Đà Nẵng kiên trì đầu tư đề án 'Thành phố môi trường'

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/8/2024 | 4:37:27 Chiều

Dù còn nhiều thách thức, song với sự kiên trì dành nguồn lực đầu tư cho môi trường, Đà Nẵng liên tục đứng trong top đầu cả nước về đô thị xanh - sạch, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Thời gian qua, nhiều dự án thu gom, xử lý nước thải, nhất là khu vực ven biển, ven sông Hàn đã được Đà Nẵng bố trí ngân sách đầu tư. Những dự án này có kinh phí rất lớn, thường lên tới hàng ngàn tỷ đồng, nhưng có ý nghĩa quan trọng xây dựng môi trường biển trong sạch, thu hút du khách. Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng cho biết, dự án thu gom nước mưa và nước thải từ đường Hồ Xuân Hương giáp đến Quảng Nam đã hoàn thành hơn 93% khối lượng, dự án tuyến cống thoát nước Thanh Khê - Liên Chiểu cũng đã hoàn thành hai tuyến cống và cả trạm bơm Xuân Hà. Ngoài ra, nhiều dự án thoát nước khác trên địa bàn cũng đang được các đơn vị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ để khớp nối đồng bộ trong hệ thống thoát nước thành phố.


Dự án thu gom nước thải từ đường Hồ Xuân Hương đến Quảng Nam đã hoàn thành hơn 93% khối lượng.

Đà Nẵng có bãi biển đẹp, hấp dẫn du khách, vì thế việc đầu tư các dự án để ngăn nước thải tràn ra biển mang ý nghĩa sống còn, là mục tiêu quan trọng đặt ra trong đề án Thành phố môi trường (TPMT). Do đó, dù ngân sách khó khăn nhưng Đà Nẵng vẫn dành nguồn lực lớn để đầu tư các dự án thu gom, xử lý nước thải. Có thể kể đến như Dự án Cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà (đoạn từ bán đảo Sơn Trà đến đường Phạm Văn Đồng); Dự án Xây dựng hệ thống thu gom nước thải (tách và thu gom nước thải riêng hoàn toàn) lưu vực cửa xả Mỹ Khê - Mỹ An (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Hồ Xuân Hương); Dự án Xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn (đoạn từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam. 3 dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, giúp bảo vệ thương hiệu bãi biển xanh sạch cho thành phố.

Ông Đặng Quang Vinh, Phó giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, sau 15 năm kiên trì thực hiện đề án TPMT đến nay 100% nước thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn; 89,3% nước thải đô thị được thu gom, xử lý... Đà Nẵng vinh dự là 1 trong 5 địa phương được Bộ TN&MT đánh giá, công nhận về công tác bảo vệ môi trường ở mức tốt năm 2020 và đứng đầu cả nước năm 2021, 2022. Trong hai năm 2021, 2023, Đà Nẵng đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam trong lĩnh vực TPMT thông minh Xanh - Sạch. Việc đầu tư bảo vệ môi trường cũng góp phần quan trọng để đưa Đà Nẵng trở thành nơi "đáng đến và đáng sống".


Nước thải ven biển Sơn Trà đã được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn trước khi xả ra biển.

Tuy vậy, trước sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, nhiều yêu cầu, tiêu chí về môi trường đặt ra cao hơn cũng đang tạo thách thức, áp lực lớn với việc thực hiện đề án TPMT. Trong đó, việc đầu tư xây dựng các dự án nhà máy xử lý rác thải rắn hiện đang là "điểm nghẽn" lớn nhất. Mục tiêu của Chính phủ tới 2025, các thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Đà Nẵng phải đưa tỷ lệ xử lý rác thải rắn theo hình thức chôn lấp xuống dưới 20%. Từ 7 năm qua Đà Nẵng đã có chủ trương đầu tư xây dựng 2 nhà máy xử lý rác thải rắn tổng công suất 1.650 tấn/ngày đêm tại Khu liên hiệp xử lý rác thải Khánh Sơn. Tuy nhiên, do rất nhiều vướng mắc, nhất là thủ tục đầu tư, phương án công nghệ… đến nay các dự án này vẫn chưa thể triển khai. Dự án xử lý 650 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày đêm có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng mới hoàn thành thủ tục về chiều cao tĩnh không, đánh giá công nghệ và đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến tới cuối năm 2026 mới hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong khi đó, dự án nhà máy 1.000 tấn/ngày đêm hiện đang ở khâu thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo phương thức PPP do nhà đầu tư liên danh TDH Ecoland-Công ty Huy Hoàng-Huy Hoàng Eco đề xuất.

Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu triển khai nhiều lĩnh vực quản lý môi trường mới như quản lý chất thải rắn, ứng phó biến đổi khí hậu, tiếp cận các mô hình về kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh… Nhưng thủ tục đầu tư các dự án về hạ tầng kỹ thuật môi trường có liên quan, nhất là các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sau khi Luật đã có hiệu lực vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết. Bên cạnh đó thiếu các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch, tái chế, tuần hoàn… Đây là vướng mắc, đặt ra nhiều thách thức trong đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn cũng như thực hiện các mục tiêu đề án TPMT.


Nước thải ven biển Sơn Trà đã được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn trước khi xả ra biển.

Theo Sở TN&MT, đề án TPMT được triển khai trên quan điểm, bảo vệ môi trường làm nền tảng xây dựng thành phố sinh thái, là nhiệm vụ được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết sách… Theo đó, Đà Nẵng tăng cường kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải; đầu tư cải thiện chất lượng môi trường; quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu... Thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục ưu tiên, bố trí nguồn vốn để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật môi trường như cấp nước, thu gom và xử lý chất thải rắn, thu gom và xử lý nước thải.

Với tổng kinh phí ước tính hơn 15.000 tỷ đồng, đề án TPMT đặt ra các mục tiêu tiếp tục duy trì, nâng cao hơn nữa các tiêu chí môi trường đang có, phấn đấu đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái… Để thực hiện đề án, bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách, thành phố cũng huy động từ các tổ chức quốc tế, tập trung vào các giải pháp quản lý chất thải rắn, giảm thiểu chất thải nhựa…

Hải Quỳnh/cadn.com.vn
  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...