Hồ trữ nước ngọt Phú Quốc sắp cạn, chính quyền kêu gọi tiết kiệm nước

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/5/2019 | 10:47:28 Sáng

Phó Chủ tịch UBND H.Phú Quốc cho biết nước ở hồ Dương Đông đang có mức nước thấp nhất trong lịch sử. Trước tình hình này, huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn... tăng cường tuyên truyền người dân tiết kiệm nước.

Hồ nước Dương Đông đang có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: Hoàng Trung
 
'Mức nước đang thấp nhất trong lịch sử'

Trao đổi với báo chí sáng 3.5, ông Lâm Phước Thọ, Giám đốc Chi nhánh cấp nước Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết nếu tình hình nắng hạn như hiện nay kéo dài thêm 1 tháng nữa, việc cấp nước cho dân ở hòn đảo này sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, mạng xã hội đã cho đăng tải những hình ảnh được cho là chụp tại hồ nước Dương Đông (hồ chứa nước ngọt duy nhất cung cấp cho dân huyện đảo vào thời điểm này). Những hình ảnh cho thấy lượng nước trong hồ còn rất ít, một số vị trí đã hiện lên những cồn đất dưới đáy hồ.
Theo ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên, những hình ảnh trên phản ánh đúng thực trạng hồ nước Dương Đông ở thời điểm đầu tháng 5.2019.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc cho biết: "Qua kiểm tra vào sáng 3.5 cho thấy mực nước ở hồ Dương Đông đang có mức nước thấp nhất trong lịch sử".

Ông Lâm Phước Thọ, Giám đốc Chi nhánh cấp nước Phú Quốc cho biết vào sáng 3.5, đoàn lãnh đạo huyện Phú Quốc có đến khảo sát tình hình hồ nước. Qua khảo sát, nước giữa lòng hồ còn sâu khoảng 6m, tuy nhiên mực nước có thể sử dụng cung cấp cho dân chỉ khoảng chưa đầy 3m. Bởi theo lý giải của ông Thọ, hồ nước phải luôn có một phần nước dự trữ để tránh làm cho hồ bị khô, dễ gây nứt hồ.

"Hiện nay chúng tôi đang cho giảm lượng nước cung cấp bằng cách hạ áp vào giờ thấp điểm, nếu cuối tháng 5 tình hình có khó khăn sẽ cho cúp nước luân phiên theo giờ và theo khu vực”, ông Huỳnh Thanh Hà, Phó giám đốc chi nhánh cấp nước nói.

 "Điều quan trọng nhất hiện nay là tìm nguồn nước chứ không thể trông chờ vào mưa. Trước đây, huyện có chủ trương xây dựng hồ chứa nước Cửa Cạn với số vốn gần 1.390 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”, ông Thọ chia sẻ.

Nước ngọt chỉ đủ dùng trong 1 tháng

Hiện tại, nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp và người dân huyện Phú Quốc là 21.500m3/ngày đêm. Theo tính toán thì nguồn nước hiện chỉ có thể cung cấp thêm 1 tháng nữa, trong khi tình hình nắng nóng có thể kéo dài hơn.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc cho biết hiện nay đang trong đợt cao điểm của nắng nóng và hạn hán.
"Lượng nước còn lại đúng là chỉ còn cung cấp cho huyện đảo trong 1 tháng nữa. Nếu sau một tháng nữa mà không có mưa thì việc cấp nước cho các doanh nghiệp và người dân trên đảo sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Hưng chia sẻ.

Trước tình hình này, huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn... tăng cường công tác tuyên truyền người dân tiết kiệm nước, chủ động nguồn nước dự trữ, đảm bảo công suất cung cấp nước.

Đề cập đến dự án hồ chứa nước Cửa Cạn với chi phí gần 1.390 tỉ đồng, ông Hưng cho biết hiện đang có vài phương án để lựa chọn. Tuy nhiên đây là dự án lớn, chi phí bồi thường, xây đắp cũng lớn nên hiện đang chọn thêm 1, 2 phương án để đơn vị tư vấn lựa chọn để đầu tư. Vì vậy con số 1.390 tỉ này cũng sẽ thay đổi.

Bên cạnh việc nâng cấp hồ nước Dương Đông và xem xét phương án hồ nước Cửa Cạn, huyện Phú Quốc còn có 3 dự án hồ nước khác là hồ Rạch Tràm (Bãi Thơm), hồ Rạch Cá (xã Hàm Ninh) và hồ Suối Lớn (xã Dương Tơ).

Theo Báo Thanh niên
  •  
Các tin khác

Đại dương toàn cầu - các vùng biển trên Trái đất, bao gồm Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các đại dương phía Nam - cung cấp hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, đồng thời cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến sinh vật lớn nhất từng tồn tại - cá voi xanh. Sự đa dạng đặc biệt của cuộc sống ở đại dương và những dịch vụ mà chúng cung cấp cho con người đã mang lại những giá trị to lớn.

Với hệ thống sông ngòi dày đặc, Thanh Hóa được đánh giá là có tiềm năng nước mặt lớn cũng như trữ lượng nước ngầm phong phú. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. Trước yêu cầu từ thực tiễn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đưa công tác quản lý TNN đi vào nền nếp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.