Giải pháp quản lý rủi ro tổng thể đa thiên tai cho lưu vực sông Nậm Rốm

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/3/2023 | 2:41:55 Chiều

Mục tiêu cuối cùng của dự án là mang đến một giải pháp quản lý rủi ro tổng thể đa thiên tai, tiến tới phát triển bền vững cho thành phố Điện Biên Phủ và lưu vực sông Nậm Rốm

Ngày 22/3, tại TP.Điện Biên Phủ, UBND tỉnh Điện Biên phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Khởi động Hợp phần Hỗ trợ Kỹ thuật thuộc dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm.
Dự án "Quản lý Đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm” của tỉnh Điện Biên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 170/QĐ-TTg, ngày 4/2/2021. Tổng vốn thực hiện dự án hơn 981 tỷ đồng, trong đó hơn 665 tỷ đồng vay ODA từ AFD, vốn đối ứng hơn 275 tỷ đồng, và EU viện trợ không hoàn lại hơn 40 tỷ đồng.
Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, theo quy hoạch, đến năm 2030, thành phố Điện Biên Phủ sẽ trở thành đô thị văn minh hiện đại, trung tâm phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch của cả tỉnh. Tuy nhiên đời sống, sản xuất, cảnh quan môi trường của thành phố lại chịu ảnh hưởng nhiều từ những rủi ro thiên tai ngày càng nhiều từ lưu vực sông Nậm Rốm”.

Sông Nậm Rốm đoạn chảy qua thành phố Điện Biên Phủ (Ảnh: thanhtra.com.vn)
Với hiện trạng nhiều đoạn sông bị sạt lở, vùng hạ lưu bị ngập úng, lòng sông bị thu hẹp, dòng chảy không lưu thông và ô nhiễm nặng do đô thị hoá..., đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân TP Điện Biên Phủ bị đe dọa thường trực, ông Tiến cho biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án, sau khi hoàn thành đầy đủ các hạng mục dự án, dòng sông Nậm Rốm đoạn qua TP Điện Biên Phủ sẽ trở thành đoạn sông đa chức năng, điều tiết lũ, thoát lũ, giảm ngập lụt cho thành phố, trữ nước, bảo vệ bờ chống xói lở, tạo cảnh quan.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, lưu vực sông Nậm Rốm sẽ góp phần tăng cường khả năng cấp nước cho sản xuất nông nghiệp với diện tích trên 18 nghìn ha, bổ sung nước mặt và nước ngầm, tăng khả năng cấp nước sinh hoạt với công suất 2.000 m3/ngày đêm cho người dân vùng lòng chảo và cấp nước công nghiệp cho các nhà máy trong khu vực.
Theo ông Hervé Conan, Giám đốc AFD tại Việt Nam: Mục tiêu cuối cùng của dự án là mang đến một giải pháp quản lý rủi ro tổng thể đa thiên tai, tiến tới phát triển bền vững cho thành phố Điện Biên Phủ và lưu vực sông Nậm Rốm
Dự án Quản lý Đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm gồm 2 hợp phần và được triển khai từ năm 2021 đến 2028.
Trong đó, Hợp phần Hỗ trợ Kỹ thuật - hay Hợp phần Phi công trình- gồm các phần việc: tăng cường năng lực quản lý dự án, xây dựng, hoàn thiện hệ thống giám sát; tăng cường năng lực quản lý đa thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; cung cấp kiến thức quản trị rủi ro thông qua lập bản đồ nguy cơ và tính dễ bị tổn thương cũng như phân tích thống kê chế độ thủy văn; các hoạt động thông tin truyền thông phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Hợp phần này trị giá 1,5 triệu euro (tương đương khoảng 38 tỷ đồng), do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ thông qua Quỹ Quản lý Nước và Tài nguyên Thiên nhiên (WARM Facility) và được triển khai từ cuối năm 2022 đến năm 2025.
Còn Hợp phần Công trình gồm các phần việc: xây dựng kè chống sạt lở hai bờ sông Nậm Rốm có tổng chiều dài 14,7 km; mở rộng dòng chảy và nạo vét một số đoạn sông; và xây dựng đập dâng.


Hạnh Vân



Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường
  •  
Các tin khác

Đại dương toàn cầu - các vùng biển trên Trái đất, bao gồm Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các đại dương phía Nam - cung cấp hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, đồng thời cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến sinh vật lớn nhất từng tồn tại - cá voi xanh. Sự đa dạng đặc biệt của cuộc sống ở đại dương và những dịch vụ mà chúng cung cấp cho con người đã mang lại những giá trị to lớn.

Với hệ thống sông ngòi dày đặc, Thanh Hóa được đánh giá là có tiềm năng nước mặt lớn cũng như trữ lượng nước ngầm phong phú. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. Trước yêu cầu từ thực tiễn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đưa công tác quản lý TNN đi vào nền nếp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.