Giải quyết bằng công nghệ tiên tiến rác thải trên địa bàn thủ đô

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/12/2021 | 3:14:48 Chiều

Tại Quyết định số 609/QĐ-TTg (ngày 25-4-2014), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QH 609).

Quyết định số 609 xác định, Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải. Tuy nhiên, việc chậm triển khai các khu xử lý theo quy hoạch dẫn tới rác thải đang dồn về 2 khu xử lý là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì), gây áp lực lớn đối với công tác xử lý rác thải của thành phố. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến được coi là lời giải cho bài toán xử lý rác thải của Thủ đô.

Áp lực rác thải

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo QH 609, thành phố có 17 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, được chia thành 3 vùng: Phía Bắc, phía Nam và phía Tây. Trong đó, 8 khu được nâng câp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới. Công nghệ xử lý áp dụng là chế biến thành phân vi sinh, đốt thu hồi năng lượng, tái chế, chôn lấp hợp vệ sinh.

Rà soát tiến độ các dự án xử lý rác thải theo quy hoạch, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, hiện 6 khu xử lý nhỏ đã đầy và đóng bãi là Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm), Cao Dương (huyện Thanh Oai), Hợp Thanh, Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức), Tây Đằng (huyện Ba Vì), Vân Đình (huyện ứng Hòa). 6 khu này, người dân đều có ý kiến không đồng thuận xây dựng dự án xử lý do ô nhiễm từ bãi chôn lấp cũ. 3 khu đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác nhưng công suất nhỏ, công nghệ lựa chọn không phù hợp nên chưa hoạt động hoặc đã dừng hoạt động. 2 khu xử lý Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Đồng Ké (huyện Chương Mỹ), thành phố giao UBND huyện đầu tư hạ tầng làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư. 4 khu xử lý đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư song nơi thì người dân phản đối nên dừng triển khai, nơi thì chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng... Hiện toàn bộ khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn thành phố (khoảng 6.500- 7.000 tấn/ngày) đang dồn về 2 khu xử lý chính là Nam Sơn và Xuân Sơn.

 
tm-img-alt
Công việc của công nhân vệ sinh thu gom rác nhìn vào rất đơn giản nhưng ẩn trong đó là sự nhọc nhằn với trăm nỗi khó khăn. Ảnh MTĐT

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công, cả 2 khu xử lý này đều đưa vào hoạt động tư năm 1999, hiện đang quá tải. Việc quản lý vận hành tại các khu xử lý gặp nhiều khó khăn, bị động do tiến độ các dự án xây dựng ô chôn lấp, nhà máy đốt rác phát điện bị chậm, trong khi vẫn phải chôn lâp rác trong tình trạng thiếu các vị trí đổ rác, lưu chứa nước rác. Đầu tháng 11-2021, bãi rác Nam Sơn đã phải tạm dừng tiếp nhận rác thải trong 3 ngày để bảo đảm an toàn vận hành, tránh nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.

Ông Phạm Việt Dũng (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) bày tỏ: "Việc bãi rác Nam Sơn dừng hoạt động khiến rác thải ùn ứ tại nhiều tuyến phố, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, chúng tôi rất mong thành phố sớm giải quyết bài toán xử lý rác thải, tránh phụ thuộc vào một khu xử lý”.

tm-img-alt
Mặc dù, bãi rác Nam Sơn được coi là bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh, sử dụng công nghệ xử lý nước rác hiện đại tiên tiến trên thế giới nhưng các công nghệ của nước ngoài áp dụng tại Việt Nam phần lớn đều không hiệu quả vì không phù hợp với đặc thù rác thải phức tạp, chưa phân loại đầu nguồn.

Đâu là giải pháp?

 

Tại kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI mới đây, tiến độ các dự án xử lý rác thải đã được các đại biểu HĐND thành phố chất vấn các sở ngành, địa phương liên quan. Vấn đề giải phóng mặt bằng, công nghệ, kinh nghiệm thực hiện dự án của chủ đầu tư, người dân chưa đồng thuận... là những nguyên nhân chính khiến các dự án xử lý rác chậm triển khai.

Để giải bài toán này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, UBND thành phố định hướng trong giai đoạn 2021-2025 sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến có thu hồi năng lượng để phát điện. Trong đó, Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Nam Sơn công suất 4.000 tấn/ngày, theo kế hoạch bắt đầu vận hành trong tháng 1-2022; Nhà máy Seraphin sử dụng công nghệ đốt rác phát điện tại Xuân Sơn công suất 1.500 tấn/ngày, dự kiến khởi công xây dựng trong quý 1-2022. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng báo cáo, đề xuất UBND thành phố ưu tiên hoàn thành dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại tại 3 khu xử lý  theo quy hoạch: Núi Thoong (huyện Chương Mỹ) công suất 2.000 tấn/ngày; Châu Can (huyện Phú Xuyên) công 1.000 tấn/ngày, Phù Đổng (huyện Gia Lâm) công suất khoảng 1.000 tấn/ngày. Việc triển khai 3 dự án trên sẽ giúp hợp lý hóa trong phân luồng xử lý rác từ các quận, huyện, thị xã; giảm cự ly vận chuyển, bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý rác đến năm 2025 và các năm tiếp theo.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, tại khu xư lý Núi Thoong, nhà đốt rác phát điện. Người dân đồng thuận nên đã giải phóng mặt bằng được 10,3ha. Sở cũng đã làm việc với Bộ Xây dựng rà soát quy hoạch chuyên ngành, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhà máy xử lý rác ở Đồng Ké... Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thông tin đế người dân hiểu, ủng hộ các dự án xử lý rác thải...

 

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, Song nhiều dự án chậm tiến độ. Thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì, rà soát, cập nhật tiến độ quy hoạch các khu, dự án xử lý rác thải trên toàn địa bàn. Dự kiến, trong quý 1-2022 có thể trình phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vào Quỹ hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội làm cơ sở để kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án trong thời gian tới.

Nhu cầu cấp thiết

Hà Nội là một trong những đô thị đông dân nhất cả nước, lượng rác thải ra môi trường rất lớn. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 6.500 tấn rác sinh hoạt thải ra môi trường, chưa kể các loại rác thải công nghiệp, rác thải rắn, rác thải độc hại khác.

tm-img-alt
Khả năng gây ô nhiễm từ bãi rác Nam Sơn là không thể tránh khỏi. Nước rỉ rác có thể bị rò rỉ qua các đường ống gom, thấm lọc qua các lớp lót khi thiết kế không tốt hoặc khi bị quá tải tại các ô chứa. Ngoài ra, nước rỉ rác còn có thể thoát ra ngoài môi trường qua nước mưa, nhất là từ các hố chôn cũ lấp đã đóng cửa.

Nhằm đáp ứng như cầu trước mắt và lâu dài, Quy hoạch xử ly chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg (ngày 25-4-2014). Tuy nhiên, đến nay trong tổng số 17 khu xử lý chất thải được quy hoạch, mới chỉ có Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì), Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) hoạt động, số còn lại đã dừng hoạt động hoặc bị chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; người dân chưa đồng thuận; nhà đầu tư lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ xử lý rác...

Trước áp lực dân số, khối lượng rác thải trên địa bàn Hà Nội không ngừng gia tăng. Với việc thiếu các khu xử lý rác thải, thành phố phải đối mặt với nhiều hệ lụy từ rác.

Giải quyết những bất cập, tồn tại, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan quyết liệt thực hiện nhiệm vụ được giao, thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư triển khai và hoàn thành những dự án xử lý rác thải; chỉ đạo đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật, trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác thải; đôn đốc điều chỉnh chủ trương đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại... Đây là những giải pháp căn cơ mang tính cấp bách, lẫn lâu dài và cần có sự vào cuộc trách nhiệm của nhiều bên liên quan. Trong đó, từ khâu lựa chọn công nghệ đến giám sát thực hiện hiệu quả các dự án xử lý rác cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng đối với các bên có liên quan cùng tiến độ thực hiện cụ thể.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều dự án xử lý rác chậm tiến độ là do gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Bởi vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, ủng hộ các dự án xử lý rác thải trên địa bàn. Song song với đó cần phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ xây dựng; kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình cản trở việc triển khai các dự án, gây mất an ninh trật tự khu vực...

Để việc xử lý rác thải mang tính bền vững, cũng cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia, đầu tư công nghệ thu gom, xử lý rác thải hiện đại. Về phần mình, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, trong quá trình triển khai nếu gặp khó khăn, vướng mắc sớm có báo cáo với cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết. Đối với mỗi người dân, cần có những hành động thiết thực, nêu cao ý thức trong việc thu gom, xử lý rác thải của gia đình; nhất là thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn, góp phần làm giảm tải trọng chất thải phải xử lý, đồng thời có thể thu được nguồn lợi kinh tế từ rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.

Xử lý rác thải là nhu cầu cấp thiết cần được quan tâm giải quyết. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của thành phố, doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân, tin tường rằng công tác xử lý rác thải sẽ dần đi vào nền nếp, góp phần làm cho Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CNMT Hà Nội

Tài liệu tham khảo:
1. Dạ Khánh"Xử lý rác thải trên địa bàn Thủ đô – giải quyết bằng công nghệ tiến tiến”. Báo HNM 23/12/2021.
2. Quỳnh Anh "Nhu cầu cấp thiết”.


Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 11-2024.

Các quy định đối với việc triển khai chi trả DVHST tự nhiên tại Việt Nam cũng được nêu cụ thể tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.

Các rủi ro trong quá trình phát triển dự án metro không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ mà còn ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư và chi phí của dự án...

Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, trở thành một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới đều coi trọng hội nhập, hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.