Một số quan điểm, định hướng sửa đổi, bổ sung pháp luật về quản lý chất thải rắn đô thị phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/5/2022 | 9:42:45 Sáng

Quản lý chất thải rắn đô thị phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là tất yếu khách quan cần phải có sự nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi trong quy định pháp luật, mặc dù luật BVMT 2020 mới ban hành và có hiệu lực từ tháng 01/2022.

1. Đặt vấn đề
Quản lý chất thải rắn đô thị là một trong những nội dung cơ bản đối với quản lý chất thải rắn được phân theo khu vực đó là nông thôn và đô thị, với đặc điểm đô thị là khu vực tập trung dân cư đông, lượng chất thải phát sinh lớn, nhất là chất thải sinh hoạt và chất thải xây dựng, chính vì vậy để quản lý chất thải rắn đô thị tốt hơn phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0 cần có những quan điểm, định hướng phù hợp trong việc bổ sung pháp luật về quản lý chất thải rắn đô thị trong thời gian tới.
pháp luật về quản lý chất thải rắn đô thị phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Hội thảo khoa học về quản lý chất thải rắn đô thị trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
2. Thực trạng về quy định pháp luật quản lý chất thải rắn đô thị liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Hiện nay luật về quản lý chất thải rắn chuyên ngành đô thị ở Việt Nam chưa có, liên quan đến quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn đô thị được thể hiện trong luật bảo vệ môi trường. Luật bảo vệ môi trường 2020 tại "điều 55. Bảo vệ môi trường khu đô thị, khu nông thôn”, tại mục b quy định "thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với lượng, loại chất thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trong khu đô thị, khu dân cư tập trung” . Đối với chất thải nói chung, bao gồm cả chất thải đô thị luật BVMT 2020 quy định về quản lý tại điều 72, mục a "Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy”. 
Trong luật BVMT 2020 tại điều 75 đến điều 80 cũng đã quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt như sau:
Điều 75. Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt
1. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:
a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; 
b) Chất thải thực phẩm;
c) Chất thải rắn sinh hoạt khác.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.
3. Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này vào các bao bì để chuyển giao như sau:
a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
b) Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
4. Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện quản lý như sau:
a) Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;
b) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
c) Chất thải thực phẩm không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
d) Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
5. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 3 Điều này.
6. Việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
Điều 76. Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt
1. Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau.
2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 77. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
1. Ủy ban nhân dân các cấp lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
2. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 của Luật này.
3. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt và công bố rộng rãi.
4. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện theo tuyến đường, thời gian theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
5. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. 
6. Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải theo quy định tại khoản 1 Điều 75 của Luật này; tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
7. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:
a) Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; 
b) Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt;
c) Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
Điều 78. Xử lý chất thải rắn sinh hoạt
1. Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
2. Ủy ban nhân dân các cấp lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
3. Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật này. Không khuyến khích đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ có phạm vi phục vụ trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã.
4. Chất thải rắn sinh hoạt phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định lộ trình hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp.
5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Điều 79. Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
1. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây:
a) Phù hợp với quy định của pháp luật về giá;
b) Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại;
c) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. 
2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 75 của Luật này thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.
3. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng có khối lượng nhỏ theo quy định của Chính phủ được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 75 của Luật này hoặc quản lý theo quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng có khối lượng lớn theo quy định của Chính phủ phải chuyển giao cho cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải có chức năng phù hợp hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển có phương tiện, thiết bị phù hợp để vận chuyển đến cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn có chức năng phù hợp.
5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
7. Quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 75 của Luật này phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Điều 80. Xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt
1. Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi đóng bãi và bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh phải được xử lý ô nhiễm, cải tạo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
2. Chủ dự án đầu tư hoặc cơ sở quản lý bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm sau đây:
a) Ngay sau khi đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt phải tiến hành cải tạo cảnh quan khu vực đồng thời có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường;
b) Tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến môi trường tại bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt kể từ ngày kết thúc việc đóng bãi chôn lấp và báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh theo quy định;
c) Hoàn thành việc xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường, lập hồ sơ và bàn giao mặt bằng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi kết thúc hoạt động.
3. Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. 
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí nguồn lực, kinh phí cho việc xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt do Nhà nước quản lý và bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tự phát trên địa bàn”.
Liên quan đến nội dung cách mạng công nghiệp 4.0 đối với quản lý chất thải rắn đô thị chưa có quy định riêng, thay vì thể hiện trong một số điều của luật BVMT 2020 nằm trongg quy định chung về bảo vệ môi trường hay quản lý chất thải, chẳng hạn tại điều 106 "quy định chung về quan trắc môi trường”, tại mục 1 của điều này quy định "Quan trắc môi trường bao gồm quan trắc chất thải và quan trắc môi trường, được thực hiện thông qua quan trắc tự động, liên tục, quan trắc định kỳ, quan trắc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Trong quy định quan trắc không có nội dung quan trắc chất thải rắn đô thị. Nội dung quy định trong luật BVMT 2020 liên quan đến "hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường” cũng không có nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn đô thị dựa trên công nghệ chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, tuy nhiên đối với quy định dịch vụ công nói chung đề cập tới "dịch vụ công trực tuyến”, có điều 116 quy định về "dịch vụ công trực tuyến về môi trường”. Như vậy để thực hiện dịch vụ công trực tuyến đòi hỏi phải có đầu tư hạ tầng, đổi mới công nghệ và tiếp cận dựa trên cách chuyển đổi số và truyền dữ liệu.
Từ những phân tích ở trên cho thấy mặc dù chưa có quy định riêng trong luật về quản lý chất thải rắn đô thị phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng luật BVMT 2020 đã có những điều quy định liên quan đến nội dung này thông qua quản lý chất thải nói chung và chất thải sinh hoạt nói riêng. Những quy định của luật BVMT 2020 về quản lý chất thải rắn được áp dụng cho chất thải rắn sinh hoạt đô thị.
3. Quan điểm, định hướng sửa đổi, bổ sung pháp luật về quản lý chất thải rắn đô thị phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam.
Để quản lý chất thải rắn tốt hơn phù hợp với khu vực đô thị trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những quan điểm, định hướng sửa đổi, bổ sung pháp luật cần thực hiện như sau.
Thứ nhất, cần phân định ranh giới rõ ràng khu vực đô thị và khu vực nông thôn dựa trên cơ sở tiêu chí như phân cấp đô thị đã có và quy định cho quản lý chất thải gồm đô thị đặc biệt, loại I, loại II, loại III… để quá trình triển khai thực hiện dễ phân định.
Thứ hai, thực tế trong khu vực đô thị cũng có nhiều địa bàn có tính chất hoạt động, đặc điểm khác nhau, khu vực nội thành, khu vực ngoại thành, khu vực nông thôn trong đô thị…, do đó trong mỗi đô thị nên phân định khu vực theo đặc điểm, tiêu chí quản lý chất thải rắn đô thị sẽ áp dụng công nghệ chuyển đổi số cho quản lý chất thải rắn.
Thứ ba, dựa trên cơ sở luật BVMT 2020 có hai phương án để thiết kế bổ sung hoàn thiện (i) Bổ sung, sửa đổi thành một mục riêng có các điều khoản làm rõ đối với quản lý chất thải rắn đô thị trong luật BVMT 2020 gắn với chuyển đổi số phù hợp cách mạng lần thứ tư; (ii) Tách luật BVMT thành một luật riêng về quản lý chất thải rắn, trong đó có nội dung riêng về quản lý chất thải rắn đô thị găn với chuyển đổi số. Như vậy Luật BVMT hướng đến Bộ Luật môi trường, trong đó luật quản lý chất thải rắn là luật thành phần, trong luật quản lý chất thải rắn có quản lý chất thải rắn đô thị và gắn với chuyển đổi số phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ tư, quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn đô thị nói riêng có nhiều khâu, công đoạn từ quá trình phát sinh đến tiêu hủy cuối cùng, mỗi công đoạn quản lý cần gắn với chuyển đổi số phù hợp và bắt kịp với đổi mới công nghệ và thay thế con người bằng quản lý giám sát tự động, trí tuệ nhân tạo phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên tùy theo từng công đoạn, điều kiện hạ tầng cho phép để quy định trong luật quản lý chất thải rắn đô thị cho phù hợp.
Thứ năm, việc bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan đến chất thải rắn đô thị phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải phù hợp với luật BVMT 2020 đã đề cập để có sự kế thừa, phát triển, mặt khác quy định pháp luật cũng phải phù hợp với các luật liên quan khác, nhất là quy định pháp luật đối với công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Tránh trồng chéo và bỏ sót.
Thứ sáu, cần tham khảo các quy định pháp luật liên quan đến quản lý chất thải rắn đô thị gắn với chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thứ năm ở các nước đã thành công gần với sự phát triển của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và các nước phát triển khác để học tập kinh nghiệm, từ đó đưa ra những quy định phù hợp với thực tiễn phát triển và quản lý chất thải rắn đô thị ở Việt Nam.
4. Kết luận
Quản lý chất thải rắn đô thị phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là tất yếu khách quan cần phải có sự nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi trong quy định pháp luật, mặc dù luật BVMT 2020 mới ban hành và có hiệu lực từ tháng 01/2022. Tuy nhiên hiện nay đặt vấn đề chuẩn bị cho thời gian tới để sửa đổi hay cấu trúc lại luật BVMT là phù hợp, hơn nữa cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh, nhất là chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, đối với giai đoạn bổ sung và sửa đổi luật BVMT vừa qua có thể còn những vấn đề thực tiễn chưa diễn ra, chưa thể quy định trong luật được, do vậy cần có những quan điểm, định hướng mới phù hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
1. Quốc Hội. "luật bảo vệ môi trường”. Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng  11 năm 2020.
2. Thủ tướng Chính phủ quyết định số Số: 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 "phê duyệt chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.

PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường
Bộ tài nguyên và môi trường


Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường
  •  
Các tin khác

Trong bối cảnh tình hình môi trường đang ngày càng trở nên căng thẳng, Bộ Y tế đưa ra đề nghị cấp bách cho các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý chất thải y tế tại cơ sở y tế.

Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) gây ra đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiếp tục hoàn thiện và sẽ ban hành bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Đây được coi là cơ sở quan trọng giúp các địa phương quản lý chất thải một cách hiệu quả và bền vững.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 2/4/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15.

Sáng ngày 29/3, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.