Hải Phòng: Chất lượng nguồn nước ngọt đang bị suy giảm

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2022 | 10:40:18 Sáng

Hàng vạn m3 khối nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở sản xuất, cụm công nghiệp, khu dân cư đổ về làm cho chất lượng nguồn nước trên 6 hệ thống sông chính cung cấp nước ngọt cho Hải Phòng đều có dấu hiệu ô nhiễm.

tm-img-alt
Sông Rế có chiều dài hơn 9km cung cấp nước thô phục vụ các nhà máy sản xuất nước sạch của thành phố (ảnh Nam Phong)

Các con sông lớn: sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng cung cấp nước thô sản xuất nước sạch phục vụ nhân dân thành phố Hải Phòng. Trong đó, hệ thống sông Rế và sông Đa Độ cung cấp nước thô sản xuất nước sạch phục vụ 80% dân số khu vực nội thành Hải Phòng. 

Hệ thống sông Đa Độ, sông Giá, kênh Hòn Ngọc, những con sông cung cấp nước sạch cho TP Hải Phòng thì mỗi con sông cũng phải hứng chịu gần 100 điểm xả thải từ các cụm dân cư, các tổ chức sản xuất dịch vụ có lượng nước thải dưới 5m3 chưa qua xử lý hàng ngày đổ vào vào dòng sông. Đặc biệt, Trong số này có hàng chục điểm xả thải từ các cơ sở sản xuất từ các làng nghể Mỹ Đồng, Thiên Hương, thuộc những cơ sở sản xuất có chứa chất độc hại được cơ quan chức năng xác định cần phải có giải pháp xử lý cấp bách.

Cách không xa các dòng sông, tuyến kênh cung cấp nước ngọt, nước thô cho hệ thống nước sinh hoạt khu vực nội thành cũng còn những bãi chôn lấp rác tạm, các nghĩa trang hung táng của người dân địa phương vẫn đang hoạt động. Chỉ riêng sông Rế, nơi cung cấp nguồn nước thô cho các nhà máy nước sạch hiện có tới 5 nghĩa trang nhân dân nằm sát bờ sông. Sông Đa Độ tồn tại hàng chục bãi tạm chôn lấp rác thải sinh hoạt nông thôn, nghĩa trang đang hung táng, cát táng … 

Ông Bùi Thế Tiễn- Trưởng phòng QLN& CT, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Kim Hải cho biết :" trên kênh thủy lợi thuộc hệ thống An Kim Hải hiện có 369 điểm xả thải, trong đó có 332 điểm xả của doanh nghiệp và mới có 39 doanh nghiệp được cấp phép xả thải. Đặc biệt, trên tuyến sông Rế có 58 điểm xả thải trong đó 43 điểm xả thải của doanh nghiệp, 15 điểm xả thải của khu chung cư, dân cư. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp đã chấp hành các quy định của pháp luật về xả thải vào công trình thuỷ lợi. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định về xả thải; một số doanh nghiệp thuộc đối tượng phải cấp phép xả thải nhưng chưa chấp hành.”

 

Kết quả quan trắc mới nhất, các chỉ số như ôxy hoà tan (DO), chất rắn lơ lửng (BOD3, COD, Amoni, phospho, Nitrit, Mangan, sắt) tại các sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, những con sông cung cấp nước ngọt, nước thộ chính cho hệ thống cung cấp nước sạch TP Hải Phòng tại các điểm quan trắc vào những thời điểm khác nhau đều vượt từ 1-5 lần quy chuẩn Việt Nam. Đặc biệt, các chỉ số tổng dầu mỡ và Coliform vượt từ 1-8 lần so với giới hạn cho phép.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, dựa vào kết quả quan trắc, chỉ số ô nhiễm hữu cơ tại tại các nguồn nước mặt của Hải Phòng có xu hướng tăng nhẹ; các chỉ số ô nhiễm về dinh dưỡng, dầu mỡ, vi sinh vật có xu hướng tăng cao. Ngoài ra, tại một số điểm quan trắc còn ghi nhận tình trạng ô nhiễm bởi vi sinh vật, kim loại nặng.  Nguyên nhân khiến nguồn nước ngọt Hải Phòng bị ô nhiễm được xác định do tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá của Hải Phòng tăng nhanh, các nguồn thải nước sinh hoạt từ các khu dân cư  chưa được thu gom, xử lý, xả trực tiếp xuống sông./.

Nam Phong


Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.

Mới đây, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 đã trao giải Nhất trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cho Công trình "Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ mới trong thiết kế công trình thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé" của GS.TS Trần Đình Hòa và cộng sự thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Ngoài việc đạt mục tiêu khai thác tài nguyên nước, việc làm thay đổi dòng chảy sông ngòi cũng gây ra những hệ lụy về kinh tế, xã hội và môi trường mà các dự án này phải đánh đổi.