Trung Đông ngày một ''cháy'', nước hết, hồ cạn

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/8/2021 | 2:31:06 Chiều

Những khoang phà từng một thời đón đưa khách du lịch bên hồ Urmia giờ 'đắp chiếu'. Nước cạn, bờ hồ ngày một bỏ xa đống khoang phà rỉ sét vì bám muối.

trung-dong-ngay-mot-chay-nuoc-het-ho-can-1Một người bán cà chua nhìn về vùng đất cằn, nhiễm mặn nơi Biển Chết rút dần ở khu vực Ghor Haditha, Jordan. Ảnh: Getty Images, chụp ngày 14/4/2021.
Mới chưa đầy 2 thập niên trước, Urmia còn là hồ lớn nhất cả vùng Trung Đông, nhộn nhịp khách du lịch đi kèm dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Ahad Ahmed, một nhà báo ở thị trấn ven hồ Sharafkhaneh vẫn khoe với CNN các bức ảnh người dân nô giỡn tắm hồ chụp năm 1995.
Chuyện 26 năm trước giờ như quá khứ xa xôi. Hồi đó, hồ có diện tích 5.400km2, giờ chỉ còn khoảng 2.500km2, theo Ủy ban Bảo vệ môi trường tỉnh Tây Azerbaijan của Cộng hòa Iran. Tốc độ khô cạn quá nhanh khiến ai cũng lo chẳng mấy chốc hàng nghìn km2 đó sẽ chỉ còn là bãi đất nhiễm mặn.
Vấn nạn liên vùng
Hồ cạn, sông cạn không còn là câu chuyện riêng lẻ của một quốc gia. Nó đã phổ biến cả vùng Trung Đông này. Hạn hán, mưa ít, nền nhiệt trung bình tăng... là những nguyên nhân đến từ tự nhiên. Con người cũng góp phần không nhỏ và phổ quát không kém. Đi khắp Iran, sang Iraq hay Jordan, nước được hút từ nguồn mở chưa đủ mà còn bơm từ nguồn ngầm để thỏa mãn nhu cầu tức thì về sản xuất nông nghiệp.
"Họ có nhu cầu lớn hơn từ tự nhiên cung cấp, vây nên bơm từ nguồn nước ngầm là giải pháp duy nhất và nhiều đến mức mưa không tài nào bủ đắp nổi”, Charles Iceland từ Viện Tài nguyên thế giới (WRI) cho hay.
Như tại Iran hệ thống đập rộng khắp cả nước phải dành 90% lượng nước cho ngành nông nghiệp. Nhưng năm nay họ đang trải qua một trong những chu kỳ khô hạn trầm trọng nhất trong 5 thập niên qua.
"Mưa giảm trong khi nhu cầu tăng không ngừng ở những nước trong khu vực đang làm nhiều hồ, sông và vùng ngập nước khô kiệt dần”, vẫn theo Iceland.
Hệ quả không chỉ là ở nhu cầu dùng nước, các vùng khô cằn không sinh sống được ngày một mở rộng, căng thẳng về việc chia sẻ nguồn nước liên vùng ngày một bị khoét sâu và cả những bất ổn an ninh tiềm ẩn.
Mùa đông ở Trung Đông được dự báo sẽ khô hơn trong xu thế trái đất ấm lên, và trong khi mùa hè ẩm ướt hơn thì sức nóng lại hút nước mạnh hơn, theo dự báo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về khí hậu của Liên hợp quốc vừa công bố hồi tháng 7.
"Vấn đề nằm ở chỗ, nền nhiệt phổ quát tăng lên sẽ làm cho mưa bao nhiêu cũng không bù đủ lượng nước bốc hơi”, Mansour Almazroui từ Đại học Quốc vương Abdulaziz ở Ảrập Xêút nhận xét.
Bộ Năng lượng Iran gần đây có hoàn thành một nghiên cứu chỉ ra rằng, nguồn nước tự nhiên cạn kiệt có 30% do biến đổi khí hậu. Nguyên nhân này không chỉ tác động đến lượng nước mà còn cả chất lượng nước. Như ở hồ Urmia, vì nước có tính siêu kiềm, rất mặn, nên khi cạn dần nông độ muối lại tăng dần, không thể sử dụng cho tưới tiêu được, trở thành "hồ chết” một phần nào đó.
Anh Kiomars Poujebeli bao năm nay vẫn trồng cà chua, hoa hướng dương, cử cải đường, cà tím và quả óc chó gần hồ than thở nước mặn là thảm họa cho sinh kế của anh. "Ngày mà đất ở đây không cây lương thực nào mọc lên nổi chẳng còn bao xa”, giọng Poujebel trĩu tâm trạng.
Chu kỳ luẩn quẩn
Tại Jordan, một trong những quốc gia khan hiếm nước ngọt nhất thế giới, người dân đã quen với việc dung kiệm nước như một nét truyền thống. Ấy mà dự báo của Viện Khoa học quốc gia còn cho thấy đến cuối thế kỷ này, lượng nước bình quân chỉ còn đủ một nửa so với hiện tại. Khi đó, nước cho mọi nhu cầu ăn uống, tắm giặt... chỉ còn 40 lít/ngày. Để so sánh, một người Mỹ có khoảng 400 lít/ngày.
"Jordan đã rơi vào thời gian thiếu nước rõ rệt. Ngay tại thủ đô Amman, thường thì nước cấp đến hộ dân chỉ là 2 lần/tuần, có khu chỉ có 1 lần”, giáo sư Daniel Rosenfeld từ Đại học Hebrew ở Jerusalem (Israel) cho hay.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học quốc gia, mỗi năm, mực nước ngầm ở Jordan tụt thêm tối thiểu 1m. Năm ngoái, lượng mưa cũng giảm mạnh trong khi năm 2019 đã giảm, dẫn đến 1/4 nguồn cung cấp nước bị đe dọa, đồng thời nguồn nước uống giảm một nửa.
Tổng thư ký Bashar Batayneh của Cơ quan Nước sạch Jordan phàn nàn, làn sóng tỵ nạn từ các điểm xung đột trong khu vực đến Jordan càng gây thêm áp lực về nước. "Vì có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Jordan đã đón người tỵ nạn Syria, nhưng số lượng người hiện nay làm ngân sách bù chi tới 600 triệu USD mỗi năm cho tiền nước”, Batayneh cho biết cộng đồng quốc tế chia sẻ rất hạn hẹp nguồn chi cho việc này.
Lý do thì không phải chỉ do mỗi biến đổi khí hậu. Nguồn nước ở Jordan phụ thuộc chính yếu vào hệ thống sông Jordan, vốn chảy qua cả Israel, Bờ Tây, Syria, Lebanon. Hệ thống đập chằng chịt dọc tuyến đã lấy đi phần lớn nguồn nước khi nó chảy đến lãnh thổ Jordan. Tất nhiên là Jordan cũng chẳng kém khi "chích” mạch dòng sông vô số chỗ để trữ và điều tuyến nước. Và khu vực này đã không ít lần xảy ra xung đột chỉ vì nguồn nước.
Căng thẳng trên các hệ thống sông lớn khác trong khu vực như Euphrates và Tigris cũng không hiếm lần xảy ra.
Hiện tại thì các nước đã có cơ chế hợp tác, nhưng giới chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng tình trạng nhanh hơn khiến cơ chế đó sẽ lỗi thời, và rõ rang là biến đổi khí hậu cũng là căn cớ cho các mối xung đột tiềm ẩn trong tương lai.
Hàng năm, Jordan đang mua một lượng lớn nước ngọt từ Israel, nước cũng thiếu nước ngọt tự nhiên chẳng kém họ. Tuy nhiên, do Israel sở hữu công nghệ tách muối nên "tha hồ” hút nước biển lên làm nước ngọt để bán. Từ đây lại sinh ra mặt trái. Sản xuất nước đòi hỏi điện năng, càng xuất nhiều điện càng tác động thêm vào biến đổi khí hậu.
Raad al-Tamami là sống bên bờ sông Diyal ở tỉnh cùng tên, cận kề thủ đô Baghdad, Iraq. Gia đình ông làm nông nghiệp đã nhiều đời ở đây. Vài năm gần đây, nước sông thiếu hụt làm năm nào sản lượng nông nghiệp ở 3 trang trại cập bờ sông của ông cũng giảm một nửa. Để giải quyết tình hình, ông và láng giềng lập ra cơ chế lấy nước luân phiên. Có khi phải sau 1 tháng mới đến lượt gia đình ông cho nước cạn.
Không rõ cách luân phiên lấy nước có bền vững không, vì ông vẫn dự cảm "đời con, đời cháu tôi không khéo chúng sẽ bỏ truyền thống từ thời cụ, kỵ để kiếm việc khác có tương lai hơn”.

Thục An
Nguồn nongnghiep.vn

  •  
Các tin khác

Đại dương toàn cầu - các vùng biển trên Trái đất, bao gồm Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các đại dương phía Nam - cung cấp hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, đồng thời cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến sinh vật lớn nhất từng tồn tại - cá voi xanh. Sự đa dạng đặc biệt của cuộc sống ở đại dương và những dịch vụ mà chúng cung cấp cho con người đã mang lại những giá trị to lớn.

Với hệ thống sông ngòi dày đặc, Thanh Hóa được đánh giá là có tiềm năng nước mặt lớn cũng như trữ lượng nước ngầm phong phú. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. Trước yêu cầu từ thực tiễn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đưa công tác quản lý TNN đi vào nền nếp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.