Quy định rõ trách nhiệm các Bộ ngành, cơ quan đối với đảm bảo an ninh nguồn nước

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/5/2023 | 9:11:23 Sáng

Chiều 9/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 6 về nội dung thẩm tra dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi).

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy đồng chủ trì Phiên họp.

Tham dự Phiên họp có Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi; các Ủy viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học...

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Hợp hiến, hợp pháp phù hợp với các điều ước quốc tế

090520230705-dsc_5840ok.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 6

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Thực hiện chương trình công tác năm 2023 và chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới, hôm nay Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 6 để thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu.

 

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy nhấn mạnh: Nội dung dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã thể chế hóa tương đối đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước về quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là Kết luận số 36 KL/TW về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập.

090520230711-dsc_5890ok.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại Phiên họp

Để sửa đổi Luật, Chính phủ đã rà soát 48 luật, bộ luật, Nghị quyết, 02 điều ước quốc tế có liên quan, trong đó có 11 luật liên quan trực tiếp. Vì thế, nhìn chung các quy định cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Về tính khả thi của dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, dự án Luật đã được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật tài nguyên nước 2012, tổng kết thi hành Luật Tài nguyên nước và rà soát, đối chiếu với các luật có liên quan. Do đó, về cơ bản các quy định của Luật đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên, trong dự án Luật còn 20/83 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết nên đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát cụ thể hóa tối đa trong Luật.

 
090520230737-dsc_5870ok.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành giải trình tại Phiên họp

Giải trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành khẳng định tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước; sự cần thiết phải cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, nghiên cứu xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành và nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước trong một luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước; đồng thời phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về nguồn nước và trách nhiệm quản lý xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.

090520230754-dsc_5834ok.jpg
Toàn cảnh Phiên họp

Đối với đề nghị rà soát các quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; bố cục, sắp xếp lại các quy định về các loại quy hoạch trong dự thảo Luật, Chính phủ đã rà soát các quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, thống nhất với các luật khác. Đồng thời, bố cục, sắp xếp lại các quy định về quy hoạch về tài nguyên nước trong dự thảo Luật bảo đảm logic và thống nhất; lồng ghép quy định về quy hoạch tài nguyên nước; bổ sung quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập danh mục lưu vực sông liên tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; lập, ban hành danh mục lưu vực sông nội tỉnh, danh mục nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia.

Về những nội dung khác liên quan đến đến việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Bộ sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến, đề xuất trong quá trình hoàn thiện dự án Luật này.

 

Đảm bảo tính thống nhất về Quy hoạch tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương

090520230712-dsc_5914ok.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương phát biểu

Tại Phiên họp, đề cập về sự thống nhất giữa Quy hoạch KTXH cấp tỉnh với Quy hoạch về tài nguyên nước quốc gia vừa được phê duyệt, Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, trong dự án Luật cần đề cập rõ hơn về sự thống nhất hoặc khác biệt giữa hai loại quy hoạch này. Một số địa phương đã phê duyệt quy hoạch KTXH cấp tỉnh trong đó đã đề cập đến việc sử dụng nước. Tuy nhiên, nếu quy hoạch về nước cấp quốc gia khác với quy hoạch cấp tỉnh thì việc xử lý như thế nào? Nếu theo các quy định của Luật Quy hoạch thì địa phương sẽ gặp vướng mắc đối với thực hiện quy hoạch về nước. Vì vậy, trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần có quy định cụ thể hơn trong giải quyết những bất cập khi có sự khác biệt giữa quy hoạch cấp tỉnh với quy hoạch về tài nguyên nước quốc gia.

090520230714-dsc_5927ok.jpg
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ phát biểu

Cho ý kiến về nội dung trên, Đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ băn khoăn về việc các địa phương thực hiện Quy hoạch về tài nguyên nước khi Quy hoạch cấp tỉnh được đề cập trước. Để tránh việc các địa phương phải "chạy đua” với quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và Quy hoạch cấp tỉnh, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần xem xét kỹ lưỡng đến nội dung thống nhất giữa hai Quy hoạch này hoặc cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.

090520230722-ta-dinh-thi.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu

Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu còn cho ý kiến về đảm bảo an ninh nguồn nước. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới, Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục rà soát các luật liên quan trực tiếp đến Luật Tài nguyên nước để tránh mâu thuẫn, không thống nhất. Ngoài ra, liên quan đến đảm bảo an ninh nguồn nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm các Bộ ngành, cơ quan đối với vấn đề này.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với việc hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); đồng thời khẳng định dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023.

Trong Phiên họp, các đại biểu tập trung vào một số vấn đề lớn như: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; sự đồng bộ giữa Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với những luật liên quan khác; phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; phân định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với quản lý tài nguyên nước...

Để dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình lên Quốc hội xem xét, cho ý kiến đạt chất lượng tốt nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ ngành liên quan tiếp thu ý kiến tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời chỉ đạo Tiểu ban Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập hợp các ý kiến, đề xuất của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội phục vụ cho việc hoàn thiện báo cáo thẩm tra đối với dự án Luật này để trình Quốc hội đóng góp ý kiến trong Kỳ họp thứ 5 tới.


Thủy Nguyễn - Minh Thành



Báo TN&MT

  •  
Các tin khác

Ngày 7/3/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 224/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 18/12/2023, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 71/2023/TT-BCA về kiểm định môi trường nước thải. Thông tư này chính thức có hiệu lực thi hành từ năm 2024, đánh dấu một bước quan trọng trong việc quản lý nước thải tại các cơ sở.

Ngày 20/2/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành thông báo số 86/TB-BTNMT công bố danh sách 24 đơn vị tái chế bao bì ở khu vực phía Bắc và phía Nam.

Ngày 16/2/2024, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch số 372/QĐ-BTNMT thực hiện Quyết định số 1261/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hiện đại hóa Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026-2030”. Trong đó, Kế hoạch đã đề ra 5 nhiệm vụ cụ thể.