Thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đạt hơn 10.000 tỷ đồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/7/2020 | 3:13:08 Chiều

Theo báo cáo của các tỉnh và số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 9/4/2020, cả nước thu được khoảng hơn 10,1 nghìn tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sau 3 năm triển khai chính sách thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, cả nước đã thu được khoảng hơn 10,1 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo của các tỉnh và số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy tính đến ngày 9/4/2020, cơ quan chức năng đã phê duyệt 593 Quyết định cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền 9.494,4 tỷ đồng.

Trong số 593 các công trình khai thác tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, có 112 công trình khai thác nước dưới đất gồm 56 công trình khai thác nước cấp cho các nhà máy nước, 56 công trình khai thác nước dưới đất khác; 481 công trình khai thác nước mặt (trong đó 436 công trình thủy điện, 5 công trình hồ chứa thủy lợi, 19 công trình khai thác nước cấp cho các nhà máy nước, 21 công trình khai thác nước mặt khác như làm mát, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ).

Về phía địa phương, các tỉnh cũng đã phê duyệt được trên 3.300 Quyết định cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền trên 637 tỷ đồng.

Với kết quả trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định sau 3 năm triển khai, Nghị định số 82/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã đi vào cuộc sống, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước trong việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, tăng thu ngân sách Nhà nước.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, cũng còn những khó khăn vướng mắc do thay đổi quy định của pháp luật, vướng mắc từ thực tiễn triển khai thi hành Nghị định, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Nghị định.

Cụ thể, qua thực tiễn 3 năm triển khai thi hành Nghị định với hơn 140 văn bản của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã cho thấy nhiều quy định của Nghị định hiện không còn phù hợp với thực tiễn và đề nghị tháo gỡ như: các quy định về đối tượng nộp tiền (nhiều địa phương, doanh nghiệp đề nghị làm rõ các đối tượng không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để thống nhất áp dụng trên phạm vi cả nước); căn cứ tính tiền trên cơ sở tầng chứa nước khai thác là chưa phù hợp vì nhiều công trình khai thác ở 2 tầng chứa nước khác nhau.

Ngoài ra, nhiều công trình cấp nước tập trung còn lúng túng trong xác định tỷ lệ cấp nước cho các mục đích; điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước còn có nhiều điểm chưa phù hợp; nhiều công trình bị hỏng không khai thác được nhưng khi điều chỉnh thì tiền cấp quyền lại tăng lên; chưa có quy định về thời điểm áp dụng giá tính tiền đối với trường hợp truy thu tiền.

Một số nội dung liên quan đến việc kê khai, tính, phê duyệt và thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã xảy ra trên thực tế nhưng chưa hướng dẫn cụ thể như việc phân chia tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giữa các địa phương nơi có công trình khai thác nước và hồ chứa...

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ đưa vào Chương trình công tác năm 2020 để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là Nghị định có ý nghĩa quan trọng về quản lý tài nguyên nước, giúp nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân theo hướng sử dụng, khai thác tài nguyên nước tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Hiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo trình Chính phủ ban hành./.

Theo Vietnam+

  •  
Các tin khác

Ngày 7/3/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 224/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 18/12/2023, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 71/2023/TT-BCA về kiểm định môi trường nước thải. Thông tư này chính thức có hiệu lực thi hành từ năm 2024, đánh dấu một bước quan trọng trong việc quản lý nước thải tại các cơ sở.

Ngày 20/2/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành thông báo số 86/TB-BTNMT công bố danh sách 24 đơn vị tái chế bao bì ở khu vực phía Bắc và phía Nam.

Ngày 16/2/2024, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch số 372/QĐ-BTNMT thực hiện Quyết định số 1261/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hiện đại hóa Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026-2030”. Trong đó, Kế hoạch đã đề ra 5 nhiệm vụ cụ thể.