Hưởng ứng ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/3/2021 | 4:48:04 Chiều

Ngày 14/3 hàng năm là Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông. Đây là dịp để hàng nghìn trên thế giới lên tiếng và chung tay hành động, đấu tranh để bảo vệ các dòng sông, nơi được xem là khởi nguồn của các nền văn minh nhân loại.

Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông là ngày để chúng ta cùng nhau truyền đi thông điệp về những mối đe dọa mà các dòng sông đang gặp phải, và tìm hiểu về những giải pháp tốt hơn liên quan đến nước và năng lượng. Hơn hết, đó là ngày để tất cả chúng ta đoàn kết lại - bằng cách hành động cùng nhau vì những vấn đề này không chỉ đơn thuần ở địa phương, quốc gia mà là trên phạm vi toàn cầu.
Tổng quan hệ thống sông, suối của Việt Nam
Theo số liệu trên trang web của Bộ Tài nguyên và môi trường: Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên. Các sông suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước với tổng diện tích lưu vực khoảng 1.168.420 km2 , trong đó 837.430 km2 (chiếm 71,7%) nằm ở nước ngoài, chỉ có 330.990 km2 (chiếm 28,3%) diện tích lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta.
Trong tổng số 108 lưu vực sông có 33 lưu vực sông lớn, liên tỉnh, với 3.140 sông (chiếm 91% số lượng sông của cả nước), tổng diện tích lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta khoảng 306,44 nghìn km2 , bằng 92,6% diện tích đất liền của nước ta. Trong đó, có 13 lưu vực sông lớn và quan trọng, gồm: lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srê Pốk, Đồng Nai, Mê Công.
Các sông lớn bắt nguồn từ nước ngoài rồi chảy qua nước ta ra biển như các sông Hồng, Cả, Mê Công hay có một đoạn ở trung lưu chảy qua Lào như sông Mã. Đặc biệt, các sông Kỳ Cùng, Bằng Giang tuy bắt nguồn ở nước ta nhưng chảy sang Trung Quốc.
Việt Nam nằm cuối nguồn của 5 hệ thống sông lớn, gồm: lớn nhất là sông Mê Công (795 nghìn km2), 92% diện tích thuộc nước ngoài (Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia);sông Hồng (169 nghìn km2), 51% nằm ở nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc (81,2 nghìn km2); sông Đồng Nai (40 nghìn km2), 17% thuộc Campuchia (6,7 nghìn km2); Sông Mã (28,4 nghìn km2), gần 38% thuộc Lào và sông Cả (27,2 nghìn km2), 35% thuộc Lào (9,5 nghìn km2).
Việt Nam ở đầu nguồn của 3 hệ thống sông lớn, gồm: sông Bằng Giang - Kỳ Cùng (13,3 nghìn km2 ), 15% ở Trung Quốc (gần 2 nghìn km2 ); sông Sê San, có diện tích thượng nguồn ở nước ta là 11,6 nghìn km2 và sông Srêpôk, với diện tích là 18,3 nghìn km2.

Làm thế nào để bảo vệ các dòng sông?
Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, ở hạ lưu hầu hết các LVS, tình trạng suy giảm nguồn nước dẫn tới thiếu nước, khan hiếm nước không đủ cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất đang diễn ra ngày một thường xuyên hơn, trên phạm vi rộng lớn hơn và ngày càng nghiêm trọng, gây tác động lớn đến môi trường sinh thái các dòng sông, gia tăng nguy cơ kém bền vững của tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển xã hội. 
Thêm vào đó, tài nguyên nước trên các LVS ở Việt Nam đang bị suy giảm và suy thoái nghiêm trọng do nhu cầu dùng nước tăng cao trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thủy điện, làng nghề và do khả năng quản lý yếu kém. Các hệ sinh thái rừng tự nhiên duy trì nguồn sinh thủy từ thượng nguồn các lưu vực cũng bị suy giảm trên diện rộng do nạn phá rừng, do canh tác nông, nông - nghiệp, khai khoáng và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Để bảo vệ các dòng sông, Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm ngăn chặn hành động "ngược đãi” các dòng sông. Hiện nay, ở cấp quản lý liên vùng, liên tỉnh, nước ta có 9 tổ chức quản lý gồm: 4 Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông (LVS), gồm các LVS Hồng - Thái Bình, Vu Gia - Thu Bồn, sông Đồng Nai, sông Mê Công) và 2 Hội đồng LVS (gồm LVS Cả và LVS Sê San - Sêrêpôk) do Bộ NN&PTNT thành lập và quản lý và 3 Ủy ban BVMT LVS do Thủ tướng Chính phủ thành lập (gồm LVS Cầu, Nhuệ - Đáy và LV hệ thống sông Đồng Nai). Đối với các địa phương khác, BVMT LVS được lồng ghép trong các quy hoạch, kế hoạch quản lý. Trong đó, phải kể đến những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng trong việc cùng nhau định hướng và lập Kế hoạch quản lý Tài nguyên nước LVS Vu Gia - Thu Bồn.
Mặc dù đã có nhiều quyết sách lớn để bảo vệ các dòng sông nhưng các LVS trên cả nước hiện đang đứng trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Điển hình như ô nhiễm sông Nhuệ, sông Tô Lịch trong nội thành Hà Nội, sông Ngũ Huyện Khê tại Bắc Ninh, sông Bắc Hưng Hải ở Hưng Yên, hệ thống các kênh rạch chảy qua quận 8, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, TP.HCM... Thậm chí, có khu vực đã được cải tạo, khắc phục tình trạng ô nhiễm nhưng sau một thời gian lại tái hiện tình trạng ô nhiễm như kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé ở TP.HCM.
Các sự cố gây ô nhiễm môi trường nước mặt vẫn tiếp tục diễn ra, trong khi đó, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan trong khai thác sử dụng và bảo vệ môi trường nước LVS vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sự thống nhất dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường nước. Các tổ chức LVS hoạt động nhiều năm nhưng chưa thể hiện được vai trò trong việc tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước trong LVS, nhất là các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng…
Hiện, trên cùng một dòng sông, có tới 4 Bộ, ngành giữ vai trò quản lý là Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT và Bộ Giao thông Vận tải. Hệ thống văn bản chính sách đã quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành trong việc quản lý tài nguyên trên các LVS. Tuy nhiên, vấn đề là Việt Nam đang thiếu một tổ chức có quyền hạn và trách nhiệm thực sự để điều tiết các vấn đề trên LVS. Theo quan điểm của các chuyên gia, để giải quyết bài toán bảo vệ LVS hiện nay, yếu tố quan trọng là cần một cơ quan chỉ đạo thống nhất tất cả các hoạt động.
Vì vậy theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Việt Nam vẫn cần phải có một cơ quan có quyền lực thực sự để giải quyết vấn đề này.
Theo TS. Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và biến đổi khí hậu: "Chúng tôi luôn nhấn mạnh là phải có cơ quan quyền lực thực sự. Chẳng hạn như với vấn đề khai thác cát, rõ ràng nếu tỉnh này cho phép hoạt động khai thác diễn ra sẽ gây tác động tới tỉnh khác, nhưng những địa phương bị ảnh hưởng lại không thể làm gì vì nó không thuộc quyền hạn của mình".
GS.TS Nguyễn Văn Thắng - Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội cho biết: Theo quan niệm về quản lý tổng hợp LVS phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa quản lý địa giới hành chính và quản lý tổng hợp LVS. Trên LVS phải có một Ban Quản lý hoặc cơ quan quản lý chỉ đạo thống nhất tất cả các hoạt động về khai thác sử dụng nước cũng như phòng chống những thiệt hại do nước gây ra.

NGỌC ANH


  •  
Các tin khác

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.

Mới đây, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 đã trao giải Nhất trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cho Công trình "Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ mới trong thiết kế công trình thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé" của GS.TS Trần Đình Hòa và cộng sự thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Ngoài việc đạt mục tiêu khai thác tài nguyên nước, việc làm thay đổi dòng chảy sông ngòi cũng gây ra những hệ lụy về kinh tế, xã hội và môi trường mà các dự án này phải đánh đổi.