Quảng Nam: 95,5 % người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/9/2022 | 9:57:02 Sáng

Những năm qua, người dân vùng nông thôn Quảng Nam được tiếp cận nước sạch tốt hơn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ ngày có công trình nước sạch tự chảy, gia đình ông Võ Văn Lai ở thôn Trà Linh Đông, xã Hiệp Hòa (Hiệp Đức) bớt đi nỗi lo thiếu nước sinh hoạt. Do nguồn nước ở xa, hệ thống ống dẫn yếu nên gia đình ông Lai và các hộ dân trong thôn phải chia phiên lấy nước theo chu kỳ 3 - 4 ngày/lần. Dù còn khó khăn nhưng phương thức lấy nước dự trữ giúp các hộ có đủ nước sạch để sinh hoạt, sử dụng hằng ngày.
Ông Lai chia sẻ: Mấy năm trước, vợ chồng tôi phải ra sông gánh nước về dùng, ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Chừ có nước sạch về mừng lắm! Nước tự chảy nhưng phải đấu nối thêm van để khóa lại khi tích trữ nước đủ trong lu, làm như thế để chia sẻ nước cho các hộ khác có nước dùng đủ trong mùa khô.
Bằng nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vốn huy động, xã Hiệp Hòa đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng 2 công tình nước nước sạch tại thôn Trà Linh Tây và Trà Linh Đông. Công trình nước sạch tự chảy được giao cho cộng đồng quản lý, có thu phí để bảo dưỡng, vệ sinh, sửa chữa đường ống. Công trình lấy nước đầu nguồn qua bể lắng, lọc thô và thường xuyên được kiểm tra trước khi cung cấp đến từng hộ dân.
Ông Trần Quyết Tiến, Trưởng thôn Trà Linh Đông cho biết, thôn cử một người quản lý công trình cấp nước, xử lý đường ống khi có sự cố, dọn vệ sinh hồ chứa, kiểm tra nước. Cộng đồng có trách nhiệm đóng góp kinh phí duy tu bảo dưỡng để nguồn nước được cấp thường xuyên.
Hiện tại nước đầu nguồn vẫn còn trữ lượng lớn nhưng công trình đầu tư nhỏ nên vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước vào mùa nắng nóng. Vì vậy thôn lấy ý kiến thống nhất cấp nước theo hình thức luân phiên theo nhóm hộ.
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2016 xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức) đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp hoàn thiện từ bể chứa đến hệ thống ống dẫn, phục vụ tốt hơn nhu cầu nước sạch của người dân vùng cao.
Theo ông Mai Tấn Lựu, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận, tại xã Hiệp Thuận có 2 công trình cấp nước tự chảy có thể cấp đủ nước sinh hoạt cho gần 100% hộ dân, những gia đình ở xa đóng thêm giếng lấy nước ngầm sử dụng. Địa phương quy định người dân sử dụng nước có đóng phí (20 nghìn đồng/hộ) để có kinh phí tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng; nước được lấy mẫu để đánh giá chất lượng theo định kỳ. Nhờ đó, hệ thống ống dẫn đảm bảo, ít xảy ra sự cố, chất lượng nước an toàn.
Quảng Nam: 95,5 % người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh
Ông Võ Văn Lai (ở thôn Trà Linh Đông, xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức) sử dụng van tiết kiệm nước để chia sẻ nguồn nước cho cộng đồng. Ảnh: T.CHÂU
Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sản xuất của người dân. Đây cũng là những tác nhân làm cho nguồn nước cạn kiệt dần, tình trạng ô nhiễm có dấu hiệu gia tăng.
Để ứng phó, những năm gần đây, Chương trình nước sạch nông thôn gắn với xây dựng NTM triển khai khá hiệu quả tại các xã vùng khó khăn về nguồn nước. Các công trình nước sạch không chỉ mang lại nguồn nước quan trọng cho cuộc sống mà còn thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn nước trước thay đổi khó lường của tự nhiên.
Quảng Nam: 95,5 % người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh-2
Ảnh: T.CHÂU
Bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và sự đóng góp của địa phương, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư gần 132,5 tỷ đồng nâng cấp sửa chữa và xây dựng mới 105 công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ cho người dân nông thôn.
Theo ông Phạm Quang Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam, hiện nay tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh ở Quảng Nam chiếm khoảng 95,5%, số hộ sử dụng nước đạt quy chuẩn gần 46%, cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân nông thôn. Hầu hết công trình nước sạch đáp ứng nhu cầu về nước của cộng đồng dân cư; nhận thức của người dân về tiết kiệm nước được nâng lên.
Đáng chú ý là người dân nông thôn đã tích cực cùng chính quyền bảo vệ các công trình và bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Cũng theo ông Đông, so với mặt bằng chung, tỷ lệ người dân nông thôn Quảng Nam tiếp cận với nước sạch vẫn ở mức trung bình so với tỷ lệ chung của cả nước. Vấn đề nước sạch nông thôn vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng người dân vùng nông thôn Quảng Nam đã dần được tiếp cận nước sạch công bằng hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội./.


Vĩnh Hà



Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường
  •  
Các tin khác

Thường trực HĐND thành phố đã đề nghị UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy, tăng cường xã hội hóa để đảm bảo các chỉ tiêu về cấp, thoát nước, xử lý nước thải, chống ngập... nhằm cải thiện chất lượng sống của người dân và bảo vệ môi trường.

Với nỗ lực không ngừng, Công ty Cổ phần Cấp nước Phú Hoà Tân đã ghi nhận những bước tiến vững chắc trong việc giảm thất thoát nước.

Trong bối cảnh nhu cầu thiết yếu của người dân về nước sạch, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và các đơn vị cấp nước thành viên đã thống nhất thủ tục đăng ký, cắt chuyển định mức nước sinh hoạt theo số định danh cá nhân.

Với giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, những giếng cổ không chỉ là nơi cung cấp nước mà còn là nơi linh thiêng, được dân làng tôn kính và giữ gìn như một phần không thể tách rời của cuộc sống.