Chủ nhà hàng tại Hà Tĩnh gom ve chai, trích lợi nhuận giúp dân nghèo

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/11/2022 | 10:13:37 Sáng

Bảy năm nay, hàng trăm hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự hỗ trợ nhờ số tiền bán ve chai và trích từ lợi nhuận nhà hàng Bang Kok. Chủ cửa hàng là anh Lê Kim Long (Sn 1980) sống tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Anh Lê Kim Long sinh ra và lớn lên ở vùng biển ngang xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh). Người dân nơi đây thường gọi anh với biệt danh "Long ve chai”. Lúc đầu, ai cũng tưởng anh làm nghề buôn bán đồng nát nhưng thực ra anh là chủ một nhà hàng. Cái tên này được mọi người gọi bởi anh thu gom ve chai ở nhà hàng để làm thiện nguyện.
Năm 1999, sau khi nghỉ học, anh Long sang Thái Lan lao động, trải qua nhiều công việc, sau đó anh học và làm đầu bếp. Năm 2015, sau 16 năm lao động ở xứ người, anh quyết định về quê mở nhà hàng.
Anh Long, chủ nhà làng có tấm lòng thiện nguyện
Anh Long, chủ nhà làng có tấm lòng thiện nguyện. Nguyễn Hồng
Năm 2020, anh lập gia đình, anh được vợ đồng hành và ủng hộ công việc thiện nguyện. Là chủ một nhà hàng khá lớn, dù bận rộn với việc kinh doanh, phát triển nhà hàng, nhưng suốt 7 năm qua, mỗi ngày anh Long đều tranh thủ gom từng vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt sau khi khách hàng đã sử dụng.
Sau đó anh bán vỏ lon và trích một phần lợi nhuận của nhà hàng để giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là các em học sinh nhà nghèo học giỏi.
Thùng đựng vỏ lon, chai để làm từ thiện
Thùng đựng vỏ lon, chai để làm từ thiện. Ảnh: Nguyễn Hồng
Được biết, mỗi năm, anh trao quà cho 120 em học sinh thuộc 6 trường học trên địa bàn huyện Lộc Hà, mỗi phần trị giá từ 200.000 - 300.000 đồng và trao 80 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá từ 300.000 đến 2.000.000 đồng trên địa bàn huyện Lộc Hà.
Lúc đầu, anh Long chỉ trao quà trong địa bàn xã Thạch Kim nhưng dần dần mở rộng ra địa bàn các xã của huyện Lộc Hà. Ngoài ra, anh còn đóng góp lớn vào chương trình Tết vì người nghèo và các chương trình khác do địa phương và các hội đoàn thể trên địa bàn tổ chức.
Ước tính anh mỗi năm anh trích ra 70.000.000 đến 100.000.000 đồng để làm từ thiện giúp dân nghèo.
Anh Long trong tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn
Anh Long trong tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Nguyễn Hồng
Chia sẻ hành động này, anh Long cho biết: "Gia đình tôi trước đây cũng khá khó khăn, lúc còn đi học, hằng năm tôi đều nhận được những món quà động viên từ các nhà hảo tâm trao tặng. Lúc đó tôi thấy rất cảm động và thấy mình có động lực để học tập, cố gắng trong cuộc sống. 
Từ trước tới nay, tôi cứ tâm niệm một điều, nếu sau này thành công, mình sẽ góp phần nhỏ bé để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở chính nơi mình sinh ra. Tôi muốn trẻ em nghèo được đón nhận được những món quà ý nghĩa để lấy đó làm động lực phấn đấu trong học tập, sau này trở thành người tốt cho xã hội”.
Nhà hàng Bang Kok của anh Long cũng đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 14 lao động với số tiền lương mỗi tháng từ 3.500.000 đến 12.000.000 đồng/người. 
Anh Long tâm sự: Thực ra việc làm của tôi cũng không có gì lớn lao lắm, đó là những số tiền khách đến quán ủng hộ, tôi chỉ là người bỏ công gom lại để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. 
Anh Long luôn chú trọng động viên tinh thần học sinh nghèo vượt khó học giỏi
Anh Long luôn chú trọng động viên tinh thần học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Ảnh: Nguyễn Hồng
Trong gần 3 năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, việc kinh doanh nhà hàng gặp khó khăn, việc xoay xở tiền để trả lương cho nhân viên, duy trì nhà hàng cũng đã khá chật vật nhưng chương trình thiện nguyện vẫn được anh duy trì.
Trao đổi với phóng viên, ông Văn Thành Đô - Chủ tịch UBND Thị trấn Lộc Hà cho biết: "Hằng năm, anh Long liên hệ thông qua chính quyền địa phương đặc biệt là tổ chức mặt trận để thăm hỏi tặng quà những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Những suất quà này thường được anh Long trao vào dịp cuối năm học hoặc vào dịp Noel, Tết Nguyên đán; anh Long đều trực tiếp đến trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học giỏi, tặng quà những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.


Nguyễn Hồng



Nguồn danviet.vn
  •  
Các tin khác

Công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp xanh, bảo đảm quá trình thực hiện có thể tối ưu hóa hiệu quả lợi ích từ cấp địa phương đến toàn bộ nền kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững.

Để du lịch phát triển và bền vững trong tương lai thì xu hướng chuyển đổi Xanh được cho là giải pháp hữu hiệu và cấp thiết trong thời gian tới. Đây cũng là xu thế tất yếu của du lịch thế giới.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tự nhiên và hữu cơ đang ngày càng tăng, sáng ngày 30/3, UBND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị nhằm kết nối và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành - một sản phẩm quý hiếm có nguồn gốc bản địa.

Khoảng 95% nông dân trồng lúa và cây ăn quả ở Việt Nam đều lạm dụng thuốc trừ sâu. Điều này làm nảy sinh nhiều lo ngại về an toàn thực phẩm và tác động tiêu cực đến môi trường.