Công nhân môi trường và áp lực “cơm áo gạo tiền”

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/1/2022 | 10:39:19 Sáng

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những bất cập trong cách áp dụng cấp bậc, tiền lương của công nhân, giá nhiên liệu… đã khiến cuộc sống của nhiều công nhân VSMT trên địa bàn TP Hà Nội bị đảo lộn nghiêm trọng.

tm-img-alt
Nước mắt "phu rác”

Công việc tăng, thu nhập giảm, nhiều công nhân đã phải ngậm ngùi từ bỏ công việc đã gắn bó với mình hàng chục năm đi tìm công việc để lo cho gia đình.

Công việc tăng, thu nhập giảm

Trong nhiều năm qua, bất chấp ngày hay đêm, nắng hay mưa và những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19… những công nhân VSMT vẫn kiên cường bám đường, bám phố dọn dẹp đủ các loại rác thải để đảm bảo mỹ quan đô thị, cuộc sống của Nhân dân… Mặc dù liên tục phải làm việc trong môi trường đầy khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ họ - những "phu rác”, công nhân VSMT cảm thấy muốn từ bỏ công việc này. Song, từ năm 2021, đặc biệt là những ngày năm hết, Tết đến nỗi lo "cơm áo, gạo tiền” lại đè nặng, thử thách lòng nhiệt huyết của họ.

tm-img-alt
Xe chở rác nối đuôi nhau chờ đổ rác tại bãi Nam Sơn. 

Dịch Covid-19 bùng phát trùng với thời điểm 2 bãi rác lớn của Thủ đô là Nam Sơn và Xuân Sơn liên tục đứng trước nguy cơ "vỡ trận”, khiến những vất vả của công nhân VSMT tăng lên gấp bội. Nói như vậy là bởi, nếu như trước đây, một ngày làm việc của các công nhân VSMT thường kết thúc trước 1, 2 giờ sáng – thời điểm hoàn thành việc vận chuyển rác lên bãi thì nay nó đã kéo dài đến tận 4, 5 giờ sáng. Vất vả, áp lực công việc tăng, song thu nhập của những người phu rác không những không được tăng lên mà còn giảm đi đáng kể.

 

Giá nguyên liệu chưa sát với thực tế

Theo tính toán tại quyết định số 453/2021/QĐ-UBND ngày 21/2/2021 về việc ban hành đơn giá linh vực VSMT, giá xăng là 16.802,55 đồng/lít, giá dầu Diesel là 13.890,02 đồng/lít. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (11/1), giá xăng RON 92 đã gần chạm ngưỡng 22.550 đồng/lít, giá dầu Diesel gần chạm ngưỡng 17.579 đồng/lít.

Chị Phạm Thị Xim – Tổ phó Môi trường phường Phúc Xá, Chi nhánh Ba Đình, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) chia sẻ, đầu năm 2021, thu nhập trung bình của các công nhân trong tổ dao động trong khoảng 6, 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 10/2021 đến nay, thu nhập của chúng tôi đã giảm hơn so với trước. Cũng theo chị Xim, trước đây, khi dịch chưa bùng phát, thông thường công việc kết thúc sớm, công nhân có thể tranh thủ khoảng trống giữa các ca để kiếm việc làm thêm, chăm lo cho cuộc sống gia đình. Song, từ khi dịch bệnh bùng phát, bãi rác liên tục tắc do quá tải… thời gian nghỉ ngơi còn là thứ xa xỉ, nói gì đến việc đi làm thêm kiếm thêm thu nhập.

 

Đồng quan điểm trên, anh Nguyễn Quang Tước – nguyên lái xe chở rác của Chi nhánh Đống Đa, Công ty Urenco – người vừa chia tay với ngành VSMT sau hơn 10 năm gắn bó chia sẻ, dù rất yêu nghề, rất luyến tiếc… nhưng là trụ cột trong gia đình, áp lực "cơm áo, gạo tiền” nên buộc phải đứt mối lương duyên. Anh Tước cho biết, đầu năm 2021 thu nhập bình quân của anh dao động khoảng 14, 15 triệu đồng/tháng (vừa lái xe, vừa làm phụ xe), song đến cuối năm nay, dù vẫn đảm nhiệm cả 2 vai nhưng thu nhập đã giảm xuống dưới 10 triệu đồng/tháng. "Mặc dù là khó khăn chung, nhưng với mức thu nhập này tôi khó có thể đảm bảo cuộc sống của gia đình. Do đó, dù rất luyến tiếc, nhưng bắt đầu từ tháng 1/2022, tôi buộc phải đi tìm công việc mới” – anh Nguyễn Quang Tước chia sẻ.

Được biết, không chỉ anh Tước, trong năm 2021, nhiều công nhân VSMT cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc do áp lực công việc lớn, nhưng thu nhập lại giảm, không đảm bảo cuộc sống gia đình và bản thân. Cụ thể, theo thống kê của Công ty Urenco trong năm 2021, tại các chi nhánh của đơn vị đã có khoảng 254 công nhân xin nghỉ việc.

Cần có sự điều chỉnh

 

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Cường – Phó Tổng Giám đốc Công ty Urenco chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thu nhập của công nhân VSMT bị giảm. Những bất cập này, công ty đã nắm được và đã có văn bản gửi các đơn vị chức năng, UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết để đảm bảo cuộc sống của công nhân VSMT.

tm-img-alt
Công nhân vệ sinh môi trường đốt lửa sưởi ấm khi chờ cẩu rác trong đêm.

Lý giải về những bất cập này, ông Vũ Cường cho biết, theo Quyết định số 592/QĐ-BXD ngày 30/5/2014 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức dự toán thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị công bố cấp bậc thợ bình quân là 4/7. Tuy nhiên, Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 của UBND TP về việc ban hành quy trình, định mức lĩnh vực VSMT trên địa bàn TP áp dụng cấp bậc thợ bình quân là chỉ là 3/7.

Tiếp đó, tại Quyết định số 510/QĐ-UBND ngày 30/1/2015 của UBND TP ban hành đơn giá lĩnh vực duy trì VSMT trên địa bàn TP áp dụng hệ số đảm bảo thu nhập là 1,978. Thế nhưng khi tính toán tại Quyết định số 453/2021/QĐ-UBND ngày 21/2/2021 về việc ban hành đơn giá lĩnh vực VSMT trên địa bàn TP lại điều chỉnh hệ số giảm xuống còn 1,5.  

Từ năm 2017 đến năm 2019 Chính phủ đã điều chỉnh mức lương cơ sở 03 lần tăng lương cơ bản nhưng đơn giá các gói thầu chưa được điều chỉnh dẫn đến các hoạt động của doanh nghiệp và Người lao động lại càng khó khăn. Chi phí đóng BHXH tăng đã ảnh hưởng đến việc chi trả chế độ cho người lao động. 

Ông Vũ Cường – Phó Tổng Giám đốc Urenco

"Việc áp dụng cấp bậc thợ 3/7 và hệ số đảm bảo thu nhập là 1,5 dẫn đến mức lương bình quân cho người lao động là 5.162.850 đồng/người/tháng, sau khi nộp 10,5% tiền bảo hiểm xã hội thì người lao động chỉ còn lại là 4.620.750 đồng/người/tháng. Với mức lương này không thể đảm bảo thu nhập cho người lao động” – ông Vũ Cường cho biết.

Cũng theo ông Vũ Cường, thực tế  tỷ lệ chi phí chung áp dụng tại Quyết định số 453/2021/QĐ-UBND là không đảm bảo, gây khó khăn cho DN khi thực hiện các khoản chi như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí lãi vay, chi phí phục vụ công nhân, xe gom, thùng rác đặt trên các tuyến đường theo yêu cầu của TP… " Chúng tôi phải lấy kinh phí từ nguồn chi chung mà không có nguồn chi cho hạng mục này dẫn đến xe gom cũ, hỏng khiến công tác thu gom rác gặp rất nhiều khó khăn" -  ông Vũ Cường chia sẻ.

tm-img-alt
Công nhân vệ sinh môi trường mắc màn tranh thủ nghỉ đêm chờ xe chở rác về tiếp tục làm việc.

Được biết, những bất cập trong việc tính lương cho các công nhân VSMT đã tồn tại từ lâu, song đến thời điểm này, khi lượng rác sụt giảm (khoảng 50%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những bất cập này mới hiện rõ. Mong rằng, những kiến nghị của DN sẽ được UBND TP sớm xem xét, điều chỉnh đơn giá để ổn định đời sống của công nhân VSMT cũng như hoạt động của DN, đảm bảo công tác vệ sinh TP Hà Nội xanh-sạch-đẹp. 


Nguồn Kinhtedothi

  •  
Các tin khác

Nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ phí từ cây mướp, vốn rất dồi dào tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Loofaa đã có cách làm sáng tạo biến xơ mướp thành nguyên liệu “xanh” cho những sản phẩm thời trang độc đáo và thân thiện với môi trường.

Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành công văn số 612/UBND-KT về việc chỉ đạo thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới về công tác quản lý, bảo tồn Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Thông qua hoạt động trao tặng tủ sách Đặng Thùy Trâm một lần nữa khơi dậy trong các em học sinh tình yêu quê hương đất nước, ý chí quật cường của dân tộc cũng như những trang sử vẻ vang một thời qua tên của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.