng 10/2021)

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, năm 2020, tại khu vực miền Trung, mưa lũ lịch sử, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng xảy ra tại khu vực miền Trung, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, làm 249 người chết, mất tích; 1.531 nhà sập, 239.341 nhà bị hư hại, tốc mái, 473.449 lượt nhà bị ngập; nhiều công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, dân sinh bị hư hỏng, sạt lở. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 36.000 tỷ đồng

Năm 2021, các tỉnh miền Trung đã chịu ảnh hưởng của 5 cơn bão. Trong đó, từ giữa tháng 9/2021 đến nay liên tiếp 04 cơn bão (số 5, 6, 7, 8) và 05 đợt mưa lớn với tổng lượng phổ biến từ 800-1.500mm, một số nơi mưa lớn hơn trên 2.000mm. Dù không khóc liệt như năm 2020 nhưng hoàn lưu các cơn bão đã gây ra các đợt mưa lũ lớn gây thiệt hại không nhỏ. Thiên tai đã làm 38 người chết, mất tích; 39 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 970 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 85.806ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; nhiều tuyến giao thông bị tắc nghẽn do ngập lụt, sạt lở. Ước thiệt hại trên 2.100 tỷ đồng.

 

Bão, mưa, lũ đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản và làm ảnh hưởng đến công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai, nhất là trong bối cảnh dịch Covid - 19 kéo dài, diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ năm 2020 tại một số địa phương còn chậm tiến độ, nhiều hạng mục công trình hạ tầng chưa hoàn thành.

Việc ứng phó với thiên tai vừa qua bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Thông tin cảnh báo thiên tai bão, lũ lớn chưa được thông tin một cách chi tiết đến tận người dân; lực lượng PCTT&TKCN còn thiếu chuyên nghiệp; thiếu trang thiết bị chuyên dùng, chưa đáp ứng yêu cầu trong nhiều tình huống: cứu hộ trên biển, sạt lở đất vùng núi; chưa dự báo được chính xác mưa cực đoan cường độ lớn trong thời gian ngắn; chưa dự báo sớm được lũ đặc biệt lớn, lũ lịch sử. Chưa có bản đồ phân vùng, cảnh báo sạt lở đất với tỷ lệ lớn; nguồn lực cho khắc phục hậu quả còn rất hạn chế; công tác khắc phục hậu quả hầu như chỉ tập trung một phần vào hỗ trợ khẩn cấp chưa bố trí nguồn lực và tập trung cho hỗ trợ trung hạn, dài hạn...

Bộ Công Thương chủ động, tích cực phối hợp trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban BCĐ QG về PCTT cho biết nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên thiệt hại do thiên tai đã được giảm thiểu

Cần làm tốt công tác dự báo, phát huy vai trò đội xung kích địa phương

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - ông Trần Phước Hiền, công tác dự báo có vai trò vô cùng quan trọng trong ứng phó với thiên tai. Nếu như làm chính xác công tác dự báo, thu hẹp được phạm vi dự báo thì công tác ứng phó chủ đạo từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở rất là thuận lợi và chủ động hơn.

"Hiện Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương quan tâm đến công tác ứng phó trước khi bão lũ xảy ra, điều mà địa phương cần là kinh phí để hỗ trợ cho người dân để họ gia cố lại nhà cửa, công trình trường học, trạm y tế công cộng. Nếu ưu tiên phó trước khi bão lũ đến thì sẽ tiết kiệm được nhiều thiệt hại hơn khi bão lũ xảy ra", ông Hiền nói.

Là địa phương thường xuyên chịu tác động nề của thiên tai, bão lũ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Hồ Quang Bửu cho biết, trong năm 2020, thiên tai, bão lũ đã gây thiệt hại cho tỉnh hơn 11.000 tỷ đồng. Từ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, ông Bửu cho rằng mỗi địa phương phải thực hiện tốt 4 tại chỗ, nhất là ứng cứu người bị thương. Cũng theo ông Bửu, để làm tốt được công tác 4 tại chỗ cần phát huy tốt hơn vai trò đội xung kích địa phương trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và để người dân sống thích ứng được với thiên tai, trung ương nên nghiên cứu khung phòng chống thiên tai thích ứng cho cả ba miền, làm sao để người dân sống an toàn trong biến đổi của khí hậu hiện nay.

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết tình hình thiên tai, bão lũ những năm gần đây diễn ra rất phức tạp, khốc liệt, nhiều địa phương liên tiếp phải gánh những trận bão, lượng mưa lớn. Tuy nhiên, nhờ tích cực nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như sự vào cuộc của chính quyền địa phương đã kịp thời sơ tán người dân để ứng phó, khắc phục nên thiệt hại được giảm rất nhiều. Ông Hoài cũng cho rằng công tác dự báo là rất khó khăn, tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Bộ Công Thương chủ động, tích cực phối hợp trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Các hồ thủy điện trong những năm gần đây đã thực hiện tốt công tác cắt giảm lũ cho hạ du

Bộ Công Thương chủ động, tích cực phối hợp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Thông tin tại Hội nghị, ông Đinh Huy Phong – Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2021, Bộ Công Thương đã tích cực cùng BCĐ Quốc gia phòng chống thiên tai trong một loạt các hoạt động phòng chống thiên tai; tham gia chỉ đạo điều hành đối với các tập đoàn như tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may để ổn định thị trường.

Trong công tác phòng chống thiên tai, Bộ Công Thương chú trọng việc chỉ đạo các công trình, đặc biệt là các thủy điện cắt giảm lũ cho hạ du. Đặc biệt, các hồ chứa có dung tích phòng lũ thì trong năm 2020, 2021 đã thực hiện rất hiệu quả cắt giảm lũ cho hạ du.

Bộ Công Thương đã cử đoàn công tác gia cùng BCĐ Quốc gia, Ban chỉ huy tiền phương để thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt là trong năm qua có những sự cố như sự cố Rào Trăng 3, sự cố tại Quảng Nam… Cùng với đó, Lãnh đạo Bộ chỉ đạo các hồ đập, các chủ đầu tư, EVN tích cực trong công tác tìm kiếm cứu nạn.

"Trong năm tới Bộ Công Thương sẽ thực hiện một loạt các giải pháp phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai cho các chủ hồ đập. Tăng cường công tác kiểm tra đối với các công trình công nghiệp như hầm mỏ, các công trình về lưới điện để phòng tránh rủi ro khi có thiên tai xảy đến”, ông Phong nói.

Ông Vũ Xuân Thành – Phó Chánh Văn phòng thường trực BCĐ Quốc gia về phòng chống thiên tai đánh giá Bộ Công Thương đã có sự phối hợp chặt chẽ với các thành viên của BCĐ quốc gia, đặc biệt là ban chỉ đạo và văn phòng thường trực các tỉnh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, duy trì cung ứng hàng hóa ổn định phục vụ đời sống nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội trước trong sau thiên tai. Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương và các địa phương tiếp tục triển khai, rà soát các công trình đang thi công trong mùa mưa lũ cũng như đảm bảo an toàn hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản.

Nguồn Công Thương

  •  
Các tin khác

Công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp xanh, bảo đảm quá trình thực hiện có thể tối ưu hóa hiệu quả lợi ích từ cấp địa phương đến toàn bộ nền kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững.

Để du lịch phát triển và bền vững trong tương lai thì xu hướng chuyển đổi Xanh được cho là giải pháp hữu hiệu và cấp thiết trong thời gian tới. Đây cũng là xu thế tất yếu của du lịch thế giới.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tự nhiên và hữu cơ đang ngày càng tăng, sáng ngày 30/3, UBND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị nhằm kết nối và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành - một sản phẩm quý hiếm có nguồn gốc bản địa.

Khoảng 95% nông dân trồng lúa và cây ăn quả ở Việt Nam đều lạm dụng thuốc trừ sâu. Điều này làm nảy sinh nhiều lo ngại về an toàn thực phẩm và tác động tiêu cực đến môi trường.