Nhà máy nước 1.200 tỉ không vận hành được, đừng đổ thừa cơ chế

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/5/2023 | 4:35:48 Chiều

Nhà máy nước Hòa Liên, là dự án đầu tư công của UBND TP.Đà Nẵng gần 1.200 tỉ đồng, nhưng sau hơn 1 năm hoàn thành, đến nay vẫn chưa thể vận hành, sử dụng. Lý do được đưa ra là vướng... cơ chế.

Công trình Nhà máy nước Hòa Liên có công suất 120.000m3/ngày đêm, khởi công cuối tháng 3.2020, tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Sau 2 năm xây dựng, toàn bộ công trình gồm hạng mục Đập dâng, Trạm bơm nước thô, Tuyến ống nước thô, Nhà máy xử lý đã hoàn thành và vận hành, chạy thử đảm bảo công suất theo đúng yêu cầu thiết kế.

Nhưng từ cuối năm 2022 đến nay, Đà Nẵng vẫn loay hoay chưa vận hành được. Công trình hoàn thành thì Ban quản lý dự án hết nhiệm vụ. Trong khi đó, Công ty Cấp nước (duy nhất của thành phố) thì đã cổ phần hóa. Nhà máy nước Hòa Liên được đầu tư công, nên không thể đem công sản giao cho doanh nghiệp cổ phần.

Để "vá" lỗ hổng này, tháng 12.2022, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng ban hành quyết định, bổ sung nhiệm vụ đối với Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị - trực thuộc Sở Xây dựng. Theo đó, bổ sung chức năng cấp nước sạch cho trung tâm này để đảm bảo việc quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.

Tuy nhiên, đơn vị này chưa hề có kinh nghiệm quản lý vận hành nhà máy nước, không có nhân lực, chưa đào tạo con người đáp ứng nhiệm vụ mới. Một dự án đầu tư công, một tài sản quá lớn của nhà nước, giao "đột ngột" cho một đơn vị chưa có nhân sự, chưa có kinh nghiệm, chưa có cả phương án để vận hành, kinh doanh... nên "đứng bánh" là đương nhiên.

 

Chưa kể, sau khi cổ phần hóa (2016), tất cả hệ thống phân phối, cấp nước, thu phí... ở Đà Nẵng đều là tài sản của Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco). Nếu nhà máy nước Hòa Liên đưa vào vận hành, tất nhiên là không thể xây dựng mới hệ thống cấp nước riêng. Còn nếu dùng chung, thì phải thỏa thuận được phương án mua bán, ăn chia...  Không thể dùng 1 quyết định hành chính từ UBND TP là làm được ngay.

Ngoài ra, ở thời điểm đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên, TP.Đà Nẵng cũng đồng ý để Dawaco đầu tư các nhà máy cấp nước khác, dẫn đến nguy cơ thừa nước.

Cao điểm như dịp lễ 30.4, 1.5 vừa qua, Đà Nẵng chỉ sử dụng 300.000m3 nước/ngày đêm. Trong khi đó, năng lực cấp nước của Dawaco hiện nay đã 380.000m3/ngày đêm. Nay có thêm nhà máy nước Hòa Liên với công suất 120.000m3/ngày đêm, nên tổng khả năng cấp nước của Đà Nẵng lên 500.000m3/ngày đêm. Trước mắt là thừa.

 

Việc đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên để đảm bảo cấp nước an toàn cho thành phố trong tương lai, là chủ trương đúng và kịp thời của Đà Nẵng, nhưng rõ ràng cần 1 dự báo sát thực tiễn để tham mưu, quyết định lộ trình đầu tư một nhà máy nước hợp lý hơn. Việc khai thác cũng sẽ hiệu quả, tránh lãng phí hoặc lúng túng đưa vào sử dụng như hiện nay.

Hiệu quả thực sự của một dự án đầu tư công không phải là giải ngân đúng thời hạn, không chỉ là tránh thất thoát, mà là công năng sử dụng của dự án đó phát huy đến đâu.

Cái vướng của Nhà máy nước Hòa Liên ở Đà Nẵng khi chưa thể đưa về vận hành, sử dụng sau hơn 1 năm hoàn thành, không thể cho là lỗi cơ chế, mà cần tìm ra cá nhân chịu trách nhiệm.


Thanh Hải



Nguồn Báo Lao Động

 
  •  
Các tin khác

Mục tiêu lớn của Biwase trong năm 2024 là đạt tổng doanh thu 4.100 tỷ đồng và lãi sau thuế 700 tỷ đồng.

Luôn đặt khách hàng vào trung tâm hoạt động của mình, Công ty Cổ phần Cấp nước Bến Thành cam kết cung cấp nước sạch và đầu tư xây dựng mạng lưới cấp nước để đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng nước sạch của cộng đồng.

Trong những ngày giáp Tết nguyên đán Giáp Thìn, chương trình "Tết Sum Vầy - Xuân Tri Ân" năm 2024 từ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) đã lan tỏa không khí ấm áp đến với những hộ gia đình lao động gặp khó khăn.

Nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Do đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế, quan tâm đầu tư để nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch cho người dân vùng nông thôn; góp phần đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.