Nhọc nhằn mưu sinh dưới nắng nóng

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/7/2022 | 5:02:50 Chiều

Những ngày qua, thời tiết tại Hà Nội nắng nóng gay gắt. Trong khi phần lớn người dân tìm cách ở trong nhà để tránh nắng nóng, thì không ít người vẫn phải mưu sinh ngoài trời để kiếm thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.

Chị Nguyễn Dịu, công nhân vệ sinh môi trường (Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên) cần mẫn làm việc dưới nắng nóng.
Chị Nguyễn Dịu, công nhân vệ sinh môi trường (Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên) cần mẫn làm việc dưới nắng nóng.

Hằng ngày, công việc của chị Nguyễn Dịu, công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên là quét sạch rác trên đường Võ Chí Công, đường ven sông Tô Lịch và các ngõ thuộc quận Cầu Giấy. Dù mấy ngày nay trời nắng nóng, nhưng chị vẫn phải duy trì công việc từ 5 đến 10 giờ sáng và từ 13 đến 17 giờ chiều. Chị Dịu cho biết, công ty trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, ngoài ra, chị còn mang thêm nước để giải khát, đeo thêm khẩu trang vải cỡ rộng. Thời gian gần đây, do thiếu hụt nhân lực cho nên số ngày nghỉ của chị giảm từ một tuần nghỉ một buổi, xuống còn hai tuần nghỉ một buổi, khiến công việc thêm phần vất vả.

Dù nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhiều lúc cảm nhận rõ sự mệt mỏi, nhưng anh Nguyễn Văn Việt (xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Ðịnh) vẫn không thể ở nhà dù chỉ một ngày. Bởi nghỉ ngày nào là không có tiền ngày đó, trong khi cuộc sống cần rất nhiều thứ phải chi tiêu. Nghề xe ôm công nghệ lúc nào cũng phải bám mặt đường dù mưa hay nắng. Anh Việt chia sẻ: "Nắng nóng cộng với giá xăng tăng, chiết khấu trên hệ thống (app) cao, làm công việc thêm phần khó khăn cho nên tôi càng phải cố gắng". Anh Việt cũng cho biết, bốn năm gắn với nghề xe ôm công nghệ, buộc anh phải thích ứng với mọi thời tiết. Ðể chống nắng, bảo vệ sức khỏe, anh Việt sử dụng đồng phục dài tay của hãng xe để tránh ảnh hưởng bởi tia nắng mặt trời. Lúc nào anh cũng mang theo một chai nước để sử dụng khi khát, đỡ chi phí mua nước. Những ngày nắng nóng, anh đi làm từ 7 giờ sáng đến 10 giờ thì về nghỉ ngơi và khoảng 13 giờ 30 phút lại tiếp tục công việc.

Dưới tán cây bằng lăng, anh Ðoàn Tiến Dũng, quê xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Ðịnh tranh thủ nghỉ ngơi sau một chặng đường đẩy xe bán hàng tạp hóa và ép plastic dưới nắng nóng. Anh Dũng cho biết: "Là lao động tự do cho nên trời nắng hơn 40 độ vẫn phải đi làm. Có ngày may mắn, tôi có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng, có những ngày chỉ được khoảng 100 nghìn đồng". Ðể đối phó với cái nắng nóng đỉnh điểm những ngày này, ngoài việc trang bị những bộ áo dài tay tránh nắng, anh Dũng lựa chọn đi những đường mát tránh nắng.

Dù gần 15 giờ chiều nhưng trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ nắng từ trên cao dội xuống, hơi nóng từ mặt đường bốc lên như đổ lửa. Cũng như hàng nghìn người bán hàng rong khác trên địa bàn Hà Nội, chị Trần Thị Dung (xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cũng không tránh khỏi nỗi niềm khi thời tiết những ngày này nắng nóng cho nên lượng người mua giảm nhiều. "Cũng có khách muốn mua hàng nhưng lại ngại dừng lại vì nắng quá", chị Dung cho hay. Vì vậy, thu nhập của chị khoảng 200 nghìn đồng/ngày trước kia, giờ giảm chỉ còn khoảng 100 nghìn đồng/ngày. Dậy từ 3 giờ sáng, sau khi lên chợ Long Biên mua hoa quả, chị rong ruổi khắp các con phố, ngõ ngách của Hà Nội để bán hàng và thường trở về nhà sau 21 giờ tối. Tranh thủ lúc vắng khách, chị Dung dắt xe hoa quả vào bóng râm bên đường nghỉ trưa, tránh nắng. Chị Dung cho biết, dù đã trang bị nón mũ, áo chống nắng, khẩu trang dày, nhưng cũng chỉ bớt đi phần nào.


Nguồn nhandan.vn

 
  •  
Các tin khác

Công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp xanh, bảo đảm quá trình thực hiện có thể tối ưu hóa hiệu quả lợi ích từ cấp địa phương đến toàn bộ nền kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững.

Để du lịch phát triển và bền vững trong tương lai thì xu hướng chuyển đổi Xanh được cho là giải pháp hữu hiệu và cấp thiết trong thời gian tới. Đây cũng là xu thế tất yếu của du lịch thế giới.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tự nhiên và hữu cơ đang ngày càng tăng, sáng ngày 30/3, UBND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị nhằm kết nối và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành - một sản phẩm quý hiếm có nguồn gốc bản địa.

Khoảng 95% nông dân trồng lúa và cây ăn quả ở Việt Nam đều lạm dụng thuốc trừ sâu. Điều này làm nảy sinh nhiều lo ngại về an toàn thực phẩm và tác động tiêu cực đến môi trường.