Bến Tre: 99,2% hộ gia đình sử dụng nước sạch hợp vệ sinh

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/9/2022 | 10:58:52 Sáng

Nước sạch là một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, nguồn nước sạch sinh hoạt một số khu vực ở nông thôn trong tỉnh vẫn là niềm khát khao của người dân.

Nhiều vuông nuôi tôm quanh khu vực Nhà máy xử lý và cung cấp nước An Hiệp.
Nhiều vuông nuôi tôm quanh khu vực Nhà máy xử lý và cung cấp nước An Hiệp.

Báo động nước nguồn ô nhiễm

Ô nhiễm môi trường nước đang có xu hướng gia tăng, là vấn đề đáng báo động ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Đáng nói là dường như nhiều người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nước.

Theo các chuyên gia môi trường, vấn đề ô nhiễm môi trường nước trên thế giới hiện nay không chỉ xảy ra ở đới ôn hòa mà còn có trên đới nóng, đới lạnh, tức là bao trùm khắp các châu lục. Theo báo cáo ô nhiễm môi trường nước của UNEP, có tới 60% dòng sông của châu Á – Âu – Phi bị ô nhiễm sinh vật và ô nhiễm hữu cơ.

Còn tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường nước không chỉ xảy ra ở nông thôn, mà ô nhiễm môi trường nước ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận cũng rất nghiêm trọng. Ở đó, nước thải sinh hoạt trực tiếp xả ra sông, hồ, kênh, mương. Rất nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải; một lượng lớn chất thải rắn trong TP không được thu gom triệt để...

 


Tình trạng ô nhiễm nước mặt ở nông thôn, khu vực sản xuất nông nghiệp không ngừng gia tăng. 76% số dân đang sinh sống ở nông thôn, là nơi cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc rửa trôi làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Nhất là việc lạm dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe...

Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn triển khai thực hiện đã từng bước nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Song việc cấp nước sinh hoạt nông thôn đang đứng trước nhiều thách thức. Chất lượng nước cung cấp nhiều nơi không đảm bảo quy chuẩn quy định.

Tại Bến Tre, theo báo cáo hoạt động giám sát định kỳ chất lượng nước trong năm 2021 của ngành y tế, đơn vị tiến hành lấy mẫu nước kiểm nghiệm theo đúng quy định. Qua kiểm tra 67/67 cơ sở cấp nước toàn tỉnh Bến Tre, xét nghiệm 114 mẫu nước, kết quả có 35 mẫu đạt quy chuẩn (chiếm 30,7%), 79 mẫu không đạt quy chuẩn (chiếm 69,3%).

 

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bến Tre vừa tổ chức nhiều chuyến khảo sát tại một số nhà máy nước (NMN) trên địa bàn huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại. Qua thực tế, chất lượng nước đầu nguồn một số đơn vị báo động tình trạng ô nhiễm. Kiểm tra thực tế tại Nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch An Hiệp (Ba Tri), nước nguồn khai thác của đơn vị là rạch Giồng Chi, xã An Hiệp. Bể lắng của nhà máy về cảm quan không có mùi, màu đen. Bao quanh khu vực khai thác nước có nhiều vuông nuôi tôm vẫn đang hoạt động, nguy cơ ô nhiễm do nước xả thải trong quá trình nuôi. Khi hỏi thiết bị cơ bản để thử Clo dư trong nước, nhà máy này không có. Nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch An Hiệp đang cung cấp nước cho 2.374 hộ dân ở xã An Hiệp, An Đức, An Hòa Tây. Công suất 3 ngàn m3/ngày đêm. Tại thời điểm kiểm tra, nhà máy đang thi công nâng công suất phục vụ cấp nước.

Ghi nhận thực trạng này, đoàn giám sát khá lo ngại chất lượng nước đầu ra cấp phát trong cộng đồng dân cư. Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phạm Hồng Thái cho biết: "Mỗi đơn vị cung cấp nước phải thực hiện nội kiểm tại NMN. Đơn giản nhất là kiểm tra Clo dư ngay tại đầu nguồn, giữa nguồn và cuối nguồn để xác định mức độ an toàn về mặt vi sinh, chưa kể đến các yếu tố sinh hóa khác. NMN không có thiết bị kiểm tra lượng vi sinh thì khó điều chỉnh các thông số để đảm bảo chất lượng nước đầu ra phù hợp”.

Cũng theo ông Thái, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BYT về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Trong đó, có 99 thông số kỹ thuật nước sạch, gồm: 8 thông số nhóm A, các thông số còn lại là nhóm B. Hiện nay, chỉ có Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre kiểm tra được 99 thông số. Các đơn vị cấp nước trong tỉnh chỉ đánh giá được 8 thông số bắt buộc nhóm A.

 

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ba Tri Nguyễn Hữu Học cho hay, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nguồn cấp nước đầu vào bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật. Người dân nhiều lần phản ánh với cơ quan chức năng và qua kỳ tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp về chất lượng nước sinh hoạt có lúc chưa đạt yêu cầu.

Không riêng Ba Tri, tại địa bàn huyện Giồng Trôm, người dân phản ánh về chất lượng nước với các vấn đề như: bị đục, phèn, mùi lạ… xuất hiện trong nước sinh hoạt. Theo phản ánh của ông Từ Xuân Tiếng (Khu phố 3, thị trấn Giồng Trôm), nước máy gia đình ông sử dụng bị đục, không nghe mùi Clo mà có mùi tanh hôi khó chịu. Nhiều hộ dân trong khu vực chung đường ống nước có cùng phản ánh như ông Tiếng. Có những ngày, người dân xả nước để bỏ chứ không thể sử dụng được, ngay cả việc tắm giặt. Ông Từ Xuân Tiếng nhiều lần phản ánh với đơn vị cấp nước và HĐND huyện Giồng Trôm. "Tôi mong muốn có nguồn nước sạch để sử dụng. Đơn vị cung cấp phải tuân thủ nghiêm quy trình khử khuẩn, đảm bảo nước sạch vì sức khỏe chung của cộng đồng”, ông Từ Xuân Tiếng bày tỏ.

Cung cấp chưa đồng bộ

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Văn Cuộn cho rằng, hệ thống nước trong tỉnh cơ bản hoàn chỉnh, có mở rộng so với nhiều năm trước. Tuy nhiên, hệ thống cung cấp nước cho người dân chưa đồng đều giữa các địa phương. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch có sự khác biệt giữa các khu vực. Một bộ phận người dân khu vực nông thôn sống xa trục đường giao thông, sâu trong ruộng đồng nơi không mở rộng tuyến ống nước vẫn chưa tiếp cận được nguồn nước sạch. Họ lấy nước từ kênh, rạch, nước mưa dự trữ vào các dụng cụ chứa đựng, lắng qua phèn để dùng trong sinh hoạt.

Một phần hệ thống xử lý nước của Nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch An Hiệp (Ba Tri).
Một phần hệ thống xử lý nước của Nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch An Hiệp (Ba Tri).

Hiện nay, mạng lưới cung cấp nước sạch của các NMN chỉ triển khai đến trung tâm các xã và một số tuyến đường chính chưa đảm bảo nhu cầu nước sạch của người dân. Tại Ba Tri, hệ thống đường ống cung cấp nước NMN Tân Mỹ cũng quá tải. Đối với xã cuối nguồn vào mùa khô cung cấp nước rất yếu, ban đêm mới có nước.

Huyện Châu Thành còn khu vực cồn Tiên Lợi, xã Tiên Long và cồn Tân Vinh, xã Tân Thạch chưa thể đầu tư hệ thống cấp nước. Huyện đã kêu gọi nhưng không có doanh nghiệp đầu tư do khu vực dân ít, doanh thu không đủ chi phí hoạt động.

Để đảm bảo quyền tiếp cận nguồn nước sạch cho người dân, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Văn Cuộn đề nghị, các địa phương quan tâm, tạo công bằng, đảm bảo mọi người dân có thể sử dụng nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt. Tiếp tục kêu gọi đầu tư, quy hoạch, nạo vét tuyến kênh dẫn nước nguồn cho các nhà máy xử lý cấp phát. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng nước. Các đơn vị cung cấp nước quản lý, bảo dưỡng thiết bị lọc nước để sử dụng công trình lâu dài; liên kết hỗ trợ nhau khi hệ thống cấp nước bị xâm nhập mặn hoặc mất an toàn vẫn đảm bảo phục vụ thông suốt cho người dân trên địa bàn.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Bùi Văn Thắm cho biết: Toàn tỉnh có 67 NMN do nhiều tổ chức quản lý, gồm: Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và các đơn vị tư nhân. Tổng công suất gần 10 ngàn m3/giờ. Đánh giá theo của Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch, tỉnh có 99,2% hộ gia đình sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; trong đó, có 76,4% hộ sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia.


Diễm Vinh



Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Thường trực HĐND thành phố đã đề nghị UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy, tăng cường xã hội hóa để đảm bảo các chỉ tiêu về cấp, thoát nước, xử lý nước thải, chống ngập... nhằm cải thiện chất lượng sống của người dân và bảo vệ môi trường.

Với nỗ lực không ngừng, Công ty Cổ phần Cấp nước Phú Hoà Tân đã ghi nhận những bước tiến vững chắc trong việc giảm thất thoát nước.

Trong bối cảnh nhu cầu thiết yếu của người dân về nước sạch, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và các đơn vị cấp nước thành viên đã thống nhất thủ tục đăng ký, cắt chuyển định mức nước sinh hoạt theo số định danh cá nhân.

Với giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, những giếng cổ không chỉ là nơi cung cấp nước mà còn là nơi linh thiêng, được dân làng tôn kính và giữ gìn như một phần không thể tách rời của cuộc sống.