Người tổ trưởng tận tâm

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/5/2023 | 3:31:49 Chiều

Gắn bó với nghề vệ sinh môi trường từ năm 2002, đến nay chị Nguyễn Thị Minh Phương, Tổ trưởng Tổ môi trường số 4, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) - chi nhánh Đống Đa đã có 21 năm kinh nghiệm với công việc này.


Người tổ trưởng tận tâm
Chị Nguyễn Thị Minh Phương (Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội) trong ca làm việc.

Chia sẻ với đồng nghiệp

Tổ môi trường số 4 do chị Nguyễn Thị Minh Phương là Tổ trưởng có 34 công nhân, đảm trách duy trì vệ sinh môi trường tại 3 phường: Kim Liên, Phương Mai, Phương Liên (quận Đống Đa).

Đây là địa bàn rộng, tập trung đông dân cư, nhiều khu tập thể, chợ và các bệnh viện lớn, nên hằng ngày phát sinh khối lượng rác thải khá nhiều (khoảng 37-38 tấn). Công việc nhiều, nhân lực ít, vì vậy trung bình 1 công nhân phải thu gom hơn 1 tấn rác thải/ngày. Dù vậy, với trách nhiệm và kinh nghiệm, chị Phương đã điều hành, phân công công việc trong tổ một cách khoa học, luôn bảo đảm chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn được giao.

Qua 21 năm làm việc, chị Phương kể, công việc của công nhân môi trường thường bắt đầu lúc 17h ngày hôm trước cho đến 2-3h sáng hôm sau hoặc có thể kéo dài hơn. Đặc biệt, các dịp lễ, Tết là những ngày cao điểm do lượng rác thải phát sinh lớn, rác thải cồng kềnh do người dân dọn nhà thải ra rất nhiều, ca làm việc thường kéo dài đến tận sáng hôm sau. Song chị Phương và các anh, chị, em không quản ngại khó khăn, động viên nhau tăng ca, tăng giờ để kịp thời thu gom hết lượng rác phát sinh trong ngày, bảo đảm cho đường phố, ngõ xóm luôn sạch sẽ.

 

Đặc thù công việc của công nhân vệ sinh môi trường là chủ yếu làm việc trên các tuyến phố, lao động thủ công, trong đó Tổ môi trường số 4 do chị Phương quản lý có không ít lao động mới được tuyển dụng. Để mọi người bắt nhịp nhanh với công việc, chị thường xuyên gần gũi, kèm cặp, hướng dẫn, giúp đỡ từ việc nhỏ như bó chổi, đến cách cầm xẻng, chổi, đẩy thùng rác...; hướng dẫn các quy trình bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông. Đặc biệt, phần lớn công nhân trong tổ đều là người ngoại tỉnh, thuê trọ ở Hà Nội, nên chị Phương luôn xung phong làm thêm ca, thêm giờ, tạo điều kiện, chia sẻ công việc để đồng nghiệp có thời gian nghỉ phép về quê chăm lo gia đình.

Thêm yêu và gắn bó với nghề

Kể lại kỷ niệm đáng nhớ trong nghề, chị Phương cho hay, đó là đợt bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố năm 2021. Tại phường Phương Mai, Kim Liên, các ca F0, các điểm cách ly bệnh nhân Covid-19 liên tục phát sinh. Đặc biệt, khi Bệnh viện Bạch Mai phải phong tỏa để phòng dịch dẫn đến phát sinh một lượng lớn rác thải sinh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Trong lúc ấy, với trách nhiệm công việc, chị và Tổ môi trường số 4 sẵn sàng vào tâm dịch thu dọn, không để rác thải tồn đọng. Chị Phương hướng dẫn và trực tiếp cùng công nhân mặc đồ bảo hộ, phun hóa chất khử khuẩn khi thu rác thải sinh hoạt trong các khu vực cách ly, phong tỏa, tại các bệnh viện. "Trong đợt cao điểm bùng phát dịch Covid-19, toàn bộ công nhân của tổ đều bảo đảm an toàn tuyệt đối, không có trường hợp nào bị nhiễm bệnh” - chị Phương cho biết.

 

Trải lòng về công việc, chị Phương chia sẻ, vệ sinh môi trường vất vả, nặng nhọc và độc hại. Một công nhân phải thu gom rác cho cả tuyến phố hoặc cả một khu tập thể. Đã vất vả là thế vậy mà nhiều lúc bản thân chị cũng như nhiều đồng nghiệp vẫn gặp tình huống trớ trêu, như có người cố tình vứt rác thải bừa bãi, không đúng giờ, song đòi hỏi phục vụ vô lý. Khi công nhân môi trường tuyên truyền, nhắc nhở thì họ có lời nói xúc phạm, coi thường nghề công nhân môi trường... "Những lúc như vậy cũng tủi thân. Nhưng nghĩ tới công việc của mình và mọi người đang làm góp phần làm đẹp thành phố, bảo đảm đường phố luôn sạch sẽ, phong quang; nghĩ tới sự ghi nhận của các cấp chính quyền, của xã hội, chúng tôi lại vượt qua khó khăn, thêm gắn bó và yêu nghề hơn” - chị Phương kể.

May mắn chồng chị Phương cũng là công nhân lái xe môi trường đô thị đã về nghỉ chế độ nên hiểu rõ sự vất vả, tính chất thời gian, công việc. Chồng chị luôn động viên, hỗ trợ trong công việc gia đình, chăm sóc con cái, giúp chị yên tâm công tác.

Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn URENCO - Chi nhánh Đống Đa Mai Thanh Hằng đánh giá, Tổ môi trường số 4 do chị Nguyễn Thị Minh Phương phụ trách có địa bàn rộng, nhiều chợ dân sinh, bệnh viện... song chị Phương đã quản lý, điều hành rất tốt công việc, bảo đảm công tác duy trì vệ sinh môi trường tại địa bàn, được UBND các phường đánh giá cao. Bản thân chị Phương liên tục đạt danh hiệu "Lao động giỏi”; Tổ môi trường số 4 liên tục đạt danh hiệu "Tập thể lao động giỏi”. Trong tổ môi trường số 4 có nhiều công nhân có hoàn cảnh khó khăn được chị Phương luôn quan tâm, giúp đỡ, san sẻ công việc. Vì vậy, chị càng được mọi người quý mến, trân trọng.../.



Nguồn hanoimoi.com.vn

 
  •  
Các tin khác

Công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp xanh, bảo đảm quá trình thực hiện có thể tối ưu hóa hiệu quả lợi ích từ cấp địa phương đến toàn bộ nền kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững.

Để du lịch phát triển và bền vững trong tương lai thì xu hướng chuyển đổi Xanh được cho là giải pháp hữu hiệu và cấp thiết trong thời gian tới. Đây cũng là xu thế tất yếu của du lịch thế giới.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tự nhiên và hữu cơ đang ngày càng tăng, sáng ngày 30/3, UBND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị nhằm kết nối và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành - một sản phẩm quý hiếm có nguồn gốc bản địa.

Khoảng 95% nông dân trồng lúa và cây ăn quả ở Việt Nam đều lạm dụng thuốc trừ sâu. Điều này làm nảy sinh nhiều lo ngại về an toàn thực phẩm và tác động tiêu cực đến môi trường.