Nỗi lo từ hồ, đập xuống cấp trước mùa mưa lũ

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/7/2020 | 3:41:39 Chiều

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các sự cố từ hồ đập xuống cấp, hư hỏng. Tuy chưa gây thiệt hại về người, nhưng những sự cố này thực sự đáng lo ngại do mùa mưa lũ đang đến gần, trong khi trên cả nước còn nhiều hồ đập được xây dựng từ lâu đang bị xuống cấp hoặc hư hỏng, chưa có kinh phí sửa chữa.

Đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa, đập thủy lợi là yêu cầu bức thiết trước mùa mưa lũ. Ảnh: Bích Nguyên
Ngày 28-5, đập thủy lợi Đầm Thìn, xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ bất ngờ bị vỡ. Theo thiết kế, đập Đầm Thìn có sức chứa khoảng 600.000m3 nước, được xây dựng từ năm 2008 và đưa vào sử dụng năm 2010, phục vụ nước tưới cho 200ha lúa. Sự cố vỡ đập gây hư hỏng công trình, ngập lụt ảnh hưởng đến tài sản, đe dọa tính mạng nhân dân vùng hạ du. 16 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng đã phải di dời khẩn cấp. Về tài sản, có khoảng 10ha ao cá của dân bị ngập, trôi, khoảng 6ha lúa bị ngập.

9 ngày sau khi xảy ra sự cố đập thủy lợi Đầm Thìn, đập Bara Đô Lương, Nghệ An đang trong quá trình sửa chữa cũng bị vỡ. Cụ thể, khoang số 10 và 11 đập Bara Đô Lương nằm trên sông Lam bị gãy sập hoàn toàn. Con đập này được xây dựng từ năm 1933, dài hơn 340m, dùng để ngăn dòng chảy sông Lam, làm nước dâng lên, đổ vào sông Đào phục vụ tưới tiêu cho 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu.

Được biết, dự án nâng cấp đập Bara Đô Lương được khởi công từ năm 2019, có mức đầu tư hơn 300 tỉ đồng, chủ yếu vốn của tổ chức JICA (Nhật Bản), được khởi công từ năm 2019, dự kiến hoàn thành năm 2021. Sự cố vỡ đập đã khiến cho nhà máy nước Đô Lương nằm trên sông Đào, cấp nước sinh hoạt cho 1 thị trấn và 7 xã với 7.800 hộ dân đã phải tạm dừng cấp nước.

Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, cả nước có 6.080 hồ chứa thủy lợi có dung tích trên 50.000m3 với tổng dung tích khoảng 12,5 tỉ m3 và 56 hồ thủy điện bậc thang với tổng dung tích phòng lũ là 9,35 tỉ m3. Đây thực sự là những quả "bom nước”, nếu không được quản lý, vận hành tốt dẫn tới xảy ra sự cố sẽ gây thiệt hại khôn lường.

Thực hiện chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa nước, đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp được 633 hồ chứa thủy lợi các loại, lắp đặt thiết bị giám sát cho 27 hồ chứa lớn. Mặc dù vậy, hiện nay, cả nước vẫn còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Điều đáng lo ngại hơn là trong số này có khoảng 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ dễ xảy ra nguy cơ vỡ đập trong trường hợp mưa lũ lớn.

Trong khi đó, thời gian gần đây, biến đổi khí hậu gây ra mưa, lũ cực đoan, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ có 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông; trong đó, 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, có khả năng gây mưa lớn trên diện rộng...

Để giảm thiểu sự cố hồ đập và thiệt hại có thể xảy ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố có đập, hồ chứa thủy lợi chỉ đạo các đơn vị có liên quan thường xuyên hoặc định kỳ kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình; trực ban tại công trình 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ để phát hiện và kịp thời xử lý các ẩn họa, hư hỏng, sự cố ngay từ giờ đầu...

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chủ động bố trí ngân sách địa phương để sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi... Đồng thời, rà soát, đánh giá năng lực của tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định của pháp luật; tuyệt đối không giao cho tổ chức, cá nhân không có đủ năng lực quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm định an toàn đập, hồ chứa thủy lợi định kỳ 5 năm/lần. Rà soát, điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp và bố trí các điều kiện cần thiết để thực hiện phương án nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống mưa, lũ bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du đập. Cùng với đó, thực hiện rà soát, đánh giá khả năng thoát lũ của vùng hạ du các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn. Xử lý vi phạm và chỉ đạo khắc phục hiện tượng lấn chiếm, làm co hẹp không gian thoát lũ hạ du đập.
----------------------------
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2010 đến nay đã xảy ra 70 sự cố đập, hồ chứa thủy lợi, tập trung trong 3 năm: Năm 2017 (23 hồ), 2018 (12 hồ), 2019 (11 hồ).

​​​​​​​Theo Bích Nguyên/Báo Biên phòng

  •  
Các tin khác

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.

Mới đây, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 đã trao giải Nhất trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cho Công trình "Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ mới trong thiết kế công trình thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé" của GS.TS Trần Đình Hòa và cộng sự thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Ngoài việc đạt mục tiêu khai thác tài nguyên nước, việc làm thay đổi dòng chảy sông ngòi cũng gây ra những hệ lụy về kinh tế, xã hội và môi trường mà các dự án này phải đánh đổi.