'Nói không' với vật liệu xốp gây ô nhiễm

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/7/2021 | 5:01:03 Chiều

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa ra quy chuẩn về vật liệu làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản không gây ô nhiễm môi trường.

Vật liệu phao nổi bằng xốp gây ảnh hưởng môi trường, mất mỹ quan khu vực ven biển huyện Vân Đồn
Vật liệu phao nổi bằng xốp gây ảnh hưởng môi trường, mất mỹ quan khu vực ven biển huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.
Ô nhiễm từ phao xốp
Ông Nguyễn Văn Phú, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) làm nghề nuôi trồng thủy sản gần 30 năm. Trước đây, kỹ thuật lạc hậu, hiệu quả nuôi và thị trường không đáng kể, nhiều người sống quanh khu vực ven biển, song không hứng thú với công việc này.
Chỉ đến khi ngành chuyên môn vào cuộc, các hộ dân ở huyện Vân Đồn mới bắt đầu nuôi, trồng thử nghiệm thủy sản trên bè phao nổi bằng vật liệu xốp trong vùng ven và lõi Vịnh Hạ Long.
Kỹ thuật này mau chóng phát huy tác dụng, giảm thiểu tối đa chi phí đầu tư nhưng thu nhập lại gấp nhiều lần so với nuôi trồng thủy sản kiểu truyền thống. Từ năm 2008 đến nay, số hộ tham gia nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng, từ đó tạo thêm áp lực cho môi trường biển.
Thực tế, phao xốp là loại vật liệu có độ bền thấp, sau thời gian sử dụng có tiếp xúc với môi trường ngoại cảnh, các mối nối ghép thường bị nứt vỡ làm xốp bên trong thất thoát ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Kết quả đánh giá hiện trạng các loại rác thải nhựa trên Vịnh Hạ Long vào năm 2018, có đến 5 loại rác được tìm thấy, trong đó nhiều nhất là phao xốp (chiếm trên 70%).
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 20.000 ô lồng nuôi trồng thủy sản, tập trung chủ yếu tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Các đối tượng nuôi chính là cá song, cá vược, cá giò, cá chim vây vàng, hàu, hà... Do có giá thành rẻ, dễ làm, nguồn nguyên liệu sẵn có và phù hợp với trình độ quản lý của người nuôi, nên phần lớn các lồng bè được làm bằng gỗ, phao xốp hoặc phao phi nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Khu vực ven và lõi Vịnh Hạ Long, người dân sử dụng hàng nghìn cục phao nổi bằng xốp để nuôi trồng thủy sản
Khu vực ven và lõi Vịnh Hạ Long, người dân sử dụng hàng nghìn cục phao nổi bằng xốp để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Anh Thắng.
Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh: Rác thải phao xốp từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản đang gây những những tác động xấu đến môi trường biển. Để hạn chế những tác động này, Sở NN-PTNT đã biên soạn quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ mặn tại Quảng Ninh.
Trước đó, năm 2015, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần xây dựng các dự án, ứng dụng các loại vật liệu mới nâng cao năng suất, sản lượng nuôi biển, vừa đảm bảo thân thiện với môi trường. Đặc biệt, dự án phát triển nghề nuôi cá lồng bằng vật liệu HDPE, đảm bảo sóng gió đã được triển khai thí điểm cho 30 hộ dân ở Vân Đồn và Đầm Hà với quy mô 6.000 m3.
"Quá trình thực hiện đến năm 2017 cho kết quả nhiều hơn mong đợi, mặc dù chịu ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt, song lồng nuôi được làm bằng vật liệu mới có kết cấu vững chắc, chịu được sóng gió cấp 8-9, chịu mặn, chịu nhiệt tốt, phù hợp với điều kiện tại Quảng Ninh, không gây môi trường” ông Công cho hay.
Quy chuẩn mới dành cho vật liệu nổi
Ngày 21/5/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ.
Việc ban hành quy chuẩn này cho thấy tầm nhìn và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường. 
Lắp lồng nuôi cá bằng vật liệu nhựa HDPE
Lắp lồng nuôi cá bằng vật liệu nhựa HDPE. Ảnh: Anh Thắng.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2022 (thay vì từ ngày 1/1/2023), các cơ sở nuôi trồng thủy sản mặn, lợ đang sử dụng vật liệu làm phao nổi hiện có phải thực hiện xong việc chuyển đổi và sử dụng vật liệu làm phao nổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi của Quảng Ninh.
Đối tượng áp dụng quy chuẩn bao gồm: Các cơ sở nuôi trồng thủy sản lợ, mặn bằng lồng bè, giàn bè có sử dụng phao nổi. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu phao nổi, vật liệu làm phao nổi trong nước, nhập khẩu từ nước ngoài để phục vụ nuôi trồng thủy sản. Quy chuẩn cũng quy định rõ về công tác quản lý, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, công tác tổ chức thực hiện, các thông tin chi tiết về phao nổi, vật liệu làm phao nổi.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đến nay các địa phương ven biển trong tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức tuyên truyền đến các đối tượng chịu tác động thực hiện quy chuẩn địa phương. Người dân cơ bản đã nắm được thông tin về việc phải thay thế vật liệu nổi, các loại vật liệu đã được cơ quan có thẩm quyền công bố hợp quy.
Vật liệu mà tỉnh Quảng Ninh hướng đến cho các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn là vật liệu thân thiện, không gây ảnh hưởng đến môi trường biển trong quá trình đưa vào sử dụng. Các ngành chức năng cũng đã nghiên cứu, tính toán rất kỹ về chi phí, hiệu quả sử dụng lâu dài cho người dân. Đến nay, đã có 2 doanh nghiệp đăng kí đưa vật liệu nhựa HDPE đưa vào sử dụng.
Vật liệu nhựa HDPE sẽ thay thế phao nổi xốp trong thời gian tới ở Quảng Ninh
Vật liệu nhựa HDPE sẽ thay thế phao nổi xốp trong thời gian tới ở Quảng Ninh. Ảnh: Anh Thắng.
Đơn cử như Công ty Cổ phần nhựa Super Trường Phát, doanh nghiệp này đã xây dựng mô hình trang trại mẫu với các sản phẩm nuôi biển từ nhựa HDPE bao gồm: Lồng HDPE, phao HDPE, giàn HDPE cho nuôi hàu, nuôi cá, và nuôi trồng rong biển. Đồng thời, ký kết hợp đồng 3 bên giữa các nhà quản lý, doanh nghiệp, và ngư dân cho chuỗi giá trị hàu Vân Đồn. Tổ chức các chuỗi hội thảo, tuyên truyền về việc chuyển đổi vật liệu nuôi trồng thủy sản.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần nhựa Super Trường Phát cho biết: Sau một thời gian dài nghiên cứu, vật liệu mà công ty đưa vào sử dụng rất bền, có thể lên tới 30-50 năm, chịu được va đập cao, an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn, rỉ sét.
Với điều kiện tự nhiên như Quảng Ninh có khoảng 6-7 cơn bão/năm, người dân thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro về tài sản và tính mạng, việc đưa lồng cá, phao nổi nuôi hàu bằng nhựa HDPE là hướng đi cần thiết và đúng đắn.
"Chúng tôi cũng đưa chương trình hỗ trợ đổi mới, bảo hành cho người dân 10 năm, bảo trì vĩnh viễn. Trong quá trình sử dụng, chúng tôi sẽ lắng nghe những ý kiến của người dân để cùng nhau tìm ra phương thức hỗ trợ tốt nhất cho người dân về vốn đầu tư, tái đầu tư sau khi sử dụng." Bà Bình cam kết.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát của Sở NN-PTNT, trên các bến cảng, bến cá của huyện Vân Đồn, TP Cẩm Phả, Thị xã Quảng Yên và tại vùng biển, đảo… vẫn còn tình trạng một số người dân vẫn sử dụng phao xốp và một số phao có hình dáng quả nhót, phao hình chữ nhật. Loại phao này không có nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường và chưa được công bố hợp quy.
Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng người dân đầu tư mới nhưng vẫn sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thuỷ sản không đảm bảo theo quy chuẩn địa phương. Tình trạng này đang gây khó khăn trong việc quản lý và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm rác thải rắn trên vùng biển của tỉnh Quảng Ninh.
Để quy chuẩn đi đúng lộ trình, người dân và doanh nghiệp tham gia nuôi trồng thủy sản phải hiểu rõ, hiểu đúng về tác hại, nguy cơ tiềm ẩn của vật liệu phao nổi xốp đối với môi trường tự nhiên, quá trình ô nhiễm còn ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng, chất lượng vật nuôi.
Quảng Ninh yêu cầu mỗi doanh nghiệp đăng ký đưa sản phẩm vật liệu nổi nuôi trồng thủy sản của mình vào địa phương cần có thông số đạt chuẩn HDPE của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). Thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký với ngành chuyên môn, bản công bố hợp quy....
Nguồn: Báo Nông nghiệp

  •  
Các tin khác

Với hệ thống sông ngòi dày đặc, Thanh Hóa được đánh giá là có tiềm năng nước mặt lớn cũng như trữ lượng nước ngầm phong phú. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. Trước yêu cầu từ thực tiễn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đưa công tác quản lý TNN đi vào nền nếp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.

Mới đây, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 đã trao giải Nhất trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cho Công trình "Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ mới trong thiết kế công trình thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé" của GS.TS Trần Đình Hòa và cộng sự thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.